Chùa Thành Lạng Sơn

https://chuathanhlangson.com


Chuyện ít biết về ngôi đền thờ vị tướng 'sinh ra từ hòn đá'

Có nhiều câu chuyện bị tai ương vì tội dám mạo phạm đền thờ Thạch Tướng mà người dân nơi đây từng chứng kiến. Có nguời cho rằng, đó chỉ là sự ngẫu nhiên. Nhưng qua những câu chuyện ấy, ít người dám nghĩ tới chuyện mạo phạm, “tơ hào” của cải ở ngôi đền thiêng.
Đá mẹ sinh ra Thạch Tướng

Vị tướng sinh ra từ hòn đá trang Tiên Lạt

Ngôi đền Thượng thờ Thạch Tướng Đại vương nằm trong quần thể chùa Bổ Đà - ngôi chùa cổ kính nhất vùng kinh Bắc. Ngôi đền được xây dựng vào thời Lê (thế kỷ XVIII). 

Cụ Đôn Văn Bạn, 78 tuổi, thủ từ đền Thạch Tướng (thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) hiểu khá tường tận về hiển tích của ngôi đền. Theo đó, thời Hùng Vương thứ 16, có đội quân hùng hậu với 50 vạn quân Bắc quốc sang xâm lược đất Việt. Chúng đánh chiếm nhiều nơi như: Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hóa. Đi đến đâu, chúng đều tàn sát dân lành. Nhà vua lòng dạ rối bời, ngày đêm mất ngủ lo lắng cho an nguy đất Việt. Nhìn quanh, các quan tướng đều không đủ tài đánh đuổi quân thù. Nhà vua bèn xây đàn để tế trời đất cầu mong tìm được Thánh tài cứu nước. Đàn tế kéo dài ròng rã suốt 7 ngày, 7 đêm. Đến đêm cuối cùng, giông bão nổi lên, bụi bay mịt mù, mưa to trút xuống ào ạt. Vua, quan tìm nơi gần đó trú ngụ. Sáng hôm sau, trời quang mây tạnh, vua và các quan ra đàn tế khấn trời lần cuối. Bỗng mọi người sửng sốt khi có lá cờ hiện lên dòng chữ:  “Muốn tìm nhân tài hãy về trang Tiên Lạt tìm Thạch Tướng”.

Trời đất linh thiêng cứu giúp, nhà vua quỳ xuống, bái tạ. Ngay lập tức, vua sai sứ giả tìm về trang Tiên Lạt. Tại trang Tiên Lạt, có một cậu bé sinh ra từ hòn đá to ở giữa ao miếu. Lúc ấy, có hai vợ chồng tên là Nguyễn Hòa và Cao Thị Huyền gia cảnh khó khăn, lấy nhau nhiều năm mà chẳng có mụn con. Tình cờ, trong lần đi mò cua, bắt ốc, ông bà chợt thấy cậu bé khôi ngô, bụ bẫm, trắng trẻo nằm trên hòn đá. Họ liền bồng về nuôi dưỡng. Dù nghèo khó, ăn chẳng đủ no, nhưng lạ thay, cậu bé lớn như thổi. Người cao 10 thước, sức khỏe phi thường. Nhưng ngặt một nỗi, đến 7 tuổi mà cậu bé chẳng biết nói năng gì. Hai vợ chồng lấy làm buồn phiền, tự an ủi nhau: “Đây là con của đá, của đất trời nên khác người cũng chẳng lấy làm lạ”.

Sứ thần tìm đến trang Tiên Lạt (nay là xã Tiên Sơn), lúc này Thạch Tướng đang nằm ở giường. Biết sứ thần đang tìm người giúp nước, ông Nguyễn Hòa nói với cậu bé: “Bây giờ mệnh nước đang suy, có sứ giả đến tìm mà không giúp nước, sao trả nghĩa ân tình?”. Câu bé bỗng chuyển mình đứng dạy thốt ra tiếng sấm: “Thạch Tướng yêu cầu về cấp báo với vua làm một con voi đá cao 10 trượng và trao cho lá cờ Thiên đế!”.

Vài ngày sau, đích thân vua cùng quan quân mang voi đá và lá cờ đến trang Tiên Lạt. Vua làm lễ đón mừng Thạch Tướng. Nhìn thấy Thạch Tướng dung mạo khác thường, nhà vua lấy làm ngạc nhiên. Vua lệnh các quan quỳ xuống bái lạy và phán rằng: “Thạch Tướng giúp nước trừ tà, biết lấy gì để báo đáp công đức sâu nặng cho xứng với tình đây”? Thạch Tướng đáp rằng: “Tôi là người của Thiên đình ban quyền hành giúp vua, lợi trừ man tặc, chỉ xin được gìn giữ “Hòn đá Mẹ” làm nơi cấm kỵ và lập miếu thờ ta”. Nói dứt lời, Thạch Tướng liền nhảy lên voi đá, tay cầm lá cờ, đi sau là binh lính đánh giặc. Thiên binh vạn tướng của Thạch Tướng đi tới đâu, giặc chết như ngả rạ tới đó. Thạch Tướng dũng mãnh khiến giặc khiếp sợ. Chỉ trong thời gian ngắn, Thạch Tướng đã thắng tới Cao Bằng, Tuyên Quang, Hương Hóa. 

