Hà Nội: Vu Lan báo hiếu tại chùa Tăng Phúc PL.2559-DL.2015
Chủ nhật - 23/08/2015 09:50
Sáng nay thứ bảy 09/07/Ất Mùi (22/08/2015) chùa Tăng Phúc phường Thượng Cát, quận Long Biên, Hà Nội đã cử hành Đại lễ Vu Lan PL.2559.
Tham dự và chứng minh buổi lễ có HT.Thích Gia Quang - Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN - Trưởng Ban TTTT GHPGVN - TT. Thích Minh Tuệ - Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cùng chư tôn đức BTS GHPGVN quận Long Biên, Đống Đa, Hà Nội
Về phía chính quyền có ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng Ban tôn giáo dân tộc - Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; ông Trần Khánh Dư – NGuyên vụ trưởng vụ Phật giáo Ban tôn giáo Chính phủ - Giám đốc Trung tâm bảo tồn văn hóa Phật giáo Việt Nam; ông Nguyễn Văn Thảnh- Phó giám đốc trung tâm ứng dụng khoa học cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành chính quyền địa phương cùng về tham dự.
Tại buổi lễ sư thầy Thích Đồng Hòa - Ủy viên TT Ban Hoằng pháp T.Ư – Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN – Trụ trì chùa Tăng Phúc – Trưởng ban tổ chức phát biểu khai mạc
Sư thầy đã nhấn mạnh Mùa Vu Lan báo hiếu là một trong những mùa lễ thiêng liêng cao quý nhất của Phật giáo, nhằm tiếp nối truyền thống báo hiếu báo ân của người con Phật. Tiết Vu Lan bâng khuâng nhớ cha công dưỡng dục Mùa báo hiếu bùi ngùi thương nhớ mẹ đức cù lao Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt thương nhớ mẹ Hội Vu Lan hương trầm quyện tỏa niệm ân cha Ơn cha sâu nặng dẫu muôn kiếp báo đền không trả hết Nghĩa mẹ cao dầy, dù nghìn đời cung phụng chẳng đáp xong Thế nên Phật dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, Hạnh hiếu là Hạnh Phật, Cha mẹ hiện tiền như Phật tịa Thé Cha ta là Phật Thích Ca, Mẹ ta như đức Phật Bà Quan Âm” Chính vì vậy chúng ta cần phải tổ chức những buổi pháp thoai, chia sẻ, văn nghệ, lễ hội… và làm tất cả các việc công đức lành để hồi hướng tôn vinh người mẹ, người cha hiền của mình, tôn vinh các người mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh ra những người con ưu tú biết hy sinh cho đất nước, dân tộc, mang lại độc lập tự do và hạnh phúc cho nhân dân.
Tại buổi lễ các em thanh thiếu niên Phật tử dâng y cúng dường chư tôn đức hiện tiền và nhất tâm thanh tịnh trang nghiêm cử hành nghi lễ bông hồng cài áo bày tỏ lòng kính quý đối với các đấng thiêng liêng thoát tục, toàn thể đại biểu, nhân dân phật tử về tham dự trang nghiêm đạo tràng đều được cài lên mình những bông hồng tươi thắm thể hiện tình yêu thương, tưởng nhớ đến hai đấng sinh thành. Đại diện Thanh niên phật tử phát biểu bài cảm tưởng nêu lên công đức sinh thành dưỡng dục trời bể của cha mẹ,
“Thật là sung sướng thay cho những ai còn cha còn mẹ trên đời. Vì khi ấy, ta còn cả một vùng trời bình yên. Xin hãy trân trọng điều ấy và giờ khắc này hãy cài lên ngực áo mình đóa hoa hồng màu đỏ thắm, màu của sự thương yêu, màu của bao vất vả, gian lao mà hai đấng sinh thành đã chắt chiu cho ta trưởng thành qua bao năm tháng. Còn nếu bạn bất hạnh vì đã mất mẹ mất cha, xin hãy lặng lẽ cài lên ngực áo của mình đóa hoa buồn trinh trắng.
“Hồng vàng dâng Phật Pháp Tăng Hồng đỏ dâng Mẹ cha mừng Vu Lan Hồng trắng xúc động bàng hoàng. Con côi cút mẹ lại càng xót xa”.
Nhân dịp này toàn thể đại chúng được nghe thời pháp của Hòa thượng Thích Gia Quang về ý nghĩa ngày Vu Lan báo hiếu.
Hòa thượng đã tán thán công đức của sư thầy trụ trì đã tổ chức buổi lễ mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không những có ý nghĩa đối với Phật giáo mà còn ý nghĩa với truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn, đề ơn đáp nghĩa và tri ân báo ân của người con Phật”.
Truyền thống Vu Lan báo hiếu đã xuất hiện từ lâu và đặc biệt trong truyền thống Bắc Tông. Hòa thượng đã nhắc lại Câu chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên, đại đệ tử của Phật với thần thông đệ nhất được đức Phật dạy Pháp Vu Lan Bồn cúng dường trai tăng sau 3 tháng An cư tu hành thanh tịnh lấy công đức hồi hướng cầu nguyện cho Mẹ thoát khỏi cảnh khổ A Tỳ Địa ngục là duyên khởi của Vu Lan.
Tại buổi thuyết giảng Hòa thượng đã chia sẻ về đạo hiếu của dân tộc Việt trong kinh Thiện Sinh. Kinh Thiện Sinh thuộc trường phái A Hàm là một bài kinh dài và cổ từ Phật giáo Nguyên Thủy được lưu truyền đến nay và mãi về sau.
Hòa thượng đã chia sẻ giáo lý về cuộc sống qua Kinh Thiện Sinh, chữ Hiếu của Phật giáo về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng như mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ làm thế nào để cho cuộc sống của chúng ta ngày một tốt đẹp, xã hội ngày càng an lành và gia đình có nhiều hạnh phúc. Bản kinh Thiện Sinh là bản kinh căn bản dạy cho ta biết cách giữ gìn các mối quan hệ một cách tốt đẹp, ở đó ta thấy được các quan hệ được Phật dạy đều theo hai chiều rất tinh tế.
Đặc biệt Hòa thượng đã nhấn mạnh về mối quan hệ và trách nhiệm giữa cha mẹ đối với con cái bao gồm 5 nguyên tắt: Thứ nhất là Cha mẹ phải ngăn chặn người con không được làm điều xấu ác, thứ hai là khuyên con cái làm điều thiện, thứ ba là tạo dựng nghề nghiệp chân chính cho con cái, thứ tư là xây dựng gia đình hạnh phúc cho con,thứ năm là truyền trao gia tài của cải cho con cái đúng thời.
Bổn phận trách nhiệm của người con đối với cha mẹ bao gồm 5 nguyên tắc: Thứ nhất là Bổn phận của con cái phải hiếu dưỡng cha mẹ thật chu đáo, Thứ hai là làm tròn bổn phận của người con đối với cha mẹ cả về vật chất lẫn tinh thần, thứ ba là phải biết trân trọng truyền thống danh dự của gia đình để bảo tồn và phát huy, biết bảo vệ và giữ gìn tài sản của gia đình không phụ lòng công lao của cha ông để lại, Thứ năm là lo chu toàn hậu sự cho cha mẹ một cách đúng pháp.
Tại buổi lễ Ca sĩ Hoàng Tùng đã trình diễn hai bài hát về ân đức sinh thành: Tình Cha – do chính ca sĩ sáng tác và Xuân này con về Mẹ ở đâu.
Thay mặt cho quan khách và đại biểu, ông Trần Khánh Dư - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo phát biểu trong buổi lễ, bày tỏ niềm vinh hạnh được đến tham dự buổi lễ Vu Lan tại chùa Tăng Phúc. Ông đã bày tỏ và ghi nhận buổi lễ Vu Lan được diễn ra trong không khí trang nghiêm trọng thể đặc biệt là những lời Pháp thoại của quý thầy đã làm cho toàn thể đại chúng hiểu sâu, ôn học lại và lắng đọng tâm tư cùng thực hành hiếu hạnh đúng Pháp như lời Phật dạy.
Tinh thần Vu Lan báo hiếu sẽ góp phần vào công cuộc chấn chỉnh hệ đạo đức của xã hội hiện nay đang bị xuống cấp. Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo đã gửi công văn đề nghị Nhà Nước nghiên cứu và công nhận Lễ Vu Lan báo hiếu là Lễ hội Văn hóa của toàn dân, và đến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận lễ Vu Lan Báo hiếu sẽ trở thành Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia.
Kết thúc buổi lễ chư tôn đức cùng toàn thể đạo tràng tụng kinh Vu Lan. Buổi lễ Đại lễ Vu Lan báo hiếu tại chùa Tăng Phúc đã thập phần viên mãn, trong không khí ấm áp nghĩa tình cha mẹ và tràn đầy đạo vị.