Suy nghiệm lời Phật: Những điều nam giới bị ràng buộc

Thứ sáu - 18/12/2015 10:42
Chúng ta sinh ra trong cõi Dục nên nghiệp tham ái là bản chất của con người. Ái dục, luyến ái nam nữ có vị ngọt, có sức hấp dẫn và lôi cuốn mạnh mẽ.
Khi đến tuổi trưởng thành, mỗi người đều tìm cho mình một người bạn đời để mưu cầu hạnh phúc, cùng nhau vui sống cho đến ngày đầu bạc răng long. Không ít người còn nguyện sống chung, không chỉ đời này mà những kiếp về sau vẫn tiếp tục đồng hành.

Người xuất gia, khi chưa đắc đạo thì nỗ lực vượt thoát ràng buộc ái dục là cả một công phu lâu dài. Cho nên, vị Tỳ-kheo, cần phải thấy biết rõ ràng về những phương diện hấp dẫn của phái nữ để tránh duyên, không bị ràng buộc. Còn người tại gia, nhất là nữ giới, cũng cần biết rõ những thế mạnh của mình để “ràng buộc” người bạn đời chặt chẽ hơn.

“Một thời Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Người nữ thành tựu chín pháp ràng buộc người nam. Thế nào là chín? Là ca, múa, đàn, hát, cười, khóc, thường tìm cách thích hợp, tự dùng nhan sắc hình dung, huyễn thuật mê hoặc. Họ toan tính trong bao nhiêu việc ấy, chỉ thích ràng buộc người nam chặt chẽ; trăm lần ngàn lần không thể so sánh.

Nay Ta quán sát các việc như vậy, người nữ thích ràng buộc người nam chặt chẽ, không cho thoát khỏi là như thế. Theo đó, người nam bị ràng buộc trong lao ngục.

Cho nên, các Tỳ-kheo nên nhớ nghĩ trừ bỏ chín pháp này. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm Chín nơi cư trú của chúng sinh,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.209)

Rõ ràng, người nữ có chín bí quyết “ca, múa, đàn, hát, cười, khóc, thường tìm cách thích hợp, tự dùng nhan sắc hình dung, huyễn thuật mê hoặc” để ràng buộc người nam. Lắm khi, chỉ cần thành tựu một trong chín pháp này thôi, người nữ đã có thẩm quyền ràng buộc người nam suốt cả cuộc đời. Lịch sử nhân loại đã ghi nhận, chỉ vì một nụ cười hay tiếng khóc của người đẹp mà khiến cho nghiêng nước nghiêng thành, không ít anh hùng trở nên thân bại danh liệt. Mới hay “anh hùng khó vượt ải mỹ nhân”.

Người xuất gia, vị Tỳ-kheo, luôn chánh niệm tỉnh giác trước “ca, múa, đàn, hát, cười, khóc, thường tìm cách thích hợp, tự dùng nhan sắc hình dung, huyễn thuật mê hoặc” của phái nữ. Mất chánh niệm là tự đánh mất mình. Thế Tôn đã dùng nhiều phương tiện để nói lên sự nguy hiểm của ái dục, chướng ngăn Thánh đạo. Không ít Tỳ-kheo đã thối thất, quay về đời sống thế tục, do bị chín pháp này ràng buộc.

Ấy vậy, với đời sống tại gia, sự ràng buộc này lại là điều hay. Để người bạn đời luôn thủy chung, dẫu có đi đâu người chồng cũng mong muốn sớm trở về mái ấm gia đình, người vợ cần phát huy chín pháp lợi thế của mình. Một người vợ thông minh thì hãy chăm sóc bản thân, hãy ca-múa-đàn-hát-khóc-cười đúng lúc, hãy tìm mọi cách thích hợp… để mình luôn là số một trong mắt người chồng. Có được một người vợ như thế thì bất cứ người chồng nào cũng tự nguyện “ràng buộc” suốt cả cuộc đời.

Pháp thoại này Thế Tôn dạy cho các Tỳ-kheo pháp tránh xa sự ràng buộc của ái dục nam nữ, để sống tự tại thong dong nhằm giữ gìn phạm hạnh, hướng đến giải thoát. Nhưng thật thú vị, người cư sĩ có thể vận dụng pháp này theo một hướng khác để thiết lập hạnh phúc hôn nhân. Phát huy chín pháp kể trên thì có thể “ràng buộc” được người chồng, kỳ diệu hơn nữa là người chồng tự nguyện “ràng buộc” với người vợ. Trong đời sống thế tục, đây cũng là một trong những bí quyết để thiết lập hạnh phúc hôn nhân.

Tác giả bài viết: Thích Quảng Tánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây