Từ sáng sớm, lễ đàn được thiết trí trước sân chùa Pháp Vân, do ban kinh sư chùa Vạn Phước, chùa Pháp Vân thực hiện, các Huynh trưởng cấp Dũng như anh Tư Đồ Minh, Nguyễn Công Minh, Nguyễn Châu, Bạch Hoa Mai trong Ban Đại bái cung đối đàn tiền thỉnh lễ cẩn sớ.
Mở đầu khai mạc Pháp hội Thù ân là lễ hưng tác thượng phang, đờn kèn bắt nhịp khi đôi tràng phang kéo lên trên ngọn cây xanh kế cổng chùa. Sau đó, Chư tôn đức được cung thỉnh vào phòng khách để BTC làm lễ tác bạch thỉnh sư và cung an chức sự.
Đây là Pháp hội đầu tiên tổ chức tại Việt Nam do GĐPT Việt Nam trên thế giới kiến lập, được sự cho phép của nhà nước CHXHCN Việt Nam và sự chấp thuận của Hòa thượng trụ trì chùa Pháp Vân. Trong văn bản “Duyên Khởi Kiến Lập Pháp Hội”, viết: “GĐPTVN ra đời từ chiếc nôi nhiệm mầu của Phật pháp, của đạo lý dân tộc mà phong trào chấn hưng PGVN là cánh tay đầu tiên đưa áo lam đi vào đời để trao phó sứ mạng thiêng liêng kế thừa đạo pháp, dân tộc, giữ gìn, xiển dương truyền thống cao đẹp của Phật giáo, của nền đạo lý nước nhà, và góp phần thực hiện sứ mạng với nhân loại.”
Kết luận Duyên Khởi Kiến Lập Pháp Hội Thù Ân có viết: “Với tất cả ý nghĩa, tâm nguyện và tinh thần đó, đề án được kiến lập để làm nền tảng cho sự y cứ pháp sự khoa nghi cử hành như pháp cúng dường kỳ siêu, tỏ bày hiếu ân, truyền thống nhà lam GĐPTVN trên toàn thế giới”.
Đoàn thể áo lam là một đoàn thể có tổ chức, sinh hoạt và tồn tại trên 60 năm. Có chương trình giáo dục nghiêm túc và khoa học. Một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên của Phật giáo đã đào tạo nhiều Huynh trưởng, đoàn sinh trở thành công dân gương mẫu cho xã hội; cung cấp không ít nhân tài cho đất nước, và khi lan truyền ra khắp nơi trên thế giới, lam viên cũng không hổ thẹn là một đoàn sinh, là người con Phật xứng đáng góp phần xây dựng trú xứ hiện hành, tuy nhiên, chính GĐPT cũng chịu nhiều thiệt thòi không ít vào lúc nhiễu nhương trong quá khứ mà cùng chung số phận với Phật giáo lúc bấy giờ.
Để duy trì một đoàn thể thuần túy giáo dục, Ban Hướng dẫn đã linh động và cương nghị trước những thử thách tưởng chừng khó vượt qua. Nhưng, với sự gia trì của Tam Bảo, với lý tửng vững chắc của đoàn thể lam viên, để ngày nay, qua một hình thức Pháp hội Thù ân, xem như mặc nhiên được chấp nhận là một thực thể vệ tinh của PGVN, một đoàn thể truyền thừa và truyền thống của dân tộc. Mặc dù chỉ có 32 đơn vị hiện hữu trên 32 tỉnh thành từ Quảng Trị trở vào, nhưng đủ xác định tầm vóc và giá trị của một tổ chức kinh qua non một thế kỷ, một giá trị thực không thể phủ nhận. Giờ đây, những đàn anh cấp Dũng ngoài 80 vẫn còn gắn bó với các em lam hiền đáng tuổi cháu chắt, thế mà, dưới mái nhà chung, vẫn là anh em ruột thịt máu mủ để cùng nhau bảo tồn ngôi nhà Như Lai, thể hiện tâm nguyện thượng báo Tứ Trọng ân, hạ tế tam đồ khổ, và tự nguyện khoác thêm áo giới Thập Thiện, Bồ tát để tiếp tục vững tiến trên đạo lộ lý tưởng giáo dục và phụng sự.
Vì sao đoàn thể gia đình áo lam vẫn tồn tại? Phải chăng thân giáo của các anh chị trong Ban Hướng dẫn luôn trong sáng và nhiều đức kiên nhẫn, hy sinh? Chính vì thế mà “Pháp hội Thù ân” đã được hình thành.