Chùa Thành Lạng Sơn

https://chuathanhlangson.com


"Tiên ông" 30 năm chữa bệnh cho người nghèo dưới chân núi Tản Viên

Đam mê và tận tâm với nghề nghiệp, trong 30 năm qua, ông Phạm Thọ Tầng (SN 1922) phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội vẫn miệt mài khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo bằng tất cả cái tâm, cái đức của người thầy thuốc.
Ông Phạm Thọ Tầng chu đáo hỏi han khi khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: PV

Hành trình 30 năm cứu người

Phòng khám của ông Phạm Thọ Tầng nằm sát trên trục đường chính chạy qua phường Xuân Khanh (đoạn qua thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Với dòng chữ lạ lẫm in trên biển hiệu “Chữa bệnh miễn phí cho người nghèo”, điều này khiến không ít người lướt ngang cảm thấy tò mò. Có người còn cho đó là điều viển vông giữa thời đề cao giá trị vật chất, tôn sùng lối sống kim tiền.

Nhưng ít ai biết rằng, phòng khám này lại được duy trì đều đặn suốt mấy chục năm qua. Bởi cụ ông 97 tuổi vẫn ngày ngày miệt mài chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở các tỉnh xa về. Trong căn phòng khám bệnh khá khang trang, ông Tầng chu đáo hỏi han, bắt mạch cho bệnh nhân đến khám. Ông tỉ mẩn kê đơn với những loại thuốc được đựng trong chiếc tủ gỗ có đề tên cẩn thận. Bất kể thời tiết lạnh giá hay nắng nóng, phòng khám của ông Tầng vẫn mở cửa đón tiếp.

Chia sẻ về những kỷ niệm trong hành trình 30 cứu người với Báo Lao Động, ông Tầng cho biết, con số người bệnh được ông chữa trị đến giờ không thể nào đếm xuể. Chữa bệnh cứu người không phải công việc làm giàu mà nó xuất phát từ lòng yêu nghề đã ăn sâu vào mạch máu của ông. Kỷ niệm khiến ông không thể nào quên đó là trường hợp đứa bé Huỳnh Văn Tưởng quê ở An Giang đã viết tâm thư cầu cứu.

Từng nét chữ ngây thơ của cậu bé Tưởng đã tác động rất mạnh đến tâm trí của ông. Không gì đau xót hơn khi một đứa trẻ 14 - 15 tuổi bị bệnh tật giày vò thân xác đến kiệt quệ phải nghỉ học giữa chừng. Cảm thông trước hoàn cảnh đó, tháng nào ông Tầng cũng đều đặn gửi thuốc từ Bắc vào cho gia đình em. Nhiều đêm chong đèn nghiên cứu, lương y họ Phạm đã bỏ bao công sức điều trị liên tục trong 6 - 7 tháng, em Tưởng giờ đã có thể đi học bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. Những dòng chữ cảm ơn nắn nót trên trang giấy trắng, gửi ra từ vùng đất kênh rạch An Giang tuy bình dị nhưng khiến ông rất xúc động và lưu giữ mãi cho đến tận bây giờ.

“Người nghèo, tàn tật bị bệnh dạ dày và đại tràng ở xa không có điều kiện đến chỗ tôi, chỉ cần gửi kết quả khám bệnh ở bệnh viện và giấy chứng nhận hộ nghèo của chính quyền xã, tôi sẽ gửi thuốc miễn phí đến tận nhà. Tôi chỉ mong họ nhanh khỏi bệnh, có sức khỏe tiếp tục lao động, sản xuất” - ông Tầng tâm sự.

“Bệnh nhân đau cũng như ta đau”

Những bài thuốc bào chế từ những cây dược liệu thiên nhiên được ông Tầng tự tay trồng trong vườn nhà. Có những loại khan hiếm đắt đỏ, ông phải lặn lội ròng rã hàng tháng trời tìm kiếm. Sau đó tận dụng những tờ báo không sử dụng, gói ghém cẩn thận rồi chuyển về cho những bệnh nhân ở xa. “Bởi với tôi khi bệnh nhân đau cũng như ta đau, nên nếu giúp được gì thì tôi sẽ giúp hết mình" - ông Tầng nói.

Những năm qua đã có hàng trăm, hàng nghìn những tờ đơn được ông lưu giữ. Những tờ giấy xác nhận hộ nghèo đều được chính quyền địa phương viết tay và có dấu đỏ. Qua những tấm giấy ấy, ông Tầng mong muốn công sức bé nhỏ của mình có thể giúp đỡ đúng người, đúng bệnh, giúp đỡ họ vượt qua nỗi đau tai ương, bệnh tật. Rồi có người sau này thành đạt, giàu có cũng không quên ơn, họ lại trở về cùng ông ủng hộ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khốn cùng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, chị Nguyễn Thị Mùi (SN 1979) quê ở xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội xúc động nói: “Chúng tôi mang ơn ông nhiều lắm. Nhiều người bệnh nghèo từ quê ra, ông đã tận tâm chữa khỏi không lấy một đồng nào tiền thuốc. Khi về quê, mỗi tháng ông còn gửi và trả cước phí vận tải thuốc đến tận nhà. Chúng tôi luôn xem ông như ông tiên giữa đời thường vậy".

“Tôi ở xa xuống, gia cảnh khó khăn, ông Tầng giúp đỡ tôi rất nhiều. Ông cấp phát thuốc miễn phí. Điều trị ở đây được 2 tháng, tôi thấy bệnh thuyên giảm nhiều. Nếu không có lương y, thì tôi không biết sống sao với mầm bệnh trong người. Tôi chẳng biết lấy gì đền đáp tấm lòng của cụ” - chị Mùi bày tỏ.

Cứ như vậy, suốt mấy chục năm qua, vị “tiên ông” râu tóc bạc phơ vẫn đi lấy thuốc hay đón bệnh nhân ở các tỉnh xa về. Với ông, đó là tâm huyết và niềm đam mê. Ngoài phòng khám nhỏ, ông còn dành khu đất rộng 5.000m2 của gia đình để trồng các loại cây thuốc Nam và xây dựng khu nhà trọ miễn phí cho bệnh nhân.

“Ông tiên" dưới chân núi Tản

Dãy nhà cấp 4 đã xây dựng được 5 năm, dành cho những bệnh nhân nghèo phải điều trị dài ngày. Số tiền xây nhà được ông sử dụng tiền lương hưu, tiền do con cháu ủng hộ và tiền ủng hộ của những bệnh nhân đã được ông chữa khỏi bệnh. Không chỉ dừng lại ở việc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, ông Tầng còn đi đầu làm việc thiện và có nhiều đóng góp cho hoạt động khuyến học của địa phương. Chính ông là người đầu tiên đặt nền móng cho Hội Khuyến học của phường.

Thời điểm lập hội, quỹ khuyến học hàng năm của phường và tổ dân phố chủ yếu do một tay ông gây dựng. Thuở ấy, mặc dù cuộc sống kinh tế eo hẹp, song ông Tầng vẫn cố gắng dành dụm tiền từ lương hưu và tiền bán hàng tạp hóa để mua gạo trợ cấp thường xuyên cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn.

Cho tới tận bây giờ, đại gia đình ông vẫn đi đầu trong việc đóng góp cho quỹ khuyến học. Mỗi khi phường tổ chức trao thưởng cho học sinh nghèo vượt khó, ông lại tặng quà riêng cho các cháu. Hằng năm, đến dịp 27.7 và Tết Nguyên đán, ông Tầng đều hỗ trợ và có các phần quà đến các gia đình chính sách. Cảm phục cái tâm của ông Tầng dành cho những người bệnh kém may mắn, người dân đã không ngại ngần khi gọi cụ với cái tên “Ông tiên".

Đằng sau sự “đam mê” như ông Tầng nói thì điều mà cụ cảm thấy hạnh phúc nhất chính là những tình cảm trân quý mà người dân nhiều năm qua dành cho mình. Tình cảm mộc mạc mà chân thành ấy chính lại là động lực để vị lương y này tin tưởng, cố gắng hơn cho công việc mình đang làm. Đôi khi vài lời hỏi thăm ân cần thôi cũng đủ ấm lòng để ông tiếp tục duy trì với những hành động cao đẹp đó.

Gần 30 năm mở phòng khám tại nhà, chữa bệnh cho vô số bệnh nhân nghèo khắp cả nước, đối với ông Phạm Thọ Tầng, giờ đây thầy thuốc không đơn giản là cái nghề, đó còn là công việc cứu người, giảm nỗi đau cho người bệnh và gánh nặng của toàn xã hội.

Vinh quang nhất của người thầy thuốc đó là sự tận tâm chữa cho người bệnh, tự tay làm ra thuốc, giúp đỡ được nhiều người thoát khỏi cảnh khốn cùng. Phải chăng, đó là hạnh phúc lớn nhất của một người thầy thuốc? Với những đóng góp, những giá trị sâu sắc mà vị lương y ấy âm thầm tận hiến cho cuộc đời trong hàng chục năm qua đã được nhân dân và các cấp ghi nhận. Nhiều năm liền, ông Phạm Thọ Tầng được công nhận danh hiệu là người “thầy thuốc của nhân dân”, công dân ưu tú của thủ đô. Có thể, tuổi trái tim không chỉ được đo bằng tóc bạc, bằng sự phai màu của tháng năm, hơn hết tuổi trái tim còn được đo bằng lòng nhân ái, bởi những ngọn lửa yêu thương cao cả giữa đời thường này.

Nguồn tin: Nguoilaodong

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây