Hà Tĩnh: An vị tượng Bạch Ngọc Hoàng Hậu tại chùa Am

Thứ năm - 14/07/2011 06:28
Ngày 11/7/2011 (11 tháng 6 năm Tân Mão), chùa Am (Diên Quang tự) – xã Đức Hòa - huyện Đức Thọ - tỉnh Hà Tĩnh đã trang nghiêm tổ chức lễ an vị tượng Bạch Ngọc Hoàng Hậu – Trần Thị Ngọc Hào, và các vị Công chúa.

Chứng minh và chủ trì buổi lễ có: TT.Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW, Trưởng Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hà Tĩnh; Đại đức Thích Chiếu Tuệ - Phó thư ký Ban Hoằng pháp TW, Trưởng Ban Hoằng pháp Thành hội Phật giáo Hà Nội, trụ trì chùa Am cùng quý Đại đức trong Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Hà Tĩnh. 

Về phía chính quyền có ông Trần Minh Kỳ - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Trịnh Xuân Diệu – Phó giám đốc Sở Nội Vụ, Trưởng Ban tôn giáo tỉnh cùng đại diện các sở ban ngành của tỉnh; ông Nguyễn Văn Qúy – Bí thư huyện ủy; Ông Võ Công Hàm – Phó Bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND cùng đại diện các phòng ban ngành huyện Đức Thọ và xã Đức Hòa sở tại; các gia đình Phật tử phát tâm công đức xây dựng chùa. 

Bạch Ngọc Hoàng Hậu - tên thật là Trần Thị Ngọc Hào con ông Trần Công Thiệu ở làng Tri Bản - xã Thổ Hoàng - huyện Hương Khê - tỉnh Hà Tĩnh, nguyên gốc ở Thiên Trường - Nam Định. Bà Trần Thị Ngọc Hào là người con gái xinh đẹp, thùy mị, nết na, với tài ứng xử khéo léo nên được vua Trần Duệ Tông rất sủng ái chọn làm Hoàng hậu. 

Sau khi vua Trần Duệ Tông băng hà (năm 1377), lợi dụng cơ hội Hồ Quý Ly (1400 - 1407) cướp ngôi nhà Trần. Nhà Minh lại sang điều đình với bà mượn tiếng giúp nhà Trần đánh nhà Hồ để kéo quân sang chiếm nước ta. Bà cảnh tỉnh không chịu khuất phục, bà đã đưa con gái cùng hơn 572 người giả cách ăn mặc người tu hành để trốn bỏ kinh thành về quê hương, sau 50 ngày vất vả, không quản đường xá xa xôi bà mới về đến quê nhà lúc này chỉ còn 172 người. 

Dừng chân ở núi Cóc và núi Trà Lập, bà cùng mọi người lập trại làm ăn, chiêu dụ dân chúng, mấy năm sau một trang trại rộng lớn được mở mang từ Lâm Thao - Hòa Duyệt - Thượng Hạ Bồng (này là huyện Vũ Quang), Đông Công và dọc núi Trà Sơn (huyện Đức Thọ), Ân Phú - Sơn Trà - Sơn Long (huyện Hương Sơn) đến Thượng Nga Lại Thạch (6 xã huyện Can Lộc), khi đó đã có trên 3000 dân và khai phá được 3965 mẫu ruộng. 

Cũng trong thời gian nay, Ngô Cảnh Cân kéo quân tới cướp phá vùng trại đầu của họ Đỗ và tìm trang trại của bà nhưng không thấy, chỉ sau khi có quan đại tướng Bùi Bị cùng Đinh Lễ - Đinh Bố đánh đuổi và giết chết Ngô Cảnh Cẩn, tìm được trang trại của bà và công chúa Huy Chân, hiểu rõ sự tình, Bùi Bị đã đưa hai mẹ con bà về gặp vua Lê Lợi. 

Ở đây bà đã dâng tất cả lương thực chiến đấu, khí giới tiền của mà quá trình bà đã tổ chức và tích lũy được trong nhiều năm cho triều đình.Sau khi bình ngô đại cáo, bà xin vua Thái Tổ lập chùa Diên Quang (chùa Am) và chùa Tiên Lữ ỏ xã Đức Lập để Bà làm nơi tu hành. Bà về tu hành tại chùa Am ngày ngày tụng kinh niệm Phật cầu cho Quốc thái dân an, cầu cho vong linh các quân sỹ đã hy sinh cho đất nước được siêu thoát. 

Hoàng Hậu Trần Thị Ngọc Hào mất ngày 22/6 niên hiệu Hồng Đức, các đời vua Lê thấy công đức lớn lao của bà đã cho tạc tượng bằng đồng thờ tại chùa Am. 

Tại ngôi chùa Am còn thờ 2 vị công chúa đó là công chúa Huy Chân (con gái của Bạch Ngọc Hoàng Hậu) - Á phi của vua Lê Lợi, và Công chúa Trang Từ - con gái của Á phi Huy Chân và vua Lê Lợi, đến năm thuận thiên thứ 6 (1435) nhà vua băng hà, công chúa Huy Chân cũng xin về tu hành tại chùa Am cùng với mẹ và mất ngày 22/3. 

Công chúa Trang Từ sau khi chồng chết cũng xin về tu hành tại chùa Am cùng bà và mẹ. Vậy là 3 bà cháu tu hành ở đây được hơn 20 năm và công chúa Trang Từ mất vào ngày 5 tháng chạp."

Nguồn tin: Chùa Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây