Nghi thức cầu an của mỗi chùa cũng rất thiêng liêng, trang nghiêm và đầy đủ ý nghĩa. Người Phật tử đến dự lễ theo sự hướng dẫn của quý Thầy, quý Sư cô, tuần tự lễ Phật, nghe tuyên sớ và tụng kinh Dược Sư hoặc Phổ Môn cầu an cho mình, cho người thân trong gia đình.
Cảnh chùa Huế Rằm tháng Giêng đông vui, nhưng không hương khói mịt mù như ở những nơi khác. Trên Tam bảo, ở mỗi bàn thờ chỉ có 1 cây hương do các chùa chủ động. Phật tử không tự thắp hương lên bàn thờ và cũng không tự đặt lễ. Mỗi chùa đều có người “nhang đăng”, lo hương đèn, lễ phẩm trên các bàn thờ.
Thường là vào khoảng từ mùng 8 Tết, các chùa đồng loạt khai kinh và tụng kinh. Có chùa thì tụng Thủy sám, có chùa thì tụng Lương Hoàng sám hoặc kinh Pháp Hoa nhưng thông dụng nhất vẫn là kinh Dược Sư...
Sau mỗi thời kinh, quý Thầy đọc sớ cầu an cho Phật tử và bổn đạo theo tuần tự mà họ đã ghi danh đăng ký trước đó. Có chùa có số lượng bà con Phật tử tập trung đông đến hàng trăm gia đình về xin dâng sớ cầu an. Tuy nhiên, mỗi người ai nấy tự trang nghiêm bản thân, tìm cho mình một chỗ quỳ trong chánh điện, đối trước Tam bảo một lòng hướng Phật, tuần tự nghe Thầy tuyên sớ cho từng gia đình, từng người, đến sớ của gia đình người nào thì người đó mới tiến đến trước chánh điện quỳ đội sớ.
Cầu an đầu năm ở Huế do đó là một nét sinh hoạt tâm linh của người Phật tử, rất dung dị nhẹ nhàng tạo cho Phật tử có thêm động lực và niềm tin vững chắc vào Tam bảo, củng cố thêm sự an tâm nhờ vào sự gia hộ độ trì của thập phương chư Phật...
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự