Với cách giúp như trên có phải tôi đang tạo điều kiện để người khác sát sanh? Việc giúp người thông thường thì được phước nhưng trong trường hợp này chẳng biết tôi có bị tội (cộng nghiệp sát hại) không? (CHÁNH TÂM, tanlochappy@yahoo.com.vn)
ĐÁP: Bạn Chánh Tâm thân mến!
Hẳn bạn cũng từng nghe câu nói, giúp người nên cho họ cần câu chứ không nên cho con cá. Có nghĩa là, cho người cách thức hay phương tiện làm ăn (cần câu) để người ta tự làm lấy mới chính là sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả nhất. Bởi nếu chúng ta cho thực phẩm và các vật dụng sinh hoạt (con cá) thì chỉ giải quyết được vấn đề thiếu hụt trước mắt mà thôi.
Muốn tạo sinh kế lâu dài và ổn định, tốt nhất là nên giúp cho họ cái phương tiện làm ăn. Nếu họ buôn bán nhỏ, ta cho vốn; nếu họ làm nông, ta cho cây giống và nông cụ; nếu họ làm nghề biển, chắc chắn ta phải cho họ ngư cụ v.v…
Cho nên, khi ta trợ duyên tiền bạc cho ngư dân để họ mua sắm ngư cụ làm ăn là điều vô cùng hợp lý. Bởi cũng số tiền ấy, nếu mua thực phẩm thì sớm muộn gì cũng ăn hết, mà khó khăn thì vẫn còn.
Điều quan trọng nhất ở đây là không nên đánh đồng hai vấn đề “giúp đỡ ngư dân có phương tiện làm ăn” và “xúi bảo, tạo điều kiện cho người khác sát sanh” lại với nhau vì bản chất chúng khác xa nhau. Dĩ nhiên mỗi người đều có một nghề để làm ăn và phải mang một hành nghiệp riêng. Người làm nghề buôn bán, làm nghề nông hay nghề biển… đều có nghiệp riêng của họ. Nên không vì nghiệp riêng của họ mà chúng ta quay lưng khi họ gặp khó khăn.
Người làm việc thiện ý thức rất rõ là mình đang giúp đỡ cho con người, cho đồng loại để họ vơi bớt khổ đau, khốn khó. Còn người được giúp đỡ vì sinh kế mà tạo nghiệp là nghiệp của riêng họ. Hai vấn đề này khác biệt nhau, không nên lẫn lộn. Ví như nói rằng, các bác sĩ tận tình cứu chữa cho tên cướp khét tiếng bị bệnh trong trại giam là tiếp tay với tội ác thì rất không ổn. Bởi lẽ, bác sĩ thì phải cứu người bệnh, còn xét xử tên cướp là việc của người khác.
Về phương diện cộng nghiệp, xét cho cùng thì cuộc sống này là sự tương quan tương duyên nên cộng nghiệp sát hại thì ai cũng có, chỉ khác biệt là nhiều hay ít mà thôi. Đơn cử như có người không hề sát sinh, ăn chay trường nhưng không hẳn người này không có cộng nghiệp giết hại.
Do vậy, nếu bạn có điều kiện muốn giúp đỡ ngư dân hay bất kỳ ai có phương tiện làm ăn sinh sống thì nên làm, giúp người thì được phước. Tuy vậy, bên cạnh sự giúp đỡ đó, bạn cũng tùy duyên lựa lời khuyên nhủ họ, nếu có thể thì tìm một sinh kế khác bớt tạo nghiệp sát hơn.
Chúc bạn tinh tấn!