“Tướng mạo” của người trí

Thứ hai - 05/10/2015 08:07
Ở đời có nhiều tiêu chuẩn để đánh giá một người là thông minh hay vô trí.
“Tướng mạo” của người trí

Thế Tôn cũng xây dựng tiêu chuẩn cho vấn đề này bằng cách căn cứ vào hai “tướng mạo”. Có điều lạ là Ngài không căn cứ vào học vị cao hay thấp, chuyên môn sâu hay cạn, nói năng hoạt bát hay chậm chạp, làm việc và ứng xử lanh lợi hay vụng về,… để đánh giá người ấy tài trí hay không. Ngài chỉ nói thật đơn giản về người trí là “đối với việc không đáng làm thì không làm, việc làm gần xong không chán bỏ”. Ngược lại, người vô trí thì “đối với việc không đáng làm mà làm, việc làm sắp xong thì chán bỏ”.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Người ngu si có hai thứ tướng mạo. Thế nào là hai? Ở đây, người ngu đối với việc không đáng làm mà làm, việc làm sắp xong thì chán bỏ. Đó là, này các Tỳ-kheo, người ngu có hai tướng mạo này.

Lại nữa, Tỳ-kheo, người trí có hai tướng mạo. Thế nào là hai? Ở đây, người trí đối với việc không đáng làm thì không làm, việc làm gần xong không chán bỏ.

Thế nên, này các Tỳ-kheo, hai tướng mạo của người ngu phải nên xa lìa. Nên nhớ tu hành hai tướng mạo của người trí. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Hữu vô,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.195)

Thế Tôn xác định, người trí là người “đối với việc không đáng làm thì không làm”. “Việc không đáng làm” là việc ác, gây tổn hại cho mình và người, tạo ra khổ đau trong hiện tại và tương lai. Mười điều ác (giết hại, trộm cướp, tà hạnh, nói dối, nói ác, nói chia rẽ, nói nịnh, tham lam, sân hận, si mê) chính là những việc không đáng làm. Như vậy, những ai lập hạnh “không làm các việc ác, chỉ siêng làm việc lành” thì chính là người trí.

Nhận diện rõ “việc không đáng làm” vốn là điều không phải dễ. Nhưng khi nhận diện ra vấn đề rồi, phát huy lý trí và nghị lực để quyết định không làm lại càng khó khăn hơn. Ngay đây, người trí là người vượt qua được chính mình. Trước sự cám dỗ, thôi thúc bởi tham dục; trước sự bùng phát của bão lửa nóng giận; trước sự yếu đuối, mê mờ của tâm trí, ai tự làm chủ và vượt qua được những giới hạn của chính mình mới là người có trí.

Mặt khác, “việc làm gần xong không chán bỏ” là một biểu hiện khác của người có trí. Thế Tôn cũng từng lấy ảnh dụ “cọ cây lấy lửa” để minh họa cho việc tu hành. Khi lửa chưa bùng cháy thì không dừng việc cọ cây. Nếu dừng lại lúc cây sắp bén lửa thì không bao giờ có được lửa. Mới hay, trong Bát chánh đạo, chánh tinh tấn thoạt nhìn rất bình thường nhưng có công năng cực kỳ quan trọng trong việc thăng tiến và chứng đạt đạo quả.

Do vậy, không làm điều ác; không chán nản, không bỏ cuộc, kiên trì và nhẫn nại quyết làm xong việc lành mới thôi; chính là hai “tướng mạo” của người trí.

Tác giả bài viết: Thích Quảng Tánh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây