Hải Dương: Khai hội chùa Côn Sơn

Thứ ba - 07/02/2012 18:54
Sáng nay, 07/2/2012 - nhằm ngày 16 tháng Giêng năm Nhâm Thìn, Tại khu di tích Côn Sơn, Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Hải Dương kết hợp UBND, Sở VHTT Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 758 năm ngày Đản sinh, 678 năm ngày thị tịch của Đệ Tam Thánh Tổ Trúc Lâm - Huyền Quang tôn giả và lễ Khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2012.

Đại diện Bộ Văn Hoá, lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương cùng đông đảo Tăng Ni Phật tử và du khách đã về dự hội.

Trước giờ khai hội chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Ông Nguyễn Khắc Minh – trưởng Ban quản lý khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc. Ông Minh cho biết, đã thành truyền thống, ngay từ ngày mùng 1 tết Nhâm Thìn, hàng ngàn du khách thập phương đã về dâng hương tưởng niệm Đệ Tam thánh Tổ và tham quan khu di tích.

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2012 được UBND tỉnh Hải Dương, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức với nhiều nội dung về phần lễ và phần hội. Đồng thời phối hợp với BTS tỉnh hội Phật giáo Hải Dương tiếp tục tìm hiểu sưu tầm, khôi phục, dàn dựng theo hướng chuẩn mực các nghi lễ như: Lễ rước nước, Lễ mộc dục, lễ Mông Sơn thí thực và lễ tế trời đất cầu Quốc thái dân an trên núi Ngũ Nhạc. Các nghi thức lễ này do BTS PG Hải Dương đảm trách. Lễ hội được tổ chức chính thức từ ngày 16 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch

Trong buổi lễ sáng nay, sau phần Khai mạc lễ hội của Ban tổ chức, Thượng toạ Thích Thanh Vân - Trưởng Ban trị sự Tỉnh hội – Phó Ban tổ chức lễ hội đã thành kính cung tuyên tiểu sử hành trạng Đệ Tam thánh Tổ Huyền Quang Tôn Giả.

Tiếp theo thời Lý, thời Trần, Phật Giáo Việt Namrất thịnh hành. Trần Nhân Tông, vị vua từng lãnh đạo thắng lợi 2 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Ngài đã dành 8 năm cuối đời nghiên cứu Đạo Phật. Với tinh thần độc lập tự chủ, muốn có một tôn giáo mang màu sắc dân tộc, Ngài đã cùng các đệ tử sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một thiền phái có tư tưởng và hành đông tích cực - Đạo Phật nhập thế.

Ra đời trong một thời gian ngắn, Thiền phái trúc lâm Yên Tử đã phát triển và ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội đương thời. Đặc biệt, ý thức tự lực, tự cường dân tộc đã được hậu thế ngày nay đánh giá rất cao - một di sản quý giá cần được trân trọng và gìn giữ.

Côn Sơn – vùng đất thiêng – Thánh tích, cùng với Yên Tử, ngay từ thời Trần đã là một Trung tâm Thiền phái Trúc Lâm hưng thịnh, nơi danh lam và di dưỡng tinh thần của nhiều danh nhân trí sỹ, tiêu biểu là Đệ Tam thánh tổ trúc lâm Thiền Phái - Huyền Quang Tôn Giả.

Huyền Quang Tôn giả họ Lý tên Đạo Tái thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt. Ngài sinh năm Giáp dần – năm Nguyên Phong thứ 4 (1254). Nguyên quán làng Vạn Ty nay thuộc xã Vạn Ninh, Gia Bình, Bắc Ninh. Là người thông minh xuất chúng, thi đỗ và làm quan tại viện Hàn Lâm. Song cũng như vua Trần Nhân Tông, ngài sớm chán ngán cảnh quan trường, tìm đến Phật giáo, chuyên tâm học đạo và biên soạn kinh sách.

Tôn giả từng trụ trì chùa Siêu Loại (Bắc Ninh), chùa Thanh Mai (Chí Linh) chùa Hoa Yên (Yên Tử). Ngài cùng đệ nhất Tổ và đệ nhị Tổ đi đến mọi miền đất nước để giảng kinh thuyết pháp và trở thành vị Tổ thứ 3 của Thiền Phái trúc lâm.

Những năm tháng cuối đời, Ngài đã về trụ trì chùa Côn Sơn khai tràng thuyết pháp, tạo dựng già lam, lập toà cửu phẩm liên hoa, xây dựng và phát triển Côn Sơn trở thành Đại tùng lâm Kỳ Lân viện, đương thời Côn Sơn sánh vai Vĩnh Nghiêm, Yên Tử, Quỳnh Lâm. Sau khi công viên quả mãn, ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất 1334, Ngài đã an nhiên thị tịch tại Côn Sơn Thánh Tích.  Trụ thế 80 tuổi.

Không chỉ là người tài năng xuất chúng, Tôn Giả còn là điển hình của đức độ, lòng vị tha và đức kham nhẫn....

Với công lao to lớn của Ngài, Trần Minh Tông đã cho 10 lạng vàng xây tháp cúng dàng ở phía tả sau chùa Côn Sơn và phong thuỵ Trúc Lâm thiền sư đệ Tam đại, đặc phong Tam giáo trạng nguyên, Tự pháp Huyền Quang tôn giả. Ngày Tổ Viên tịch từ đó trở thành dịp lễ hội mùa xuân chùa Côn Sơn.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây