Chùa Thành Lạng Sơn

https://chuathanhlangson.com


Lão nông nghèo ham giúp người khổ

Một lão nông 72 tuổi không ruộng đất và là hộ nghèo. Vậy mà bao năm nay ông luôn là người đi xin tiền làm nhà cho biết bao người dưng, nhưng không khi nào xin tiền làm nhà cho mình dù nó dột nát muốn sập.
Lão nông nghèo ham giúp người khổ

Bà con ở ấp Lợi Nhơn (xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) gọi ông là Hai Mum, còn tên khai sinh của ông là Võ Văn Mum.

"Ông Hai thèo lẻo" tốt tánh

Ông Hai Mum cười tươi rói khoe "biệt thự ven sông" theo cách gọi của ông. Đó là cái chòi lộng gió, cất ngay bên sông Cổ Cò. Hằng ngày, ông mắc võng nằm xoay mặt ra sông, ngó thấy có chai nhựa, gỗ trôi là lấy xuồng chèo ra vớt. Chiếc xuồng cũ này ông mua mấy năm trước với giá 300.000 đồng và bỏ thêm gần 2 triệu đồng dát nhựa toàn bộ mặt xuồng bên ngoài để không bị lủng.

1

Ông Hai Mum vớt ve chai để có thêm tiền giúp người nghèo khổ hơn mình - Ảnh: MY LĂNG

Gần ba tháng nay, ông bị thoái hóa cột sống, không còn đi xây cầu từ thiện được nữa, đành quanh quẩn ở nhà. Sức khỏe đã yếu nhưng thấy nhiều người nghèo khổ quá, ông không chịu ngồi không mà ngày ngày vớt ve chai, vớt gỗ trên dòng sông Cổ Cò đặng kiếm thêm tiền giúp đỡ bà con.

"Nhằm lúc nước ròng thì không có gì hết. Lúc nước lớn, chai nhựa, gỗ từ sông lớn mới chảy vô đây. Có ngày cũng được đầy ba thùng xốp. Mỗi thùng xốp được 5-6kg. Thấy đầy đầy lại gọi ve chai mối tới bán. Người ta mua của người khác có 3.000 đồng/kg nhưng mua của tui 5.000 đồng lận vì biết tui bán lấy tiền làm từ thiện. Bữa nào hên có củi thì cứ một thước củi cũng được 130.000 - 200.000 đồng tùy loại. Dồn lại cả tháng bán cũng được mấy trăm" - ông Hai Mum cười khoái chí cho hay.

Trong khoảnh vườn nhỏ nhà ông Hai Mum có mấy bao tải đựng đầy chai nhựa. Ông Hai Mum chỉ vào đống củi được xếp gọn gàng dọc bờ rào, cho hay mấy ngày nữa sẽ mang bán để gom tiền làm cột nhà hoặc mua gạo cho bà con. Nhắc tới chuyện làm cột nhà, ông Hai Mum sực nhớ ra, nhờ chúng tôi chở qua ấp Hưng Lợi (xã Mỹ Lợi B) thăm gia đình ông Phạm Thanh Minh coi xây nhà tới đâu.

"Hồi xưa có biết ổng đâu - ông Minh cho hay - Từ hồi ổng xin tiền cho vợ chồng tui xây nhà mới qua lại biết nhau đó. Nhờ ổng động viên, vợ chồng tui mới dám xây nhà vì hết 40-50 triệu lận. Cô Mười Hai xin đâu được 14 triệu cho, còn ổng xin cho vợ chồng tui được 6 triệu đồng. Rồi bà con, anh em họ hàng mỗi người cho một ít. Nói ngay, đất vườn cũng có 3 công trồng cây tạp. Nhưng mần được bao nhiêu lo cho tui đi chữa bệnh hết trơn". Vợ chồng ông Minh vừa động thổ xây nhà từ giữa tháng 3-2019.

Ông Hai Mum kể: "Tui xuống khảo sát, thấy tôn dột, cột mục muốn sập, tội lắm. Tui về họp cô Mười Hai, cô Nga lại, bàn xin cho vợ chồng ổng làm cái nhà che nắng che mưa. Rồi tui đi xin. Cái miệng tui xin sao hên lắm. Người ta gọi tui là "Hai thèo lẻo" vì ai khổ là tui táo tác đi xin tiền cho người ta". Những nhà hảo tâm của lão nông ấy là anh em bạn bè trong đội xây cầu từ thiện huyện Cái Bè và cả những người nông dân, hộ kinh doanh nhỏ...

Ông Hai Mum (giữa) và vợ chồng ông Minh - người vừa được ông Mum và những người bạn xin được 20 triệu đồng hỗ trợ xây nhà mới - Ảnh: MY LĂNG

Phước đức quý hơn vàng

"Cuộc đời tui cũng long đong, lận đận lắm. 18 tuổi bị bắt đi quân dịch. Năm 1976 về đây làm thuê làm mướn. Chủ thấy thương, cho nền đất này làm cái nhà. Vợ chồng tui có bảy đứa con. Nhiều lúc ngẫm nghĩ tui cũng tự khen mình hay. Nghèo không có ruộng đất mà nuôi được bảy đứa. Đứa nào cũng có công ăn việc làm ổn định hết" - ông Hai Mum dí dỏm nói.

Hồi tưởng những năm tháng cơ cực, bà Hai Mum (tên thật Trần Thị Minh), vợ ông Hai Mum, cho hay: "Tui nhớ hoài con thứ tám học tới lớp 9 không có quần áo mặc, tui phải đi xin người ta từng cái. Cấp III tụi nhỏ ra An Hữu (xã An Hữu, huyện Cái Bè) học một tuần có 30.000 đồng xài, ăn uống...".

Ông Hai Mum trầm ngâm nói: "Có lúc khổ muốn bỏ xứ mà đi. Xã thương, thấy nhà không ruộng nương lại đông con nên cho sổ hộ nghèo để con mình ăn học. Nên giờ tui trả ơn lại chính quyền. Tiền thì tui không có nhiều nên tui hay đi xin cho những người già neo đơn, những người khổ, bệnh hoạn... Mình không có tiền thì có công, có sức, cứ âm thầm làm, giúp được ai thì giúp".

Năm ngoái, ông Hai Mum tổng kết: xin được 500kg gạo cho người nghèo, làm được 13 bộ cột nhà ở xã Tân Hưng, Tân Thanh, An Hữu, Mỹ Lương (Tiền Giang), xã Thanh Mỹ (Đồng Tháp), xin tiền làm tang ma và xây mộ cho một trường hợp...

Không phải gần đây ông Hai Mum mới siêng làm việc thiện. 11 năm trước, ông Hai Mum đi theo nhóm hái lá thuốc nam không công cho phòng khám từ thiện của ông Ba Toàn. Có khi đi đồng bằng, nhằm bữa phải lên tận miệt núi Tô, núi Cấm cách nhà hơn trăm kilômet. Đợt nào không trúng vụ mùa, vụ lúa, đoàn đi gần 20 người, toàn nông dân. Bữa nào không đi lấy lá thuốc thì ở nhà phụ bào thuốc.

Sau sáu năm rưỡi, khi ông Ba Toàn chuyển về xã Tân Hưng thì ông Hai Mum đi theo đội xây cầu từ thiện. Không biết chạy xe, mỗi lần đi ông phải có "tài xế riêng" chở - cũng là thành viên trong đội. Xây cầu cực hơn leo núi. Sáng làm sớm tới 11h nghỉ ăn cơm rồi làm tới 16h30, có khi 17h mới nghỉ. Vậy mà ông Hai Mum siêng đi lắm. Có đợt đi xa qua tận An Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ... Từ giữa năm 2015, thấy còn dư những đụn sắt không dùng, ông Hai Mum xin đội mang về, xin tiền đổ ximăng làm cột nhà tặng cho những người nghèo khổ hơn mình.

"Ở thôn quê cất nhà cây là nhiều. Ở mưa nắng mấy chục năm muốn sập cái nhà mà người ta không có tiền đổ cột chống" - ông Hai Mum nói. Năm 2015, ông tặng hơn 25 bộ cột nhà, mỗi bộ gồm 6 cột bêtông. Giá một cột lúc đó chỉ có 1,3 triệu, giờ lên 1,7 triệu đồng. Công đổ cột thì ông và bạn bè bỏ ra, không lấy tiền. Khoảng ba tháng trước, khi cột sống đau nặng và người thường chở ông đi xây cầu bị tai biến, ông Hai Mum mới chịu ở nhà.

"Tui có cái miệng đi xin hay lắm - ông Hai Mum cười khà khà, rổn rảng nói - Tui nghèo đâu có tiền, toàn đi xin cho người ta thôi. Thấy nhiều hoàn cảnh khổ quá mà không giúp hết được, đau lòng lắm. Mình làm việc thiện để kiếm cái phước, cái đức cho bản thân và con cháu. Cái phước, cái đức quý hơn bạc vàng".

Tấm lòng thiện của ông Hai Mum lan tỏa đến người vợ đã cùng ông đi qua bao gian khó. Mỗi khi con cái cho tiền, bà Hai Mum lại nhín ra 1-2 triệu, nhằm khi có người cần thì giúp. "Vợ chồng tui không có đồng nào tiết kiệm hết trơn. Cứ có bao nhiêu là hùn lại đi cho. Nhưng sống vậy mà khỏe lắm cô ơi" - bà Hai Mum cười an nhiên nói.

Rồi bà hào hứng kể, người dân trong xóm thấy chồng bà hay làm việc thiện cũng hùn tiền để làm cột nhà, mua gạo... tặng người nghèo. Có người cứ tới mùa cắt lúa là gửi 200.000, 500.000 đồng để ông Hai Mum làm việc thiện. Quay sang nhìn vợ, ông Hai Mum gật gù nói: "Tui cũng hên, hai vợ chồng đồng lòng chớ tui làm việc thiện mà bả không cho, cằn nhằn hoài thì cũng khó. Hồi tui chưa đau cột sống, bữa nào thấy tui ở nhà là bả nói: Sao ông không gọi cho mấy ổng hỏi có đi bắc cầu đâu không, thấy ông ở nhà ông buồn hiu à...".

Lo cho người ta hơn lo cho mình

Ông Trần Nhựt Khoa (chủ tịch xã Mỹ Lợi B) nói: "Chúng tôi đánh giá rất cao chú Hai Mum. Hai vợ chồng chú lớn tuổi, con đông. Hằng ngày chú đi vớt lục bình lo sinh sống gia đình. Dù thuộc diện hộ nghèo xã đang quản lý, hoàn cảnh khó khăn nhưng chú Hai vẫn dành thời gian đi làm từ thiện".

Ông Khoa kể trước đây vợ chồng ông Hai Mum còn mua đò đưa đón học sinh sang sông đi học, chỉ lấy một chút ít tiền tượng trưng. "Gia đình chú rất khó khăn nhưng cũng ráng hết sức lo cho các con trưởng thành, giờ kinh tế cũng tạm chứ trước đây khó khăn dữ lắm. Cái nhà cấp 4 hiện giờ là mấy đứa con làm ăn được gom góp gửi về cất cho. Lo cho người ta thôi chứ nhà chú, chú chưa có lo" - ông Khoa nói.

Nguồn tin: Tuổi trẻ Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây