Khi con đến với cửa chùa, hiển nhiên con đang tập vun đắp cho mình tình yêu thương, bao dung và tha thứ, điều con cần, Đức Phật sẽ là người chỉ dạy cho con, lời vàng ấy, vẫn còn đó mà con.
Không, con không muốn lý tưởng của con đặt vào những vị thầy không tuân thủ quy củ, giới luật. Một người mô phạm cho con mà không thể là điểm sáng soi đường cho con thì con còn biết nương tựa vào đâu?
Thầy hiểu, con muốn ám chỉ điều gì, những tu sĩ hiện nay ư? Con hãy nhìn những đám mây lưng chừng bên triền núi, rồi nó sẽ tan biến vào hư vô. Con hãy nhìn những lá xanh còn nằm trên nhánh sa-la, rồi cũng úa màu, có gì vĩnh cửu đâu. Thầy muốn nhấn mạnh ở điểm sinh diệt, tồn vong trong thoáng chốc của vạn vật, của kiếp người, để con rõ rằng, không có gì là tốt đẹp mãi mãi. Màu xanh rồi sẽ úa, trẻ rồi sẽ già, cuộc đời này vốn vậy, mình muốn giữ mãi một nét đẹp trong lòng thì không thể, vì mọi thứ điều có thể biến đổi, vạn vật thịnh rồi suy, đó là một quy luật.
Cũng như thế, với những người con hằng tôn kính, chính sự tôn kính ấy khiến lòng con chao đảo, bởi vì sự tôn kính ấy đặt không đúng đối tượng đáng tôn kính, giống như những chiếc lá úa cần bỏ đi. Trong khi có biết bao vị tu hành đức hạnh, tài ba như những chiếc lá xanh tươi, luôn tô màu, làm đẹp cho cuộc sống. Như HT.Thích Thanh Từ, HT.Thích Nhất Hạnh, cho đến nhiều vị khác, đang đem tâm từ để hóa giải khổ đau cho chúng sanh. Sao con không nhìn vào mặt tích cực của những vị lừng danh ấy, mà mãi nhìn vào chỗ lỗi lầm của một số cá nhân.
Thầy đồng ý, sai lầm là kinh nghiệm cần hiệu chỉnh lại. Những người khôn ngoan là biết bỏ qua sai lầm, và đi tiếp. Cuộc sống có hai mặt tốt xấu, con hãy nhìn vào mặt tốt để mà sống, người thì có người thiện người ác, con hãy nhìn người thiện mà noi gương. Cuộc sống là sự chọn lọc, tích lũy những cái hay, cái đẹp, loại thải những cái xấu xa, thô thiển.
Chúng ta là người tu đúng không? Không nên nhìn lỗi người, hay phê phán người. Người không tu, họ thường nhìn lỗi, bắt bẻ, chỉ một cái lỗi nhỏ của một cá nhân nào đó, họ có thể đánh đổ một hệ thống tư tưởng lâu đời, phủ nhận hết toàn bộ giá trị đóng góp của hệ tư tưởng ấy. Họ là vậy, tất cả do lòng vị kỷ, cũng có thể gọi là cái tâm lượng hẹp hòi mà mỗi con người khi sinh ra đã phải “bám víu”. Chính vì họ muốn bảo vệ cái tôi của mình, cho đến bảo vệ cái đạo của mình thì tất nhiên phải đánh đổ những điều họ cho là không phù hợp, cản đường, đó cũng là điều bình thường thôi.
Thầy hiểu, những điều con suy nghĩ không phải là không có thực. Hiện nay trên mạng truyền thông, nhan nhản những hình dáng tu hành, chẳng biết ai giả, ai thật, con chớ lấy đó mà ưu buồn, hãy tu tập cho chính bản thân mình, đừng nhìn việc làm của ai cả.
Trong kinh Đại bát Niết-bàn có đoạn: “Sau khi Ta nhập diệt, các con hãy nương tựa vào Pháp và Luật”. Lời Đức Phật dạy ở đây không chỉ dành cho tu sĩ, mà cho tất cả những người muốn thánh hóa đời sống của mình.
Con là Phật tử, hiển nhiên con quy kính Tam bảo. Phật là Đức Bổn Sư, là vị đã giác ngộ, lìa khỏi khổ đau. Pháp là toàn bộ những gì Đức Phật dạy. Tăng là đoàn thể bốn vị Tỳ-kheo trở lên, tu hành thanh tịnh và hòa hợp. Như vậy, ngôi Tam bảo đâu chỉ ở bên ngoài, đang ở bên trong con đó, con cũng có thể giác ngộ thành Phật, con cũng có khả năng thấu hiểu giáo pháp, và con cũng có khả năng hành trì để hiển lộ bản tâm thanh tịnh.
Tự thân mỗi người đã sẵn ba ngôi báu, con hãy khai triển ba ngôi báu của mình để ngày một sáng suốt hơn. Con tu cho con, chính là tu cho mọi người, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển, xa lìa những điều mà thế gian cho là không phù hợp như phạm pháp, sát hại sinh mạng…
Với những giới cấm mà con thọ, hiển nhiên chẳng vì tầm ảnh hưởng của ai mà mất, con giữ thì con nhờ, con không giữ thì con chịu thiệt thòi, đó là hàng rào ngăn cản, giúp con không dính vào hệ lụy, khổ đau.
Về niềm tin, con hãy nương theo Pháp và Luật mà Đức Phật dạy, bất cứ ai, dù Tăng hay tục dạy con, hãy khoan tin vội, hãy xem điều đó có phù hợp với giáo pháp không, có đem lại lợi lạc cho đời sống của con không.
Phật giáo chú trọng ở việc hành trì, thực tiễn. Con có hành trì hay không mà thôi, chứ không phải tu để đi dòm ngó lỗi người, hoặc tu để được mọi người khen. Phật giáo lấy trí tuệ dẫn đường, trước khi tin ai hay một điều gì, hãy suy xét xem có phù hợp không? Đừng tin một điều gì qua tin đồn, hay người khác nói lại, hãy luôn suy nghiệm, phân tích bằng tư duy của mình, con nhé.
Tác giả bài viết: Thích Chúc Ngộ
Nguồn tin: giacngovn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự