Đại lễ cung nghinh và an vị Ngọc Xá Lợi Phật từ Ấn Độ về chùa Bái Đính - Ninh Bình, Việt Nam

Thứ bảy - 27/02/2010 08:25
Theo như thông tin từ Trung Tâm Sách kỷ Lục Việt Nam cho biết : Ngày 3/3/2010, nhằm ngày 18 tháng Giêng năm Canh Dần, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức cử hành Đại lễ cung nghinh và an vị ngọc xá lợi Phật từ Ấn Độ về chùa Bái Đính, Ninh Bình, Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên, Giáo hội Phật giáo Việt Namthuê chuyên cơ để cung nghinh ngọc xá lợi từ Ấn Độ về Việt Nam. Sự kiện này có ý nghĩa tâm linh đặc biệt đối với Tăng Ni, Phật tử trong cả nước. Vì xá lợi Phật là một pháp bảo nhiệm màu, có công năng diệu dụng trong quá trình tu tập của đạo Phật.

Ngọc xá lợi là phần kim thân còn lại của Đức Phật Thích Ca sau lễ trà tỳ (hỏa táng). Ngọc xá lợi Phật được phân thành 8 phần chia cho 8 nước cúng dường và thờ phụng. Phật lịch 218, đại đế Asoka đã tạo lập 84 nghìn ngôi Bảo tháp trên khắp các xứ ở Ấn Độ để tôn thờ xá lợi Đức Phật và được truyền cho đến tận ngày nay.

Chín viên ngọc xá lợi Phật được cung nghinh trong Đại lễ lần này được Ngài Chủ tịch Hội Phật giáo Thế giới tại Ấn Độ trao tặng đến Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhân chuyến viếng thăm chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ hồi cuối tháng 9 đầu tháng 10/2009. Phó Chủ tịch nước đã giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Namtổ chức lễ tiếp nhận và cung nghinh ngọc xá lợi Phật về tôn thờ tại Bảo tháp chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.

Vào 1g20’ sáng (giờ Việt Nam), chuyên cơ Airbus 320 mang số hiệu VN980 sẽ cất cánh từ sân bay Nội Bài, Hà Nội, chuyên chở đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam sang Ấn Độ để bắt đầu Đại lễ cung nghinh.

Dự kiến, chuyên cơ sẽ hạ cánh xuống sân bay Gaya (Ấn Độ) lúc 3g30’ sáng. Đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 147 Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức và Tăng Ni, Phật tử đến từ khắp ba miền đất nước Việt Nam sẽ tiến hành làm lễ rước tại Ấn Độ và lên chuyên cơ về đến Việt Nam lúc 15g chiều cùng ngày.

Từ sân bay Nội Bài, ngọc xá lợi Phật được chuyên chở trên 5 chiếc xe Hammer H3 và Cadillac đặc dụng cùng với sự tháp tùng của hàng trăm xe ô tô từ 4 - 45 chỗ tham dự lễ rước sẽ thẳng tiến về chùa Bái Đính, Ninh Bình. Lễ an vị ngọc xá lợi Phật chính thức bắt đầu lúc 19g cùng ngày.

Đây là lần thứ hai Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tổ chức Đại lễ cung nghinh ngọc xá lợi Phật trên quy mô lớn và cũng là lần đầu tiên đón xá lợi Phật từ nước ngoài về. Trước đó, vào ngày 6/6/2009, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã cử hành Đại lễ cung nghinh ngọc xá lợi Phật, rước mười viên ngọc xá lợi Phật và sáu viên ngọc xá lợi Thánh Tăng từ tổ đình Giác Quang (TP. HCM) về tôn thờ tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) và chùa Bái Đính (Ninh Bình). Đại lễ đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập là “Đại lễ cung nghinh ngọc xá lợi Phật lớn nhất Việt Nam” với sự tham dự của hơn 15.000 người và trên 1.000 xe dự lễ rước.

Bái Đính, nơi xây dựng ngôi chùa có phước duyên an vị ngọc xá lợi Phật trong cả hai Đại lễ cung nghinh do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, là miền đất Phật đã có tự lâu đời.

Trên núi Bái Đính, có một ngôi cổ tự rất đỗi linh thiêng trong tâm thức dân gian, gắn liền với nhiều huyền thoại về cuộc đời của vị danh sư sáng lập: Lý triều Quốc sư Nguyễn Minh Không. Chùa Bái Đính cổ ra đời vào triều Lý, sau khi Đức Thánh Nguyễn về đây tìm cây thuốc quý chữa bệnh cho vua và tình cờ phát hiện ra vùng đất thiêng.

Trải bao mưa gió, thăng trầm lịch sử gần ngàn năm, ngôi chùa Bái Đính cổ theo kiến trúc chùa động độc đáo, từng một thời nức tiếng là “Minh Đỉnh danh lam” này luôn được người dân địa phương gìn giữ, hương khói. Ngôi chùa hiện đã được tôn tạo, trùng tu khá khang trang với các hạng mục: động thờ Phật, động thờ Mẫu, điện thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không, điện thờ Đức Thánh Cao Sơn.

Tiếp nối truyền thống tâm linh của chùa Bái Đính cổ, trong cùng một không gian văn hóa tâm linh, một ngôi chùa mới đã được xây dựng vào đầu thế kỷ XXI, với quy mô hoành tráng, bề thế, mang tầm vóc công trình kiến trúc Phật giáo lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Với diện tích tổng thể rộng khoảng 700ha, công trình bao gồm hơn 20 hạng mục, trong đó có sáu hạng mục chính là: Tam quan, Hành lang La hán, Tháp chuông, Điện thờ Quan Thế Âm Bồ tát, Điện thờ Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni Phật và Điện thờ Tam thế Phật.

Mặc dù đang trong quá trình xây dựng, chùa Bái Đính mới đã nức tiếng xa gần với những hạng mục, con số ấn tượng: Điện thờ Tam thế Phật rộng 2.500m2, cao 35m; ba pho tượng Tam thế bằng đồng dát vàng, mỗi pho nặng 50 tấn; Điện thờ Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni Phật rộng 2.400m2, cao 33m; tượng Phật Thích Ca bằng đồng nặng 100 tấn; Điện thờ Quan Thế Âm Bồ tát rộng 1.500m2; tượng Thiên thủ thiên nhãn bằng đồng dát vàng nặng 90 tấn; Gác chuông rộng 1.000m2, cao 27m; Đại hồng chung nặng 36 tấn; Tam quan rộng 1.000m2, cao 25m; Hành lang La hán gồm 500 gian, đặt thờ 500 tượng La hán…

Chùa Bái Đính mới cũng là ngôi chùa hiện đang sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam. Dự kiến, sau khi hoàn thành, cùng với chùa Bái Đính cổ, các công trình mới của chùa Bái Đính sẽ hình thành một trung tâm văn hóa tâm linh Phật giáo lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Nguồn tin: Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây