Thành phố Lạng Sơn: Bảo tồn, phát huy các di tích của “Trấn doanh bát cảnh”

Thứ năm - 21/07/2022 15:16
Từ xưa đến nay, dân gian vẫn lưu truyền về 8 cảnh đẹp Xứ Lạng (trấn doanh bát cảnh) do đốc trấn Ngô Thì Sỹ xưng tụng. Với sự trân trọng giá trị truyền thống, thời gian qua, UBND thành phố và Nhân dân bằng nhiều giải pháp đã nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị các di tích này.
Thành phố Lạng Sơn: Bảo tồn, phát huy các di tích của “Trấn doanh bát cảnh”

Theo các tài liệu lịch sử ghi chép lại, năm 1777, Ngô Thì Sỹ được cử lên làm đốc trấn Lạng Sơn, tại đây, những lúc nhàn rỗi, ông thường đi thăm thú sông núi các nơi, tìm phong cảnh đẹp. Đầu mùa hạ năm Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40 (năm 1779), Ngô Thì Sỹ đã sáng tác và khắc lên đá trong động chùa Tiên tấm bia “Trấn doanh bát cảnh” (tức là 8 cảnh đẹp của trấn doanh). Theo đó, 8 cảnh đẹp lần lượt là: quán trọ Đoàn thành, phố chợ Kỳ Lừa, bến đá Kỳ Cùng, động Nhị Thanh – Tam Thanh, chùa Tiên, chòm xóm Hoành Đường, chòi canh Dương Lĩnh, chân núi Thành Tâm. Trải qua thăng trầm lịch sử, “Trấn doanh bát cảnh” hiện nay chỉ còn xác định được 4 di tích (phố chợ Kỳ Lừa, bến đá Kỳ Cùng, động Nhị Thanh – Tam Thanh, chùa Tiên). Tất cả các di tích này đều tọa lạc trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, 4 di tích còn lại đều đã mất hết dấu tích và chưa xác định được vị trí chính xác.

Du khách tham quan di tích chùa Tiên

Những ngày đầu tháng 7/2022, chúng tôi có dịp trở lại di tích chùa Tam Thanh, “đệ nhất” bát cảnh Xứ Lạng. Điều cảm nhận rõ nhất đó là cảnh quan khang trang, sạch đẹp hơn so với trước, du khách khi đến tham quan đã dành nhiều lời khen ngợi. Bà Nguyễn Thị Thủy, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, du khách tham quan cho biết: Cứ vào dịp nghỉ hè hằng năm, tôi và gia đình vẫn thường lên đây tham quan, chiêm bái, phải nói rằng, cảnh chùa ở đây rất đẹp, có sự đổi thay rõ nét qua từng năm. Trong động được lắp đặt hệ thống ánh sáng, hệ thống tượng bài trí trang nghiêm, không gian sạch sẽ.

Còn tại di tích chùa Tiên - Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (VH-TT) (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1992, ông Vy Ngọc Hải, Trưởng Bộ phận thường trực quản lý di tích cho biết: Hằng năm, chúng tôi vẫn thường xuyên chỉnh trang, tôn tạo những hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng trong chùa. Đồng thời, để đảm bảo công tác an ninh chúng tôi lắp đặt hệ thống camera tại di tích.

Về phía chính quyền, thời gian qua, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích của “Trấn doanh bát cảnh” xưa, UBND thành phố Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp thiết thực. Theo đó, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng VH-TT quan tâm, hướng dẫn UBND các phường thực hiện công tác bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị các di tích; thành lập, kiện toàn ban quản lý di tích và bộ phận thường trực di tích.

Bà Phạm Tuyết Lê, Trưởng Bộ phận thường trực quản lý di tích đền Kỳ Cùng - bến đá Kỳ Cùng cho biết: Hằng ngày, bộ phận thường trực thường xuyên tuyên truyền giới thiệu về ý nghĩa và giá trị của bến đá đến du khách tham quan qua hệ thống loa truyền thanh của đền. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã gắn biển tên di tích, thường xuyên tiến hành quét, dọn rác tại đây tạo cảnh quan sạch sẽ cho di tích.

Đồng thời, từ đầu năm 2021 đến nay, UBND thành phố Lạng Sơn đã thực hiện tu bổ 3 điểm di tích và 1 khu di tích từ nguồn kinh phí xã hội hóa, trong đó có di tích chùa Tam Thanh, chùa Tiên… Đặc biệt hiện nay, UBND thành phố đưa vào hoạt động điểm du lịch phố đi bộ Kỳ Lừa, làm sống lại phố chợ Kỳ Lừa sầm uất một thời, góp phần phát triển kinh tế về đêm của thành phố.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng chỉ đạo Phòng VH-TT đẩy mạnh tuyên truyền về hệ thống di tích, di sản văn hóa thành phố, trong đó có di tích chùa Tam Thanh, chùa Tiên, bến đá Kỳ Cùng, phố chợ Kỳ Lừa trên trang thông tin điện tử của thành phố, trang fanpage “Thành phố Lạng Sơn - thành phố hoa đào”.

Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng VH-TT thành phố cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố chỉ đạo UBND các phường tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các di tích thuộc “Trấn doanh bát cảnh”; thực hiện khôi phục mốc giới, hoàn thành việc khoanh vùng bảo vệ đối với di tích chùa Tam Thanh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới hình thức quảng bá giới thiệu giá trị di tích, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến di tích.

Nguồn:baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây