Chùa Thành Lạng Sơn

https://chuathanhlangson.com


Dành tuổi xuân cưu mang trăm đứa con xa lạ

Với nhiều người, 30 năm tuổi xuân là khoảng thời gian quan trọng của cuộc đời, có người dùng thời gian đó để lập gia đình, gây dựng sự nghiệp hay khám phá, phiêu lưu, tận hưởng cuộc sống. Nhưng với chị Giáp Thị Sông Hương, 30 năm tuổi xuân đó chị không dành cho mình mà dành cho cả trăm đứa con xa lạ.
Mái ấm nhỏ của mẹ Hương và các con.

Bén duyên từ năm 18 tuổi

Có lẽ người dân ở quận 12, TP HCM không ai là không biết đến người phụ nữ U50 dành 30 năm tuổi xuân của mình để nuôi cả trăm đứa bé bị bỏ rơi, làm người mẹ hiền ngập tràn tình thương chăm lo cho các em. Người phụ nữ được người đời nhắc đến với những từ ngữ ca ngợi, khâm phục đó là chị Giáp Thị Sông Hương (SN 1974, quê ở Bắc Giang).

Vốn sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên từ nhỏ chị Hương đã tự tôi luyện, trở thành người sớm tự lập, tháo vát. Đến năm 18 tuổi, chị đã rời quê nhà vào TP HCM tha phương cầu thực với đủ nghề để mưu sinh, lập nghiệp. Từ làm giúp việc cho đến nhặt ve chai, chị Hương chưa bao giờ nề hà việc gì.

Cũng chính từ công việc này mà chị bén duyên trở thành mẹ của cả trăm đứa con xa lạ. Chuyện kể rằng, trong một lần đi nhặt phế liệu ngoài bãi rác, chị phát hiện một bé gái bị bỏ rơi còn đỏ hỏn, nằm lẫn trong đống rác bị côn trùng cắn, hơi thở yếu ớt. Không cầm lòng được trước hình ảnh thương tâm đó, chị liền bế em về chăm sóc.

Năm đó, chị chỉ là cô gái 18 tuổi, chưa chồng, chưa con, công việc bấp bênh, cuộc sống “ăn bữa nay lo bữa mai”. Khó khăn là vậy lại còn đèo bòng thêm đứa trẻ sơ sinh khiến gia đình chị phản đối kịch liệt. “Gia đình tôi lo chồng con chưa có, nhận nuôi rồi làm gì có tương lai, sợ bà con dòng họ ngoài Bắc không biết lại nghĩ tôi hư hỏng, trót dại có con ngoài giá thú”, chị Hương kể.

Thế nhưng, vì thương đứa nhỏ nên chị Hương kiên quyết giữ lại chăm sóc mặc kệ lời ra tiếng vào, bỏ qua dị nghị và khó khăn. Để có tiền chăm lo, ngoài những công việc đang làm, chị còn muối thêm dưa, cà rồi mang ra lề đường bán để kiếm tiền.

Một năm sau, như có duyên nợ chị lại bén duyên với người con thứ hai. Ở dãy trọ nơi chị sinh sống có một nữ sinh mang thai ngoài ý muốn. Đến ngày sinh, thấy cô gái chỉ một thân một mình, chị tội nghiệp nên đưa tới bệnh viện để sinh con. Thế nhưng, sau khi sinh nở, cô gái lẳng lặng bỏ đi để lại đứa trẻ cùng khoản viện phí chưa trả. Tiến thoái lưỡng nan, nhưng lại thương cháu nhỏ, chị Hương lại đành phải bán đi sợi dây chuyền vàng, chạy vạy khắp nơi để có tiền đóng cho bệnh viện. May thay, sau cùng chị cũng gom đủ tiền viện phí, có người nhận nuôi bé nhưng chị vẫn quyết định chăm cháu.

Đó là câu chuyện của gần 30 năm về trước, giờ đây mẹ Hương đã bước sang tuổi 50. Từ cô gái nhặt từng chai nhựa, bìa carton mưu sinh, chị gom góp được ít vốn khởi nghiệp kinh doanh khách sạn, bất động sản. May mắn, công việc làm ăn tương đối tốt đã giúp chị có kinh tế lần lượt nhận nuôi số lượng lớn trẻ bị bỏ rơi. Tất cả tiền đều được chị dồn để nuôi cả trăm đứa trẻ bất hạnh.

1
Chị Hương chăm sóc cho các bé sơ sinh.

Khát khao bỏ ngỏ vì các con

Để một lòng chăm lo cho các con, chị Hương còn quyết định không lập gia đình, hy sinh hạnh phúc của riêng mình. Bởi chị hiểu rằng công việc thiện nguyện của chị sẽ rất khó có mái ấm riêng. Với chị, thiên chức làm vợ chị có thể không cần nhưng được thực hiện thiên chức làm mẹ là điều chị luôn mong mỏi từ lâu. Dù có hàng trăm đứa con nuôi nhưng chị Hương vẫn khao khát mong muốn có một đứa con do chính mình sinh ra.

Thế nhưng hành trình tìm con của chị Hương vô cùng vất vả. Thời điểm đó, pháp luật chưa cho phép người không có chồng được thụ tinh nhân tạo nên chị Hương đành thuê người đăng ký kết hôn giả để làm thủ tục thụ tinh trong ống nghiệm. Thế nhưng, do tuổi đã cao, thụ tinh nhân tạo đến lần thứ 10 chị mới đậu thai.

Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, 1 tháng sau đi siêu âm lại, chị được bác sĩ thông báo thai nhi ở ngoài tử cung, không thể giữ được. Người phụ nữ ấy như chết lặng, sụp đổ hoàn toàn. Được bác sĩ động viên chị làm thụ tinh thêm lần thứ 11 nhưng vẫn không có kết quả. Kể từ đó, chị Hương buông xuôi khát khao sinh nở, cất lại những nỗi niềm riêng dành toàn thời gian, tình yêu cho các trẻ mồ côi, cơ nhỡ.

Chị Hương từng chia sẻ: “Từ lâu rồi tôi không có ý định lập gia đình hay có con nữa, tất cả tình yêu thương của tôi dành cho những đứa trẻ bị bỏ rơi là các con của tôi bây giờ. Đôi lúc tôi cảm thấy rất tủi thân vì không có một đứa con do chính mình sinh ra. Nhưng mà trong cái tủi thân đó tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì các con hiện tại tôi đang nuôi rất ngoan và có hiếu với mẹ Hương”.

Chị Hương cho hay: “Không biết cha mẹ các bé là ai cả, lâu lâu tôi lại nhận được điện thoại báo tin ra cột điện nọ, thùng rác kia đưa bé về, vậy là ra thì chỉ thấy một mình bé nằm đó, không có bất cứ thông tin về cha mẹ”.

Ông bà ta có câu “Công sinh không bằng công dưỡng” quả không sai. Dù không phải mẹ ruột nhưng dường như các con hiểu mẹ vất vả nên thương mẹ rất nhiều. Các bé nhỏ luôn ngoan ngoãn, ăn no là nằm chơi một mình hoặc ngủ. Còn các bé lớn có ý thức luôn phụ giúp mẹ chăm các em nhỏ hơn, Dù là trai hay gái cũng đều tỏ ra thuần thục trong mọi công việc từ cho ăn đến thay tã. Các con nuôi đều được chị Hương cho mang họ của mình.

Những tưởng mái ấm của chị sẽ luôn bình yên với tiếng cười trẻ thơ nhưng hai năm qua dịch COVID-19 bùng phát. Gia đình nhỏ của chị cũng gặp khó khăn giống như bao người ngoài kia. Do dịch bệnh nên công ty của chị không thể hoạt động, trong khi chi phí tiền bỉm, sữa, ăn uống của các bé mỗi tháng lên tới hơn 100 triệu đồng.

Khó khăn là thế nhưng với bản năng của một người làm mẹ, chị sẽ vẫn cố gắng bằng hết khả năng và sẽ vẫn tiếp tục dành tình yêu cho các con đến khi già yếu, không còn đủ minh mẫn nữa. Thế là người mẹ ấy đã bán hết nhà cửa để lo cho đàn con thơ của mình.

Mặc dù chị cũng có nhiều cách khác để bớt đi gánh nặng trên đôi vai bởi cũng có nhiều người đến xin các con về nuôi và hứa sẽ cho chị một số tiền kha khá nhưng chị không nỡ. “Tôi sợ mình cho con đi, khi cha mẹ chúng quay lại tìm con thì không biết ăn nói sao với họ”, chị Hương chia sẻ.

Để cố gắng duy trì mái ấm nhỏ này cho các con, chị Hương cũng bắt đầu tập tành làm Youtube với kênh “Giáp Thị Sông Hương Official”. Kênh được lập ra vừa để kêu gọi quyên góp, ủng hộ giúp chị có thêm kinh phí hoạt động nuôi các con. Cũng vừa để chia sẻ hình ảnh đời sống thường nhật, những khoảnh khắc đáng yêu của các con lên mạng xã hội.

Dù cuộc sống có khó khăn bộn bề nhưng chị Hương chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ từ bỏ các con. Mỗi ngày chị chỉ biết cố gắng nữa, cố gắng mãi với niềm mong ước đem lại cuộc sống tốt đẹp cho đàn con thơ. Tất cả đều xuất phát từ một chữ “thương” nhưng đã tạo nên sức mạnh phi thường cho một người phụ nữ dáng hình nhỏ bé với tấm lòng rộng lớn.

“Tôi có rất nhiều các con thành đạt. Có hai cháu hiện giờ đang sống ở bên Mỹ, một cháu làm bác sĩ, một cháu làm luật sư. Còn tất cả các con ở Việt Nam đều có cơ sở làm ăn và đều có gia đình ở riêng hết không ở chung với tôi nữa và rất có hiếu với mẹ”, chị tự hào khi khoe về những đứa con đã khôn lớn của mình. Có lẽ hạnh phúc của chị cũng giống như bao người mẹ khác, chính là khi nhìn thấy các con trưởng thành và có được cuộc sống trọn vẹn như bao người.

Cho đến hiện tại, chị Hương vẫn khăng khăng ý định không muốn lập gia đình. “Có gia đình riêng, lấy chồng thì mình phải hoàn tất công việc gia đình bên nhà chồng và con của mình nữa. Mình không thể ôm đồm nhiều thứ. Mình chọn 1 con đường dài để đi và làm cho tốt nên mình quyết định điều này”.

Cứ như thế, sau gần 30 năm tuổi xuân, người phụ nữ kiên cường ấy đã quyết hy sinh hạnh phúc của riêng mình để dành hạnh phúc cho những thiên thần nhỏ kém may mắn. Chính tấm lòng yêu thương, đùm bọc của chị đã tạo nên những điều kỳ diệu cho cuộc sống.

Theo Baophapluat.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây