Thừa tự pháp

Thứ hai - 28/09/2015 19:42
Thế nào là thừa tự Pháp, không thừa tự tài vật? Thế nào là thừa tự tài vật, không thừa tự Pháp? Phật kể câu chuyện để minh họa: Có hai Tỷ-kheo từ xa đến thăm Phật sau khi Phật vừa dùng bữa xong.

Thừa tự Pháp của Phật để làm lợi ích cho chính mình, và mang lợi lạc cho cuộc đời là trách nhiệm cao quý thiêng liêng của hàng xuất gia đệ tử Phật, những người được tôn xưng là sứ giả Như Lai. Phật pháp có được hưng thịnh, có thật sự mang lại niềm tin yêu và lợi lạc cho cuộc đời hay không tùy thuộc vào việc xây dựng chùa to Phật lớn mà cơ bản nằm ở chỗ  chư Tăng có sống Phạm hạnh thanh tịnh đúng như lời Phật dạy hay không. Nhận rõ vấn đề này, Đức Phật đã có lời khuyên nhắc các Tỷ-kheo hãy là người thừa tự Pháp, chớ có thừa tự tài vật. Trong bài kinh Thừa tự Pháp(Dhammadàyàdasutta) thuộc tuyển tập Trung Bộ, Ngài ân cần nhắn nhủ:

“Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật, thời không những các Thầy trở thành những người mà người ta nói: “Cả thầy và trò là những người thừa tự Pháp, không phải là những người thừa tự tài vật”, mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự Pháp, không phải là những người thừa tự tài vật”. Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy là những người thừa tự tài vật của Ta, không phải là những người thừa tự Pháp, thì không những các Thầy trở thành những người mà người ta nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp”, mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp”. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật”.

Thế nào là thừa tự Pháp, không thừa tự tài vật? Thế nào là thừa tự tài vật, không thừa tự Pháp? Phật kể câu chuyện để minh họa: Có hai Tỷ-kheo từ xa đến thăm Phật sau khi Phật vừa dùng bữa xong. Cả hai đi đường xa bị đói khát nên rất mệt. Phật dùng bữa xong còn lại một ít thức ăn trong bình bát. Ngài bảo hai vị Tỷ-kheo ai thấy cần thì dùng, nếu không Ngài sẽ đổ thức ăn ấy vào chỗ không có cỏ xanh hay bỏ xuống chỗ nước không có côn trùng sinh sống. Dù rất đói, vị Tỷ-kheo thứ nhất nghĩ nhớ đến lời khuyên “thừa tự Pháp, không thừa tự tài vật” của Phật nên quyết tâm nhẫn chịu qua đêm với cái bụng cồn cào. Vị thứ hai nghe Phật  Như vậy, ý nghĩa thừa tự Pháp mà Đức Phật muốn khuyên nhắc các đệ tử mình là hết sức rõ ràng. Ai quyết tâm sống trọn lời Phật dạy, người ấy thừa tự Pháp, có khả năng kế thừa đại nghiệp của Phật, xứng đáng là bậc sứ giả của Như Lai. Phật khen vị Tỷ-kheo thứ nhất bởi vì vị này thừa tự Pháp, không thừa tự tài vật, tức quyết tâm tu tập, uốn nắn bản thân theo đúng lời Phật dạy, không ăn phi thời, không vì cảm giác đói khát khó chịu nhất thời mà bỏ qua lời Phật. Đây là công phu tu trì, tức quyết tâm nghiêm trì giới luật của Phật nhằm khắc phục các thói quen tham muốn dục lạc, chuyển hóa chúng thành nếp sống tri túc, nhờ đó con người dần dần được tự do, hoặc nói theo lời Phật là trở nên 

“ít dục, biết đủ, có khả năng kham nhẫn, dễ nuôi dưỡng, tinh cần, tinh tấn”2 hoặc“ít lăng xăng, lắng dịu, hoan hỷ với sự hiến cúng của người khác, sống với tâm tư như con thú rừng”3. Đây cũng chính là kết quả cụ thể của nếp sống thừa tự Pháp, không thừa tự tài vật, tức dấu hiệu tiến bộ của hành giả tu Phật trong vấn đề điều phục và chuyển hóa bản thân, khiến cho thân tâm trở nên thư thái nhẹ nhàng, không còn bị các ham muốn dục lạc hay dục vọng lôi kéo và chi phối, tạo điều kiện thuận lợi cho các bước hành tập sâu hơn về hướng đi giải thoát, tức sự đào luyện nội tâm hay thực hành thiền định.

