Kể từ ngày Huyền Trân Công chúa cất bước theo chồng về phương nam, mang về cho đất nước một dải đất thân thương này thì lịch sử của nó luôn sống động trong dòng chảy bất tận của người Việt. Nơi đây còn lưu lại di tích Am Tri Kiến kỷ niệm chuyến du hành hoằng hóa về phương nam của Phật hoàng Trần Nhân Tông sau khi Ngài từ bỏ mọi vinh quang phù phiếm của cuộc đời, khoác lên người chiếc áo nâu sồng của bậc xuất trần thượng sĩ. Và cùng trong chuyến đi này Ngài đã vun đắp nên mối tình Việt Chăm còn nồng nàn trong sử sách.
Với thân phận nhọc nhằn của khúc ruột miền trung quanh năm bão lũ, rồi chiến tranh ly loạn triền miên làm cho Phật giáo gần như mất bóng trên quê hương này.
Mãi đến năm 2009, như một sự thù thắng của phép màu chư Phật, Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp đã về đây hoạt động Phật sự và gầy dựng nên Ban trị sự đầu tiên với 22 nhân sự (gồm một Tăng và 21 Cư sĩ).
Giữa muôn vàn khó khăn và bộn bề công việc, Hòa thượng cùng Phật tử địa phương từng bước góp gió muôn phương gầy dựng Phật đồ, đến nay đã có những thành tựu đáng khích lệ. Đó là tổ chức lễ rót đồng đúc Đại hồng chung và tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành tựu viên mãn, đặc biệt nhờ sự giúp đỡ tận tình của các cấp chính quyền tại địa phương, Phật giáo Quảng Bình đã tiến hành đặt đá xây dựng chùa Đại Giác, trụ sở Phật giáo Quảng Bình trên vùng đất rộng gần 8000m2 nằm ngay trung tâm thành phố mới.
Niềm khích lệ to lớn là trong cả hai sự kiện quan trọng đó, Phật giáo tỉnh nhà đều vinh dự đón nhận được những bức thư khích lệ đầy tâm tình của Đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang, người con ưu tú của Quảng Bình.
Và rồi hôm nay, ngày 18 tháng giêng năm nhâm thìn, không khí Tết vẫn còn phảng phất đâu đây trên cành cây ngọn cỏ, Ban trị sự Phật giáo Quảng Bình tổ chức Pháp hội Dược sư và thắp nến cầu nguyện quốc thái dân an, chẩn tế âm linh, chẩn bần cứu tế...
Về dự pháp hội có những người Phật tử ở tận các huyện xa xôi, trên chiếc áo tràng của họ còn vướng bụi đường nhưng nét mặt vẫn rạng ngời hạnh phúc.
Trải qua gần một năm san lắp và xây dựng không ngừng đến nay chùa Đại Giác vẫn chỉ là ngôi chánh điện tạm với tranh vách lá đơn sơ. Nhưng tấm lòng mộ đạo của những người con Phật ở nơi đây thì không bút mực nào tả xiết.
Một Bà lão đi ngang qua cổng chùa dừng lại chấp tay đứng ngắm mãi không thôi. Bà nói có chùa thì hạnh phúc lắm, nhưng mà lớn tuổi rồi chắc không có cơ hội được nhìn ngôi chùa hoàn thiện. Thật cảm động cho tấm lòng của Bà!
Pháp hội Dược sư diễn ra trong 3 ngày nhưng hình như quá ngắn ở nơi đây. Đặc biệt trong lễ thắp nến cầu nguyện mọi người như rạng rỡ trong ánh nến lung linh. Giây phút truyền đăng thật thiêng liêng, mọi người như lắng động tâm tư, cả quá khứ và tương lai như ngưng động trong giây phút này.
Lời đạo từ của Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp như theo chân mãi chúng tôi khi ra về: “Đây là pháp hội Dược sư và lễ thắp nến cầu nguyện đầu tiên trên quê hương Quảng Bình này. Hạnh phúc vì đã tổ chức được một Phật sự quan trọng và hết sức có ý nghĩa cho Phật tử, hạnh phúc vì công sức gầy dựng Phật giáo ở Quảng Bình đến thời điểm này đã có những thành tựu cụ thể, hạnh phúc vì tấm lòng của người con Phật nơi đây vẫn ngàn đời bất biến giữa bao biến động của trần gian...”
Được biết trước đó, vào ngày 10/01/2012 Ban trị sự Phật giáo Quảng Bình đã có công văn thỉnh nguyện chư vị Tăng Ni trẻ trong cả nước về Quảng Bình tham gia Phật sự.
Hy vọng với tấm lòng của Hòa thượng Trưởng ban và sự phụ tá tận tụy của Chưvị Tăng Ni trẻ, trong tương lai Phật giáo Quảng Bình ngày càng phát triển hơn nữa. Rất hy vọng như thế.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự