Tham dự buổi tọa đàm có HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch TT HĐTS; TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS,; HT.Thích Trung Hậu, Trưởng ban Văn hóa T.Ư; HT.Thích Thanh Nhã, Phó Trưởng ban TT Ban Nghi lễ T.Ư cùng Chư tôn đức HĐTS, Ban Văn hóa T.Ư và Ban Nghi lễ T.Ư; Chư tôn đức đại diện các hệ phái: Bắc tông, Nam tông Kinh, Nam tông Khmer và hệ phái Khất sĩ; khách mời có ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo BTGCP; ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo; đại diện Bộ Nội vụ.
TT.Thích Thọ Lạc phát biểu TT.Thích Thọ Lạc, Phó Trưởng ban TT Ban Văn hóa trung ương phát biểu đề dẫn báo cáo khái quát quá trình triển khai thực hiện nghiên cứu, khảo sát, xây dựng bài khóa tụng chung cho các hệ phái Phật giáo Việt Nam trong các diễn đàn/nghi lễ quốc gia, quốc tế. Đây là kết quả bước đầu trong nội dung ngôn ngữ thuộc Đề án “Định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam”, được triển khai từ năm 2014.
Trải qua 3 năm nghiên cứu, khảo sát, tọa đàm, lấy ý kiến nhiều lần từ Chư tăng, ni các hệ phái Phật giáo, các chuyên gia, nhà khoa học… Ban Văn hóa T.Ư và Ban Nghi lễ T.Ư đã cố gắng, nỗ lực nghiên cứu và đã đề xuất được 3 bài kinh tụng chung để đưa ra trong tọa đàm hôm nay và lấy ý kiến góp ý, thống nhất của các đại biểu gồm 2 bài kinh Chuyển Pháp Luân và Bát Nhã là đảm bảo hài hòa các tiêu chí về nội dung ý nghĩa đầy đủ, hàm xúc, tư tưởng của đức Phật cũng như phù hợp thời gian tụng vừa đủ.
Đa số các đại biểu tham dự đều đồng tình nên có bài kinh thống nhất cho các hệ phái Phật giáo Việt Nam.
HT.Thích Thanh Nhã phát biểu HT.Thích Hải Ấn phát biểu
HT.Thích Huệ Minh phát biểu ý kiến việc đề xuất được 2 bài kinh Chuyển pháp luân và Bát nhã là rất phù hợp để áp dụng trong từng nghi lễ. Trong đó, bản dịch số 1 của 2 bài kinh này là phù hợp, bản dịch 2 hơi dài.
TT.Thích Minh Thành phát biểu TT.Thích Minh Thành, đại diện hệ phái Khất sĩ, hoàn toàn tán thành với kinh Chuyển Pháp Luân, bản dịch 1. Chỉ có một số chữ chưa được chính xác: nên dịch là Khổ đau có mặt thay vì Sự thật có mặt.
HT.Danh Lung phát biểu
HT.Danh Lung, đại diện hệ phái Nam tông Khmer ý kiến để phù hợp chung, trong khi PGVN có nhiều hệ phái nên chọn kinh Chuyển Pháp Luân 1 vì trong kinh này đã có nội dung kinh Bát Nhã.
TT.Bửu Chánh, đại diện hệ phái Nam tông Kinh ý kiến nên lấy bài kinh Chuyển Pháp Luân nhưng theo bản dịch từ tiếng Pali và nên nghiên cứu bài kinh tụng này cho nghi lễ nào? Quốc tế lễ thì nên chọn bản dịch theo tiếng pali.
Về phía khách mời, ông Bùi Hữu Dược có ý kiến: Mỗi quốc gia đều có quốc ca. Vì vậy, chúng ta chỉ nên chọn một bài kinh tụng chung, nên chọn bài kinh Chuyển Pháp Luân 1 nhưng nên chỉnh sửa một vài câu chữ cho ý nghĩa và phù hợp hơn.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn góp ý, 2 bài kinh đưa ra tọa đàm hôm nay đều rất có ý nghĩa, đảm bảo tư tưởng của đức Phật nhưng để đảm bảo thời gian và dễ chuyển tải thông điệp nên chọn kinh Chuyển Pháp Luân 1, song nên chuyển thể thành thơ hoặc văn vần.
TT.Thích Đức Thiện tin tưởng, đánh giá rất cao công sức và phương pháp thực hiện của Ban Văn hóa cũng như Ban Nghi lễ. Để có được kết quả ngày hôm nay, Ban Văn hóa đã trải qua rất nhiều cuộc khảo sát, phối hợp, nghiên cứu cùng các Chư tôn chức các hệ phái để lựa chọn; cần chọn một bài kinh thống nhất trong tất cả các nghi lễ chung và nên chọn kinh Chuyển Pháp Luân 1 vì kinh này đã chứa đựng tất cả giáo lý của nhà Phật và rất phù hợp thời gian tụng. Tuy nhiên, cần biên tập lại trên cơ sở cốt lõi của bản dịch, đồng thời chỉnh sửa các câu từ cho chính xác, phù hợp.
TT.Thích Đức Thiện cũng cho biết thêm, GHPGVN dự kiến: sau khi thống nhất lựa chọn bài kinh tụng thống nhất thì sẽ tụng tại nghi lễ diễn ra chùa Quán Sứ trước khi diễn ra Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII.
HT.Thích Thanh Nhiễu phát biểu việc thống nhất khoá tụng chung là nguyện vọng của GHPGVN từ 2 nhiệm kỳ trước nhưng chưa thực hiện được. Đến nhiệm kỳ này, với sự cố gắng của Ban Văn hóa đặc biệt là TT.Thích Thọ Lạc thì công việc này đã cơ bản được hoàn thành.
Trên cơ sở hầu hết các ý kiến đã phát biểu, chúng ta nên chọn bài kinh Chuyển Pháp Luân 1 (ngắn gọn, xúc tích… và phù hợp về thời gian). Tuy nhiên, cần chỉnh sửa câu từ cho chính xác phù hợp và cần sớm thống nhất trình HĐTS phê duyệt để triển khai thực hiện, sau đó phải đẩy mạnh việc tụng bài kinh tụng chung này để nó thực sự có ý nghĩa trong cuộc sống.
Sự thống nhất mà trước hết là thống nhất kinh tụng, pháp phục trong các nghi lễ chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thể hiện tính thiêng liêng cũng như tinh thần đoàn kết của các tăng, ni Phật giáo Việt Nam, cũng như vai trò tích cực của Phật giáo trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc.
Anh Minh