Trong phần tiếp theo của bài kinh, Tôn giả Sàriputta làm rõ hơn ý nghĩa và tinh thần thừa tự Pháp của Phật. Tôn giả cho rằng có ba trường hợp người xuất gia được xem là kẻ thừa tự Phật pháp, xứng đáng được tán thán. Thứ nhất là sống hạnh viễn ly giống như bậc Đạo sư, tức thể hiện một nếp sống rời xa ái dục, chuyên tâm hành trì thiền định để chứng ngộ tâm giải thoát, tuệ giải thoát hay thực chứng Niết-bàn. Thứ hai là tuân thủ đầy đủ các học giới do bậc Đạo sư ban hành, tức những gì bậc Đạo sư dạy nên từ bỏ, không nên vi phạm thì cần phải quyết tâm từ bỏ, không có vi phạm. Thứ ba là thực thi đời sống Phạm hạnh một cách tinh chuyên, tức sống nếp sống tri túc giản dị của người xuất gia, không xem trọng vật chất, tinh cần tinh tấn tu tập, không lười biếng, không sa đọa vào thế giới dục lạc, có ý thức trách nhiệm đối với mục tiêu giải thoát của bản thân, thuật ngữ gọi là “không bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly” (na paviveke nikkhittadhurà). Và Tôn giả nhấn mạnh:

“Này chư Hiền, các Thượng tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng được tán thán. Vị Đạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. Đó là trường hợp thứ nhất, các Thượng tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và những pháp nào vị Đạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ. Đó là trường hợp thứ hai, các Thượng tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, không dẫn đầu về đọa lạc, không bỏ rơi gánh năng sống viễn ly. Đó là trường hợp thứ ba, các Thượng tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Này chư Hiền, các Thượng tọa Tỷ-kheo do ba trường hợp này, đáng được tán thán.

Này chư Hiền, các Trung tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng được tán thán. Vị Đạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. Đó là trường hợp thứ nhất, các Trung tọa Tỷkheo đáng được tán thán. Và những pháp nào vị Đạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ. Đó là trường hợp thứ hai, các Trung tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, không dẫn đầu về đọa lạc, không bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly. Đó là trường hợp thứ ba, các Trung tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Này chư Hiền, các Trung tọa Tỷ-kheo do ba trường hợp này, đáng được tán thán.

Này chư Hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng được tán thán. Vị Đạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. Đó là trường hợp thứ nhất, các vị mới thọ Tỷkheo đáng được tán thán. Và những pháp nào vị Đạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ. Đó là trường hợp thứ hai, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, không dẫn đầu về đọa lạc, không bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly. Đó là trường hợp thứ ba, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Này chư Hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo do ba trường hợp này, đáng được tán thán”4.

Nhìn chung, thừa tự Pháp là thừa tự sự nghiệp giác ngộ của Phật, được thể hiện qua nếp sống thực hành nghiêm túc con đường giới-định-tuệ, hướng đến mục tiêu giải thoát giác ngộ. Phật mong muốn các học trò mình thừa kế đúng đắn đường hướng giác ngộ của Phật để đạt được tiến bộ lợi lạc trong đời sống tu học và để tiếp nối sự nghiệp chia sẻ kinh nghiệm giác ngộ an lạc cho mọi người. Đây được xem là trách nhiệm lớn của người xuất gia trong ý nghĩa nỗ lực hành trì và thực chứng lời Phật dạy vì mục đích tự lợi và lợi tha. Cuộc đời có lắm khổ đau bởi mê lầm, luôn cần đến những con người giác ngộ để giúp cho chúng sinh bớt mê lầm khổ đau.

Những người học Phật biết rất rõ rằng Phật chỉ có một bộ y (ba y) và cái bình bát là vật sở hữu nhưng Phật làm lợi ích cho vô số chúng sinh. Sở dĩ như thế là vì Phật là bậc giác ngộ, có đầy đủ giới đức, tâm đức, tuệ đức, giải thoát và giải thoát tri kiến đức. Tài sản Phật để lại cho đời cũng không có gì ngoài những lời dạy về tăng trưởng giới đức, tâm đức, tuệ đức, giải thoát và giải thoát tri kiến đức. Nhưng đó là tài sản vô giá, có khả năng giúp cho con người tự tìm thấy hạnh phúc cho chính mình và đem lại hạnh phúc cho người khác. Bởi Pháp của Phật có ý nghĩa và giá trị to lớn như vậy đối với sự sống hạnh phúc của muôn loài chúng sinh, cho nên Phật khuyên nhắc người xuất gia phải thừa tự Pháp, không thừa tự tài vật; vì chỉ có Pháp, tức sự thành tựu giới đức, tâm đức, tuệ đức, giải thoát và giải thoát tri kiến đức mới thực sự khiến cho người xuất gia sống hạnh phúc an lạc và giúp cho người khác được hạnh phúc an lạc. Ngài nêu rõ kết quả lợi lạc, đáng nỗ lực theo đuổi của nếp sống xuất gia thừa tự Pháp5.

“Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình và đem lại hạnh phúc cho người. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tự mình đầy đủ giới hạnh và khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh;

Tự mình đầy đủ thiền định và khuyến khích người khác đầy đủ thiền định;

Tự mình đầy đủ trí tuệ và khuyến khích người khác đầy đủ trí tuệ;

Tự mình đầy đủ giải thoát và khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát;

Tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến và khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến.

Đầy đủ năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình và đem lại hạnh phúc cho người”.

Chú thích:

1. Kinh Thừa tự Pháp, Trung Bộ.

2. Kinh Thừa tự Pháp, Trung Bộ.

3. Kinh Ví dụ con chim cáy, Trung Bộ.

4. Kinh Thừa tự Pháp, Trung Bộ.

5. Kinh Hạnh phúc cho ai (4), Tăng Chi Bộ.

Tác giả bài viết: Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 138

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây