Dù đã cố gắng chữa trị nhưng đến nay bệnh tình của em vẫn phát triển. Tôi sợ rằng em sẽ mất niềm tin vào Tam bảo. Mong quý Báo tư vấn giúp xem về phần tâm linh em tôi phải làm gì? Việc tu tập có gì sai lệch hay không mà Phật chưa chứng? Có phải cúng gì về mặt âm phần của tổ tiên? Về phương pháp trị bệnh hiện nay có đi đúng đường không? Hay phải mổ xẻ, trị liệu theo Tây y? Quý Báo có thể hướng dẫn em tôi tu tập để chuyển hóa nghiệp bệnh được không?
(LIÊN THỦY, hoaoaihuong75@yahoo.com)
ĐÁP:
Bạn Liên Thủy thân mến!
Các loại bệnh tật hiện nay chủ yếu được trị liệu theo Tây y, hoặc Đông y, hoặc Đông-Tây y phối hợp dựa trên các cơ sở khoa học của ngành y khoa được Nhà nước thuận chuẩn. Với bệnh ung thư, việc “phối hợp với diện chẩn, ăn gạo lứt muối mè đồng thời lạy sám hối, niệm Hồng danh Bồ-tát Quán Thế Âm, làm các việc phước thiện như phóng sinh, cúng dường, ấn tống kinh sách...” chỉ là các liệu pháp hỗ trợ, không phải phương pháp chữa bệnh ung thư của y học hiện nay. Do đó, thân nhân cùng bệnh nhân ung thư không nên xem các liệu pháp hỗ trợ ấy là phương pháp chữa bệnh. Phương pháp chữa bệnh đúng đắn nhất là phải theo sự hướng dẫn của thầy thuốc, các nhà chuyên môn về ung thư.
Những vấn đề bạn quan tâm như “Về phần tâm linh em tôi phải làm gì?”, bạn nên biết rằng Phật pháp chủ yếu trị liệu tâm bệnh. Dù thân và tâm có liên hệ mật thiết, hỗ trợ nhau nhưng Phật pháp không phải là phương pháp khoa học trị bệnh ung thư. Nên thiết nghĩ, để góp phần điều trị, em của bạn cần quan tâm hơn về tâm lý (chứ không phải là tâm linh), cụ thể như thấy rõ bệnh trạng của mình, hiểu rõ bệnh ung thư phát hiện sớm có thể trị được, nắm vững nguyên tắc trị liệu để tuân thủ đồng thời luôn lạc quan, tin tưởng vào sự chiến thắng bệnh tật.
Tiếp đến là “Việc tu tập có gì sai lệch hay không mà Phật chưa chứng?”. Theo tinh thần Chánh pháp, việc tu tập chỉ có tác dụng hỗ trợ cho điều trị bệnh tật mà thôi. Vì thế không nên nghĩ rằng, nếu tu đúng thì Phật sẽ chứng cho mình lành bệnh. Ngoại trừ những trường hợp “bệnh nghiệp”, tức không có triệu chứng cũng như biểu hiện bệnh lý rõ ràng, đi khám bệnh bác sỹ bảo không có bệnh gì cả mà mình vẫn đau ốm, riêng trường hợp này thì sám hối cùng tu niệm, làm phước có thể hóa giải. Vẫn biết, trong thực tế có một số người gặp bệnh ung thư khá nặng, sau đó họ tu tập và dùng đủ thứ thuốc… gia truyền rồi bỗng nhiên bớt và lành bệnh. Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp cá biệt, không thể áp dụng cho số đông, không nên xem đó là phương pháp điều trị ung thư. (Nhân đây cũng xin nói thêm cho bạn biết, các vị Hòa thượng, Ni sư bị bệnh ung thư cũng vào bệnh viện điều trị như các bệnh nhân khác).
Bạn cũng không nên suy nghĩ theo hướng “Có phải cúng gì về mặt âm phần của tổ tiên?”. Việc lo xây sửa lăng mộ, thờ cúng ông bà tổ tiên là hiếu đạo, khi nào có điều kiện thì hãy làm. Việc này hoàn toàn không liên hệ đến trị liệu bệnh ung thư. Bạn cần tỉnh táo để không bị những người khác dụ dẫn, thậm chí lừa gạt, đã không giúp ích gì cho việc trị bệnh mà còn tốn kém thêm.
“Về phương pháp trị bệnh hiện nay có đi đúng đường không?”, đây chính là quan tâm đúng đắn nhất. Theo nguyên tắc trị liệu của y khoa, sau một thời gian bệnh không thuyên giảm thì cần nhanh chóng thay thầy, đổi thuốc. Nói rõ hơn, trị liệu theo Đông y một thời gian (gần hai năm là khá dài) thấy không bớt, bệnh còn có dấu hiệu nặng thêm thì cần chuyển ngay sang Tây y, hoặc Đông-Tây y phối hợp. Theo thư bạn cho biết thì dường như người bệnh có thành kiến với Tây y, đây là điều không nên. Mỗi ngành Đông hoặc Tây y đều có một quan điểm, phương cách trị liệu riêng và dĩ nhiên cũng có cái hay riêng, cùng với đặc điểm cơ địa và bệnh tật ở mỗi người cũng khác biệt nên việc “không tin tưởng vào Tây y” sẽ đánh mất cơ hội trị liệu của em bạn.
Hiện nay, đối với bệnh ung thư vú, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời theo Tây y, kết quả cũng rất khả quan. Chúng tôi nghĩ rằng, em của bạn nên chuyển qua điều trị Đông - Tây y phối hợp, hoặc theo Tây y (vì lâu nay chữa theo Đông y không bớt), kết hợp với các liệu pháp hỗ trợ (sám hối, tu tập, làm phước…) sẽ là hướng điều trị mới, có thể mang đến kết quả tốt đẹp hơn.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự