Trong bài giảng hôm nay, Hòa thượng đã đề cập tới 3 vấn đề chính: thứ nhất là đề cao tinh thần giới luật, thứ hai là lịch sử của hạ an cư và cuối cùng là tinh thần của kinh Pháp Hoa.
Trong Phật giáo thì giới luật đóng một vai trò rất quan trọng, giới luật là mạng mạch của Phật pháp. Giới luật còn thì Phật Pháp còn, giới luật mất thì Phật Pháp mất. Đức Thế Tôn đã dạy rằng:” Tất cả các đệ tử của Phật phải nương vào giới luật để làm thầy” Nơi nào giới luật được nghiêm minh hành trì thì nơi đó Phật Pháp được xương long. Trong tinh thần thượng tôn giới luật thì vấn đề hạ an cư là rất quan trọng đối với đời sống của người xuất gia hàng Tỷ Khiêu. Trong giới luật mà Đức Phật đã dạy thì hàng Tỷ Khiêu phải cấm túc an cư hàng năm để trau dồi Giới – Định – Tuệ, trưởng dưỡng đạo tâm, tăng trưởng đạo lực. Hạ an cư xuất hiện ngay từ khi Phật thành đạo, vào thời gian đó đức Phật đã an cư kết hạ cùng chư Tăng và phép hạ an cư đó vẫn được duy trì cho tới ngày hôm nay.
Từ đó, Hòa thượng đã giảng cho các hành giả các Phật tử hiểu về lịch sử của hạ an cư, trải qua từ thời đức Phật còn tại thế cho đến thời kỳ Phật giáo du nhập vào Việt Nam. Đặc biệt là tấm gương hạ an cư của sơ Tổ Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông – Tổ sư sáng lập thiền phái Trúc Lâm ngay từ năm 1308 ( Mậu Thân) Tổ trúc Lâm cũng đã an cư năm cuối cùng của mình tại chùa Vĩnh Nghiêm ( Đức La ). Theo sách “Tam tổ thực lục” thì mùa hạ năm đó Ngài đã giảng bộ Ngữ Lục cho nhị Tổ Pháp Loa. Kế tiếp truyền thống an cư đó thì Phật giáo miền Bắc hiện đang thực hiện theo tinh thần tập trung an cư để nêu cao tinh thần lục hòa của chúng đệ tử xuất gia.
Những năm trong chiến tranh, mặc dù phải chống giặc ngoại xâm nhưng đến mùa an cư truyền thống an cư vẫn tiếp tục được duy trì, các hành giả an cư vẫn vân tập về các nơi, đảm bảo các bậc thượng đức của các sơn môn là những người đứng đầu đã chủ trì các khóa hạ. Với niềm tôn kính đó, Chư tôn đức Tăng Ni vẫn thường gọi là: “ Tổ Cầm Hè Kiết Hạ”. Ngày nay, Phật giáo đã thống nhất trên toàn quốc. Hàng năm HĐTS GHPGVN đều ra thông bạch chỉ đạo về Kết hạ an cư. Từ thông bạch của GHPGVN, các tỉnh thành đều ban hành các thông tư riêng để thành lập Ban chỉ đạo hạ an cư. Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cũng không nằm ngoài tinh thần đó.
Theo truyền thống của Phật giáo miền Bắc thì mỗi một năm tại các trường hạ sẽ chọn ra 1 bộ Kinh hoặc 1 bộ Luận để giảng đại trường. Buổi sáng giảng cho Tăng Ni, Phật tử đến thính Pháp còn buổi chiều thì học giới luật. Năm nay, trường hạ chùa Trình – Trụ sở GHPGVN tỉnh Quảng Ninh giảng bộ kinh Pháp Hoa. Do đó, Hòa thượng đã nêu lên tinh thần của bộ kinh Pháp Hoa – Đó là một bộ kinh tối thượng thừa. Tinh thần của kinh Pháp Hoa có nêu rõ đức Phật ra đời nhằm khai thị, tri kiến Phật cho chúng sinh, tỏ ngộ được tri kiến Phật, để trở về với tri kiến Phật. Đạo tràng Pháp Hoa hiện nay đang được đặt dưới sự chỉ bảo trực tiếp của Hòa thượng tôn sư Thích Trí Quảng và bậc giáo thọ sư là Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm để hướng dẫn các Phật tử tu học theo đúng tinh thần trong kinh Pháp Hoa đã dạy.
Trước khi kết thúc buổi giảng, Hòa thượng đã tán thán công đức của Chư tôn đức Tăng Ni trong tỉnh đã thành lập ra 3 địa điểm an cư: Chùa Trình – Dành cho Tăng Ni của Phật giáo tỉnh, điểm thứ 2 là chùa Quỳnh Lâm và điểm thứ 3 là Thiền viện trúc lâm Yên Tử dành cho chư Tăng trong nội chúng của thiền viện. Đồng thời Hòa thượng cũng tán thán công đức của Chư tôn đức trong BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng cơ sở hạ tầng của trường hạ chùa Trình rất khang trang, sạch đẹp, nề nếp tu học của các hành giả an cư thì rất nghiêm trang, thực hiện theo đúng giới luật và tinh tiến tu học.
Xin giới thiệu hình ảnh ghi nhận:
Cung thỉnh Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm quang lâm pháp tòa
TT. Thích Thanh Quyết tác bạch thỉnh giảng sư và giới thiệu về giảng sư
Niệm Phật cầu gia hộ
Phật tử đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc
Hành giả an cư tại hạ trường chùa Trình
TT. Thích Đạo Hiển dâng lời cảm tạ giảng sư
Hồi hướng và bế mạc
Nguồn tin: PTVN.NET
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự