Về chứng minh và tham dự có HT.Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tich TT HĐTS GHPGVN; TT.Thích Đức Thiện - Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN; cùng đông đảo Chư tôn đức tăng, ni, phật tử, đại diện chính quyền các cấp đồng tham dự.
Các bậc cổ đức thường dậy rằng "Đạo tại nhân hoằng", yếu tố hoằng đạo chính là ở con người. Các chùa ở Việt Nam nói chung, chùa Hang nói riêng rất cần có một người Thầy chân chính trụ trì để giúp đỡ, hướng dẫn trên đường tu tập tìm về nẻo giác. Dân gian ta thường có câu:
“Chòng chành như nón không quai
Như thuyền không lái, như chùa không sư”
Chính vì những lẽ trên, nhân dân, phật tử đã làm đơn xin phép Giáo hội cũng như các cấp chính quyền để xin sư về trụ trì. Thật là một duyên lành với địa phương, Đại đức Thích Nguyên Thanh đã nhận lời thỉnh mời của chính quyền, nhân dân và thực hiện lời Phật dạy: "Này các tỳ khiêu hãy ra đi thuyết giảng vì lợi ích cho chư thiên và loài người " hay "phục vụ chúng sinh tức là cùng dàng chư Phật ". Với bản nguyện của Đại đức:
Nguyện đen thân xác mọn này
Tô bồi đạo pháp, dựng xây đạo tràng
Cúng dàng tam bảo nghiêm trang
Cho đời, cho đạo ngày càng đẹp tươi
Người người no ấm thảnh thơi
Thế gian hạnh phúc nơi nơi thái bình.
Theo cứ liệu lịch sử, Chùa Hang “Kim Sơn Tự” Thị trấn chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên có từ thời nhà Lý, tương truyền nhân một chuyến kinh lý của Nguyên phi Ỷ Lan, khi đến nơi này thấy phong cảnh hữu tình, hang động rộng lớn. nhân đây lấy làm nơi thờ Phật, trải qua các thời kỳ từ Lê Sơ đến thời Nguyễn, nơi đây là một nơi danh thắng, là điểm dừng chân của nhiều thi sĩ thơ phú.Thế nhưng, thời gian vùn vụt trôi đi, thời thế dần dà thay đổi, tuế nguyệt tăng thêm khiến cát bụi làm mờ di tích, xóm làng phiêu tán khiến cho cảnh chùa điêu tàn.
Từ ngàn xưa cho đến ngày nay và đến cả ngàn sau, đạo Phật luôn gắn bó keo sơn cùng vận mệnh dân tộc, chịu chung bao nỗi thăng trầm với Quê hương Đất nước. Đã “Thở cùng nhịp thở của quê hương, đập cùng trái tim của dân tộc”. Lịch sử đã chứng minh; Những ngôi chùa là di tích văn hóa, tín ngưỡng Tâm linh, in dấu sinh hoạt của người Việt Nam qua các thời đại và góp phần không nhỏ vào sự hình thành nền đạo lý đậm đà bản sắc của dân tộc Việt.
Nương bóng mái chùa, các thế hệ tiền nhân đã làm nên nghiệp lớn, lặng lẽ nhưng tràn dầy sức sống, thanh thoát nhưng ý chí kiên định. Mái chùa tiêu biểu cho nếp sống đạo đức và giữ gìn quốc hồn, quốc túy của dân tộc Việt Nam.