Một trận ra quân, sạch bóng quân thù, Thạch Tướng cưỡi voi về thẳng nơi sinh ra mình ở trang Tiên Lạt. Ông thả voi dưới chân núi (đến nay vẫn còn hình đá voi đá). Một mình, Thạch Tướng trèo thẳng lên núi đá Phượng Hoàng chỗ đỉnh cao nhất, trút bỏ binh phục, mũ áo rồi hóa lên trời. Nhân dân làm sớ dâng lên triều đình. Vua ra lệnh cho bách quan trở lại nơi Thạch Tướng hóa hành lễ lập đền thờ từ đó.

Vua phong Thạch Tướng là “Chuyên hùng Thạch Tướng đại vương” và trang Tiên Lạt làm nơi trung nghĩa, quanh năm thờ cúng hành lễ. Nhà vua còn triệu vợ chồng người có công nuôi Thạch Tướng về kinh thành hưởng lộc vinh hoa.

1
Đền thờ Thạch Linh thần tướng.

Bị tai ương vì dám mạo phạm?

Đền được dựng ngay nơi Thạch Tướng đại vương hóa. Ngôi đền rộng khoảng gần 100m2. Bên tả, bên hữu sân đền có 2 chú voi đá đứng chầu. Gian giữa đền thờ Thạch Tướng đại vương. Hai bên cạnh thờ vợ chồng người có công nuôi Thạch Tướng. Mỗi năm, đền đón hàng vạn lượt người đến cúng lễ, chiêm bái. 

“Từ xa xưa, đền nổi tiếng  linh thiêng. Theo sử sách ghi lại, thời Lý Thánh Tông, voi, ngựa, binh sĩ của Vua ngang qua đền thờ Thạch Tướng  ở trang Tiên Lạt. Bỗng voi ngựa tự dưng hý vang và phủ phục không bước đi tiếp. Vua lấy làm ngạc nhiên, bèn xuống kiệu tìm cho ra lẽ. Vua thấy ngôi đền trước mặt liền cầu khấn Thạch Tướng phù hộ giúp nước. Dứt lời khấn, voi ngựa lại lên đường đi đánh giặc, dẹp yên bờ cõi. Vua Lý Thánh Tông bèn truy phong dòng chữ “Hiển ứng linh thông Bảo Phong tự hương thờ để đất nước mãi mãi thanh bình, thịnh vượng” - cụ Đôn Văn Bạn kể.

Ông Lê Quang Hòa, người thôn Thượng Lát cũng được nghe các cụ kể lại, những năm đầu thế kỷ thứ 20, có một đám quan quân hò ngựa phi qua trang Tiên Lạt. Có một cao niên trong làng chạy ra bẩm quan đi qua đền Thạch Tướng phải xuống ngựa và ngả mũ chào. Đây là lệ từ hàng trăm năm để lại. Vị quan này vốn hống hách, ngạo mạn, nghe vậy trừng mắt: “Ta là quan mà phải xuống ngựa sao?”. Vừa nói, quan thúc giục đoàn người tiếp tục phi ngựa chạy rầm rập ngang qua đền.  Đi được khoảng vài trăm mét, đoàn ngựa tự dưng lăn đùng ra đất. Đám quan, quân bất ngờ ngã nhào xuống đường. Đám quân bị què chân, gãy tay. Còn quan đầu đập xuống đất, tắc thở từ lúc nào.

Chuyện bị tai ương vì tội dám “tơ hào” đồ trong đền gần đây nhất là chuyện cách đây 6 năm. Lúc ấy, ngày 18/2, dân làng tổ chức lễ hội đền. Suốt dọc đường lên đền, dân làng giăng cờ hoa rực rỡ. Ngay hôm đó, sau khi đi lễ hội về, một chị làng bên “tiện tay” cầm một lá cờ về nhà. Chị này cho con chơi chán rồi vứt cờ ở sát chuồng bò. Chẳng hiểu thế nào, vài hôm sau, chị bị mắc bệnh nói lảm nhảm, luyên thuyên suốt ngày đêm. Thỉnh thoảng chị lại tự cào cấu lên mặt mình. Ròng rã 2 tháng trời, gia đình cho uống nhiều thuốc mà bệnh tình chẳng thuyên giảm. Trong một đêm, cả gia đình thức giấc bởi tiếng khóc ai oán. Có người nhập vào chị nói rằng chị đã mạo phạm tới đền thiêng. Tỉnh dậy, nhớ lại việc mình đã trót lấy cờ, chị và gia đình vội vã sắm chiếc cờ khác, sửa lễ đem tới đền tạ lỗi. 

Còn có nhiều câu chuyện bị tai ương vì tội dám mạo phạm đền mà người dân nơi đây từng chứng kiến. Có nguời cho rằng, đó chỉ là sự ngẫu nhiên. Nhưng qua những câu chuyện ấy, ít người dám nghĩ tới chuyện  mạo phạm, “tơ hào” của cải ở ngôi đền thiêng. Họ đến với ngôi đền với một lòng thờ kính người có công với đất nước.

Nguồn tin: Baophapluat.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây