Vai trò của thầy, bạn trong tu học

Thứ bảy - 27/12/2014 19:49
Tuy sự tu tập, giác ngộ và giải thoát là vấn đề không ai làm thay thế cho ai được, nhưng trong quá trình tu học vai trò của người thầy và bạn đồng tu có tác động và ảnh hưởng vô cùng quan trọng.
Vai trò của thầy, bạn trong tu học

Tổ Quy Sơn có dạy: “Đi xa phải nhờ bạn tốt, luôn gạn lọc những điều mắt thấy tai nghe; đi đến đâu, ở chỗ nào đều cần chọn bạn. Có câu: Sanh ra ta ấy là cha mẹ, giúp ta nên người, thành tài ấy là bạn hiền”. Tục ngữ cũng có câu: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Bạn trong đạo gọi là pháp lữ, là bạn đồng tu, là thiện hữu tri thức, những người cùng chung tu học dưới một mái chùa, một đạo tràng, có thể cùng một thầy hoặc khác thầy nhưng cùng chung chí hướng, lý tưởng giác ngộ, giải thoát, phụng sự Phật pháp và chúng sinh. Tình bạn trong đạo gọi là đạo tình, tình anh em chung một người cha là đấng Từ phụ.

Trong nhiều kinh điển Đức Phật dạy các đệ tử nên quan tâm lẫn nhau trong đời sống và trong tu học. Nên chia sẻ tứ sự (y phục, thực phẩm, giường nằm, thuốc men), hỗ trợ nhau để mọi người đều có được điều kiện sinh hoạt, tu học. Đức Phật cũng dạy phải tận tâm chăm sóc những bạn đồng tu già yếu hay bị bệnh tật, những vị xuất gia còn nhỏ tuổi. Về việc học và tu, Đức Phật dạy các vị đệ tử lớn quan tâm dẫn dắt các vị mới xuất gia, Ngài dạy các đệ tử thường trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm tu học.

Trong Đại phẩm của Luật tạng, Đức Phật dạy như sau: “Này các Tỳ-kheo, chư vị không có cha mẹ chăm sóc. Vậy nếu chư vị không chăm sóc nhau, thì Ta thử hỏi, ai sẽ làm việc ấy? Này các Tỳ-kheo, bất cứ ai trong chư vị muốn chăm sóc Ta thì vị ấy hãy chăm sóc người bạn đồng phạm hạnh bị bệnh”. Việc chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống xuất gia không nhà, không quyến thuộc, không người thân, xung quanh chỉ có bạn đồng tu là rất cần thiết. Nếu mọi người không tương trợ, không giúp đỡ lẫn nhau thì đời sống tu hành sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi không ai mà không ốm đau, không ai luôn an lành mà không gặp rủi ro bất trắc, không ai mà không gặp bất kỳ trở ngại nào trong quá trình tu học và trong sinh hoạt hàng ngày.

Với tâm từ bi, Đức Phật sánh việc chăm sóc cho những người bạn đồng tu cũng đồng với việc chăm sóc Ngài. Trong kinh Tương Ưng Bộ III, Đức Phật dạy: “Quả thật tất cả đời sống đồng phạm hạnh của Tăng chúng cốt yếu ở tình thân hữu giữa những người thích điều thiện, ở tình đồng bạn, đồng chí hướng. Một Tỳ-kheo làm bạn với điều thiện, là người bạn giao du, người đồng chí hướng, có triển vọng tu tập và làm sung mãn Bát Chánh đạo để giúp bạn đồng phạm hạnh giải thoát cũng như bản thân vị ấy”.

Trong quá trình nghiêm trì giới luật, học pháp và hành pháp, tu tập thiền định và trí tuệ, người hành giả rất cần trợ duyên của bạn đồng tu, cần có thiện hữu tri thức để sách tấn, giúp đỡ lẫn nhau. Nếu gặp phải những trở ngại, vướng mắc trong quá trình hành trì, nếu chưa thông suốt, quán triệt giáo pháp, không tìm được cách hóa giải những vấn đề gặp phải, nếu dụng công sai mà không có thầy, không có bạn, không có thiện hữu tri thức khai thị, giúp tháo gỡ những vướng mắc thì hành giả khó vượt qua những khó khăn, khó đi liên tục và trọn vẹn con đường tu học.

Ngày xưa, trong quá trình tu học của các đệ tử, Đức Phật luôn quan tâm sâu sát để hướng dẫn, giúp đỡ. Sự hỗ trợ kịp thời có thể giúp hành giả vượt qua được khó khăn, chướng ngại, hoặc có thể thúc đẩy sự thành tựu trong tu tập, sớm đạt quả vị giác ngộ giải thoát. Như trường hợp Vô Não (Angulimàla), kẻ đã giết hại nhiều người để lấy  ngón tay làm lễ vật bái sư do bị người thầy đánh lừa và mưu hại. Sau khi gặp Phật, được giáo hóa, Vô Não xuất gia tu hành. Nhưng do đã tạo quá nhiều ác nghiệp, trong quá trình tu tập tâm ông thường bất an, ông luôn bị những hình ảnh quá khứ ám ảnh. Tâm không thể tập trung, định tĩnh, sáng suốt mà ngược lại còn dao động mạnh, hoang mang, hoảng loạn, sợ hãi, vì vậy mà ông không thể vào thiền định được. Trên đường đi khất thực mỗi ngày, Vô Não cũng bị người ném đá, dùng gậy gộc đánh đập gây tổn thương. Đức Phật quán sát biết được điều này, Ngài luôn an ủi Vô Não và nói rõ nhân duyên vì sao ông lại gặp tình trạng đó. Đức Phật cho biết đó là hậu quả của những nghiệp bất thiện mà ông đã gây ra, nhưng nhờ tu tập mà chúng được chuyển hóa khiến ông thọ lãnh ngay trong đời này thay vì phải bị đọa vào địa ngục. Nhờ sự an ủi, động viên, khích lệ và tận tình hướng dẫn của Đức Phật mà không bao lâu sau Vô Não đắc quả A-la-hán.

Một trường hợp tương tự được ghi trong Kinh tạng là Đức Phật giúp Tỳ-kheo Nan-đà vượt qua tham ái mà thành tựu đạo quả. Tỳ-kheo Nan-đà vốn là em cùng cha khác mẹ với Ngài, sau khi xuất gia vẫn thường nhớ về người vợ xinh đẹp của ông ở chốn hoàng cung. Ông không tìm được niềm an lạc hạnh phúc trong đời sống xuất gia, tinh thần ông ngày càng sa sút. Ông thổ lộ với các bạn đồng tu: “Này các đạo hữu, tôi rất lấy làm bất mãn. Tuy đã thọ lễ xuất gia và sống đời đạo hạnh cao thượng, nhưng tôi cảm thấy không thể chịu đựng nổi nữa. Tôi có ý định từ bỏ những giới luật thanh cao này để trở về cuộc đời thấp kém hơn, làm người cư sĩ ”.

Khi biết được Tỳ-kheo Nan-đà rơi vào tình trạng như thế, Đức Phật đã dùng phương tiện vận dụng thần thông đưa ông đến cõi trời Đâu-suất để thấy cảnh hạnh phúc thù thắng của cõi trời. Lại chỉ cho ông xem một con khỉ đang khốn đốn trong đám cháy. Sau đó đưa ông đến hỏa ngục để thấy cảnh các chúng sinh thọ khổ do tạo nghiệp bất thiện. Tận mắt trông thấy cảnh khổ của chúng sinh trong ba ác đạo là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; tận mắt trông thấy cảnh vui thù thắng của cõi trời; so sánh thấy sự khác biệt, chênh lệch trời vực giữa chúng sinh cõi trời, cõi người và loài súc sinh, Tỳ-kheo Nan-đà giật mình, ông cảm thấy kinh sợ các cảnh súc sinh, địa ngục và mơ ước được sinh lên cõi trời. Đức Phật cho biết nếu ông tinh tấn thực hành giáo pháp, thành tựu các hạnh lành thì chắc chắn sẽ được sinh về các cảnh giới thắng diệu như các cõi trời, thậm chí đạt được cảnh giới cao hơn nữa của các bậc Thánh giải thoát; nếu ông giải đãi biếng nhác, không siêng năng thực hành các thiện pháp, tham đắm ngũ dục, lục trần thì chắc chắn sẽ rơi vào khổ cảnh như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Sau khi quán chiếu thông suốt, Tỳ-kheo Nan-đà nhiếp tâm chánh niệm, nỗ lực hành trì giáo pháp, tinh tấn thiền định, chẳng bao lâu chứng đắc Thánh quả A-la-hán.

Một trường hợp khác nữa là Tỳ-kheo A-na-luật, vì mê ngủ gây trở ngại cho việc tu học, ông phát nguyện không ngủ để tinh tấn tu hành. Do luôn mở mắt và không ngủ nhiều ngày, ông đã bị mù lòa. Một lần Đức Phật đến thăm, thấy ông ngồi vá chiếc y cũ rách mà không thấy đường xâu chỉ, Ngài đã xâu chỉ và vá chiếc y giúp ông. Để giúp ông thấy được mọi vật mà không cần mắt thịt, Đức Phật dạy ông tu thiền định thành tựu thiên nhãn, nhờ đó ông trở thành bậc Thiên nhãn đệ nhất, một trong mười Đại đệ tử của Đức Phật.

Đức Phật rất quan tâm đến đời sống và sự tu tập của các đệ tử. Ngài thường đến chỗ tu hành của các thầy Tỳ-kheo để hỏi thăm sức khỏe và tình hình tu học. Lời hỏi thăm thường gặp của Ngài là: “Này các Tỳ-kheo, các ông có được an lành không? Sống được yên vui không? Đi khất thực có đầy đủ không?... ”. 

Đời sống tu học ngày nay người xuất gia cũng gặp rất nhiều khó khăn, chướng ngại. Có nhiều vị không tìm thấy niềm an lạc, hạnh phúc trong quá trình tu học do không gặp thầy lành bạn tốt dìu dắt, không được sống trong môi trường tu học đúng với Chánh pháp, hoặc do dụng công sai, hay gặp những chướng duyên như tai nạn, bệnh tật. Nếu không có sự quan tâm chia sẻ, động viên, sách tấn của các bậc thầy như bổn sư, giáo thọ sư và các bạn đồng tu, không có sự chỉ dẫn tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết những tình huống khó khăn đang gặp phải, thì những vị đó cảm thấy mệt mỏi, chán nản, thối thất đạo tâm, dễ quay trở lại đời sống thế tục một khi không còn nghị lực tiếp tục đời sống tu hành hoặc bị các lạc thú thế gian lôi cuốn. Nếu còn sống trong môi trường đạo pháp thì vị ấy cũng không đạt được thành tựu gì trong tu học, thậm chí làm mất hình tượng đẹp của người xuất gia bằng những hành vi phi Chánh pháp.

Vì thế, một môi trường tu học tốt đúng với đường hướng Chánh pháp, có các bậc đạo sư, các bậc đồng phạm hạnh sống và tu học theo tinh thần hòa hợp như nước với sữa, có tình pháp lữ, chan chứa đạo tình chính là nơi trưởng dưỡng đạo tâm, phát triển đạo nghiệp cho mỗi người con Phật.

Tác giả bài viết: Diệu Thể

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây