Phái đoàn GHPGVN do HT.Thích Thiện Nhơn, Q.Chủ tịch HĐTS GHPGVN dẫn đầu cùng với TT.Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; ĐĐ.Thích Quang Thạnh, UV HĐTS; Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư; ĐĐ.Thích Giải Hiền đã tham dự Đại hội.
Tại lễ khai mạc, ông Mã Bưu, Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung ương Trung Quốc tuyên đọc thư chào mừng của ông Du Chính Thanh, Chủ tịch Chính hiệp Trung ương Trung Quốc.
Tiếp theo là 4 bài phát biểu chào mừng của Tổng thống Sri Lanka; ông Lâu Cần Kiệm, tỉnh trưởng Thiểm Tây; Trưởng lão HT.Thích Truyền Ấn, Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc) và ông Phallop Thaiarry, Tổng Thư ký Hội Liên hữu Phật giáo thế giới (The World Fellowship of Buddhists, gọi tắt là WFB).
Sau khi ông Đỗ Thanh Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Chính hiệp trung ương Trung Quốc thay mặt Ban Tổ chức phát biểu và tuyên bố khai mạc, 8 nhà lãnh đạo Phật giáo các nước lần lượt phát biểu trong phiên khai mạc gồm ngài Ban Thuyền Lạt Ma; Trưởng lão HT.Thích Viên Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc Đài Loan; Trưởng lão Xuân Quang, Tông trưởng Tông Thiên Thai Hàn Quốc; Hòa thượng Hội trưởng Hội Phật giáo Ái Hữu Nhật Bản; HT.Thích Thiện Nhơn, Quyền Chủ tịch HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Kumara Bhivama, Chủ tịch Hội Phật giáo Myanmar); Hòa thượng Tép Vong, Giáo hội Phật giáo Vương quốc Campuchia; Hòa thượng Dhamma Pundit, Chủ tịch sáng lập Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan.
Hầu hết các bài phát biểu nhấn mạnh về cuộc đời, sự nghiệp hành đạo và lời dạy trong sáng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; nêu cao tầm quan trọng và ý nghĩa của Đại hội; kêu gọi tinh thần đoàn kết, hòa hợp, giao lưu và trao đổi văn hóa giữa các nước Phật giáo và đặc biệt phát huy tinh thần nhập thế của Phật giáo qua công tác từ thiện lợi ích cộng đồng.
Nghi thức cung nghinh chư tôn thiền đức các phái đoàn Phật giáo dự Đại hội
Lễ bế mạc diễn ra lúc 8g sáng 18-10, có sự tham dự của HT.Thích Truyền Ấn, Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc; ông Vương Tác An, Cục trưởng Cục Tôn giáo Quốc vụ Viện Cơ Trung Quốc; ông Mã Trung Bình, Phó Chủ tịch Chánh Hiệp thương Trung Quốc; ông Phallop Thaiarry, Tổng Thư ký WFB; ông Chủ tịch Chánh hiệp tỉnh Thiểm Tây; ông Thị trưởng TP.Bảo Kê cùng 500 đại biểu tham dự tại khách sạn Vạn Phúc Thất Tinh (Thiểm Tây, Trung Quốc).
Tại lễ bế mạc, có 13 bài phát biểu đại diện các cơ quan chính quyền và các tổ chức Phật giáo các nước như Ban Tôn giáo Chính phủ, chính quyền tỉnh Thiểm Tây, chính quyền TP.Bảo Kê, HT.Thích Học Thành - trụ trì chùa Pháp Môn và đại diện Phật giáo các nước Nepal, Bangladesh, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ và Đức.
Các phát biểu bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với Ban Tổ chức và chính quyền tỉnh Thiểm Tây và TP.Bảo Kê; tôn vinh lời dạy trong sáng của Đức Phật và ứng dụng giáo lý vào cuộc đời mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội; đi tới nhận định trong xã hội ngày nay, con người luôn bị chi phối bởi tham sân si (chiến tranh, xung đột, nghèo đói…), vì vậy, kế thừa lời Phật dạy, kêu gọi mọi thành viên trong WFB cùng nhau hòa hợp đoàn kết, xiển dương Chánh pháp, làm lợi ích cho con người và xã hội, đặc biệt thực hiện công tác chăm sóc y tế, đẩy mạnh giáo dục, tham gia từ thiện phúc lợi cho cộng đồng.
HT.Thích Thiện Nhơn và HT.Tep Vong (Campuchia) tại phiên bế mạc Đại hội
ĐĐ.Thích Quang Thạnh tại lễ bế mạc
Đọc tuyên bố chung
Kế tiếp, là ông Phallop Thaiarry, Tổng Thư Ký WFB thay mặt cho Ban Thư ký báo cáo trước Đại hội về các sự kiện diễn ra trong 3 ngày. HT.Tiến sĩ Dhammaratana, Phó Chủ tịch WFB thay mặt cho Ban Tổ chức Đại hội tuyên bố chung Bao Kê (Baoji) với 10 nội dung (xem trong phần box bên dưới).
Sau lời Tuyên bố chung Bảo Kê, Ban Tổ chức đã trao tặng Bằng Công đức cho Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội Phật giáo tại Trung Quốc, chính quyền tỉnh Thiểm Tây và TP.Bảo Kê để tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các cơ quan đã hỗ trợ và giúp đỡ nhiệt tình cho Đại hội thành công tốt đẹp.
Cuối cùng là lời cảm tạ của Ban Tổ chức và Đại hội Liên hữu Phật giáo Thế giới lần thứ 27 đã khép lại lúc 10g30 phút sáng trong tinh thần đoàn kết và hòa hợp của hội chúng.
Trong những ngày diễn ra Đại hội, nhiều phiên họp, hội thảo đã được tổ chức nghiêm túc
Đại biểu tham dự hội thảo
Hai trong số nhiều tiết mục văn nghệ chào mừng diễn ra trong khuôn khổ Đại hội
Được biết, tổ chức Liên hữu Phật giáo Thế giới (The World Fellowship of Buddhists, gọi tắt là WFB) là một tổ chức Phật giáo Quốc tế được thành lập vào ngày 25-5-1950 tại thủ đô Colombo, Sri Lanka với sự tham dự của 129 đại biểu đến từ 27 quốc gia bao gồm Châu Á, Châu Âu và Mỹ. Trụ sở Văn phòng được đặt tại thủ đô Bangkok, Thái Lan kể từ năm 1969.
Hiện nay, tổ chức WFB có 181 trung tâm chi nhánh của Hội tại 50 quốc gia và các vùng lãnh thổ. Mục đích của Hội là thắt chặt tinh thần đoàn kết, thống nhất và tình pháp hữu giữa các nước Phật giáo với nhau; xiển dương lời dạy tối thượng của Đức Phật và hoạt động mang lại hạnh phúc, hòa hợp và hòa bình trên hành tinh này.
TUYÊN BỐ BẢO KÊ (BAO JI)
Bảo Kê, Thiểm Tây, Trung Quốc, ngày 16 tới 18-10-2014
Chúng tôi, 600 đại biểu đến từ bốn mươi quốc gia và vùng lãnh thổ, từ ngày 16 đến 18-10-2014 (Phật lịch 2557) đã tề tựu về tham dự Đại hội lần thứ 27 Hội Liên hữu Phật giáo thế giới được tổ chức tại thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với chủ đề “Phật giáo và từ thiện công ích”.
Chúng tôi chân thành cảm ơn và tán thán Ban Tổ chức của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, của chính quyền TP.Bảo Kê và chính quyền Thiểm Tây, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đăng cai tổ chức Đại hội lần này cho toàn thế giới thấy được viễn cảnh phát triển của Phật giáo.
Chúng tôi, những người lãnh đạo Hội Liên hữu Phật giáo thế giới rất vui mừng và phấn khởi khi tận mắt chứng kiến sự phát triển lớn mạnh của Phật giáo Trung Quốc, đồng thời cảm thấy vô cùng hoan hỷ khi Đại hội lần đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc thành công tốt đẹp. Chúng tôi cũng đã tăng cường xây dựng mối quan hệ phát triển lâu dài của một trong những thành viên sáng lập là Phật giáo Trung Quốc với Hội Liên Hữu Phật giáo thế giới. Đặc biệt, trong lần Đại hội này, chương trình khai mạc được tổ chức tại chùa Pháp Môn nổi tiếng của tỉnh Thiểm Tây đã đem đến cho chúng tôi sự cổ vũ lớn lao về tinh thần và văn hóa.
Đại hội đã thành công viên mãn, chúng tôi thống nhất đưa ra các tuyên bố như sau đây:
1. Kêu gọi các nước tiếp tục tăng cường thực hiện và phát triển phúc lợi xã hội và công tác nhân đạo nhằm giảm thiểu nghèo khó và bất bình đẳng trong xã hội.
2. Thông qua thực tiễn giáo huấn của Đức Phật để truy cầu và kiến lập một xã hội ngày càng hòa hợp hơn.
3. Thông qua đối thoại để giảm thiểu sự ngộ nhận và thiếu hụt niềm tin giữa các quốc gia nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa và tôn giáo.
4. Khuyến khích và kêu gọi Phật giáo đồ giảm thiểu lòng tham dục, đồng thời thực hành tiêu dùng thân thiện với môi trường, nhằm cống hiến cho mục tiêu bảo vệ môi trường.
5. Kêu gọi khuyến khích sự tôn trọng và duy trì những giá trị căn bản của con người nhằm bảo vệ sự bình đẳng trên thế giới.
6. Khuyến khích mọi người thúc đẩy việc tu trì và phát triển tôn giáo tâm linh trong các hoàn cảnh xã hội và môi trường văn hóa khác nhau.
7. Bảo vệ các di sản văn hóa tôn giáo trên thế giới đang bị xâm hại với hình thức hữu hình hoặc vô hình.
8. Phát triển và mở rộng giáo dục luân lý đạo đức trong tầng lớp thanh thiếu niên Phật tử nhằm bồi dưỡng họ trở thành những công dân có trách nhiệm và có cống hiến.
9. Kêu gọi các tổ chức xã hội cùng các quốc gia tiếp tục nỗ lực duy trì việc giáo dục và tạo công ăn việc làm cho phụ nữ ở các nước nghèo khó, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của họ.
10. Cung cấp nền giáo dục và kỹ năng phát triển cho các cộng đồng nghèo khó nhằm giúp họ nâng cao và cải thiện điều kiện kinh tế xã hội.
Chúng tôi phát nguyện cùng toàn thể nhân loại cùng nhau nỗ lực, lấy lòng từ bi để thành tựu hạnh phúc cho nhân loại, lấy sự tôn trọng lẫn nhau để thành tựu sự hòa hợp cho xã hội, lấy sự hòa giải để thành tựu cho hòa bình thế giới, đồng thời lấy hữu nghị để phát triển các mối thiện duyên.
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự