Hội thảo nằm trong chương trình “Lễ hội Phật giáo mùa hoa ban 2015” do Ban Hoằng pháp T.Ư kết hợp với Ban Văn hóa T.Ư và BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên tổ chức.
Hội thảo diễn ra sáng nay, 28-3-2015 Chứng minh và tham dự hội thảo có HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT.Thích Thiện Pháp, HT.Thích Thanh Nhiễu - đồng Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; HT.Thích Bảo Nghiêm, HT.Thích Quảng Tùng - đồng Phó Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Trung Hậu, UVTT HĐTS, Trưởng ban Văn hóa T.Ư; TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên cùng chư tôn đức trong HĐTS GHPGVN, chư tôn đức Ban Hoằng pháp T.Ư, Ban Văn hóa T.Ư và BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên.
Về phía chính quyền có ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQVN; ông Nguyễn Lam, Phó ban Dân vận T.Ư; ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, cùng sự tham dự của đại diện các cơ quan ban ngành của T.Ư và địa phương, các học giả, giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, HT.Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh, hội thảo "Sinh hoạt tôn giáo trong đồng bào các dân tộc vùng cao, miền núi Tây Bắc" nhằm hiểu rõ hơn nữa về thực trạng sinh hoạt của các tôn giáo trong đời sống của đồng bào các dân tộc, từ đó tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, hướng cho Tăng Ni, Phật tử thực hành đạo Phật ở vùng cao, miền núi, vùng biên giới có nhận thức đúng và thực hiện tốt Hiến chương của GHPGVN, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo để tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.
TT.Thích Đức Thiện điều hành hội thảo
Ông Phạm Dũng phát biểu Tiếp theo, ông Phạm Dũng có bài phát biểu, nhấn mạnh hội thảo ngày hôm nay sẽ cùng trao đổi về những vấn đề hết sức thiết thực, gắn với đời sống sinh hoạt tôn giáo của Tăng Ni và Phật tử.
Ông Dũng mong muốn, hội thảo trao đổi, thảo luận và làm sáng tỏ thêm về những vấn đề cụ thể trong hoạt động của GHPGVN tại tỉnh Điện Biên như công tác hoằng pháp tại vùng sâu, vùng xa, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác đào tạo Tăng tài, bồi dưỡng trụ trì; cách thức tổ chức các sinh hoạt, các nghi lễ tôn giáo; việc hòa hợp giữa Phật giáo với những tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống bản địa…
Đặc biệt, thông qua buổi tọa đàm, ông Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị lưu ý việc vận động, tuyên truyền để đồng bào, tín đồ các tôn giáo bạn, nói chung, trên địa bàn tỉnh Điện Biên cùng có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó, để chức sắc, tín đồ các tôn giáo cùng chung tay, đoàn kết, tích cực tham gia các hoạt động ích đạo, lợi đời, đóng góp nhiều hơn nữa cho các phong trào thi đua và xây dựng Tổ quốc, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Tại lễ khai mạc, đại biểu được lắng nghe các bài phát biểu của ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQVN và ông Mù A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
HT.Thích Thiện Nhơn phát biểu tại hội thảo
Đại biểu tham dự HT.Thích Thiện Nhơn đã nhắc lại về sự hình thành và phát triển của GHPGVN, cho biết, qua 34 năm đồng hành cùng dân tộc, Giáo hội đã có một cơ cấu tổ chức trọn vẹn với 63 tổ chức Giáo hội. Qua đó, Hòa thượng đã nhấn mạnh tới công tác hoằng pháp bởi trong 63 tổ chức Giáo hội các tỉnh thành có những nơi vẫn còn nhiều khó khăn, Phật tử chưa biết nhiều đến Phật pháp. Trong đó nổi bật lên 4 định hình: vùng Khmer, Tây Bắc, Tây Nguyên, Đông Bắc.
Hòa thượng cũng nhấn mạnh, hoằng pháp ngày nay phải biết kết hợp với công tác từ thiện - “Trước cho ăn no đủ, sau cho pháp hỷ sung mãn”. Ban Hoằng pháp cần có sự kết hợp với Ban Từ thiện xã hội T.Ư để đi đến những vùng sâu vùng xa, nơi có đồng bào dân tộc sinh sống, để chia sẻ với họ cơm ăn áo mặc, rồi sau đó mới trao cho họ những lời pháp, những bài kinh, câu kệ.
Không chỉ có vậy, Ban Hoằng pháp T.Ư cũng phải kết hợp với Ban Văn hóa T.Ư để tổ chức các lễ hội, mà lễ hội này nhất định phải của các đồng bào dân tộc là chính, cộng với lễ hội của người Kinh để qua đó thu hút được số đồng bào dân tộc này đến với đạo Phật qua hình thức văn nghệ. Hòa thượng Chủ tịch cũng đã nhắc lại lời Đức Phật dạy về ngôn ngữ, qua đó mong rằng mỗi chư tôn đức khi đi hoằng pháp độ sinh cần phải biết tùy theo ngôn ngữ của từng dân tộc mà thuyết pháp.
HT.Thích Thiện Nhơn tán thán vùng Đắk Lắk có thầy Giác Sĩ đã biên soạn những bài kinh, những giáo lý của Đức Phật và lịch sử cuộc đời Đức Phật bằng tiếng Ê-đê đầu tiên trong Phật giáo. Sau đó bắt đầu đến tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Đặc biệt, tại Lâm Đồng, Trường Trung cấp Phật học tỉnh đã có chương trình sách giáo khoa giảng dạy tiếng dân tộc trong trường Phật học.
Hòa thượng ghi nhận và tán dương sự phát triển của Phật giáo Điện Biên trong hai năm một tháng qua, đã có sự phát triển vượt bật. Hòa thượng mong rằng, BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên cùng nhân dân và đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên sẽ đưa Phật giáo tỉnh nhà ngày càng phát triển hơn nữa, góp phần xây dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc.
Hội thảo sau đó đã được nghe 10 bài tham luận của chư tôn đức T.Ư GHPGVN, lãnh đạo các ban ngành T.Ư và các học giả giáo sư, tiến sĩ trình bày.
HT.Thích Quảng Tùng trình bày tham luận
TS.Nguyễn Quốc Tuấn phát biểu Các bài tham luận tập trung về chủ đề hội thảo, bàn đến phương thức truyền bá quy củ đối với Phật giáo, đặc biệt đối với vùng núi Tây Bắc. Xây dựng Phật giáo Tây Bắc trên khuôn khổ của chủ thể và khách thể nhằm đáp ứng được một đội ngũ tu sĩ Phật giáo đủ năng lực đạo hạnh, đầy đủ kiến thức hiểu biết, về văn hóa, về phương thức hoằng pháp…
Chư tôn đức trong thời gian tới sẽ tập trung vào công tác phát triển đạo tràng để đưa vào các vùng sâu vùng xa. Về phía Giáo hội, sẽ cố gắng hỗ trợ giúp đỡ các BTS mới thành lập có nhiều hoạt động Phật sự; đồng thời cung cấp nhân lực tốt cho các tỉnh mới thành lập để hoạt động có hiệu quả.
Về phía nhà nước, các hoạt động, chính sách, luật pháp rất được coi trọng, luôn thích hợp với chính sách của Đảng và nhà nước nhằm xây dựng đời sống tôn giáo tại Tây Bắc được được phát triển bền vững về mọi mặt, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của đồng bào các dân tộc.
Nhiều nội dung quan trọng được thảo luận tại hội thảo này Buổi hội thảo diễn ra trang nghiêm long trọng, các đại biểu đã đóng góp ý kiến thông qua các báo cáo tham luận. Kết quả của buổi tọa đàm sẽ là tiếng nói quan trọng để BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên, phong trào Phật giáo Điện Biên có bước phát triển mới phù hợp với xu thế của thời đại.