Buổi lễ có sự tham dư của đông đảo chư tôn đức Tăng Ni các thiền viện, tự viện trong Tông môn Trúc Lâm toàn miền Bắc cùng hơn 3.000 Phật tử các đạo tràng tu học.
Tại buổi lễ, TT.Thích Tuệ Phúc, phó trụ trì thiền viện Trúc Lâm Yên Tử đã cung tuyên tiểu sử và công hạnh của Tổ sư để chư Tăng Ni, Phật tử biết rõ công hạnh và những đóng góp của ngài đối với Thiền phái Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam.
Theo đó, thiền sư Pháp Loa là một con người tích cực hoạt động, suốt đời tận tụy phục vụ đạo pháp cho đến hơi thở cuối cùng. Điều đặc biệt quan tâm của Tổ là ấn hành Đại Tạng kinh, do đó đã đề xuất, tiến hành và in xong bộ Đại Tạng kinh Việt Nam. Ngoài ra, Tổ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thống nhất Phật giáo, thiết lập một Giáo hội Phật giáo thống nhất đầu tiên của Việt Nam, và Tổ là người thứ nhất đứng ra thiết lập sổ bộ Tăng, Ni và tự viện trên khắp cả nước.
Cuộc đời của Tổ là tấm gương sáng về tinh thần năng động, tích cực, từ lúc xuất gia cho đến ngày viên tịch. Trong vòng 22 năm hoạt động không ngừng, Tổ đã mở 13 giới đàn, tiếp độ khá đông các hàng vương thân quốc thích và khoảng 15.000 Tăng, Ni. Những đệ tử đắc pháp hơn 3.000 người.
Không những Tổ đặc biệt quan tâm đến việc trao truyền giới pháp mà còn rất chú ý đến việc diễn giảng các bộ kinh luật quan trọng để các đệ tử hiểu rõ đường lối tu hành.
Ngài đã mở được 18 khóa giảng. Mỗi khóa giảng, thính chúng đến nghe hàng nghìn người. Khóa nào ít nhất cũng trên năm, sáu trăm người. Tổ đặc biệt chú ý giảng kinh Hoa Nghiêm, ngoài ra còn giảng kinh Viên Giác, Duy-ma-cật và các bộ Truyền Đăng Lục, Đại Tuệ Ngữ Lục, Tuyết Đậu Ngữ Lục, Thiền lâm Thiết Chủy Ngữ Lục và Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục.
Về bên tháp Tổ ở Hải Dương (chùa Thanh Mai)
Vừa diễn giảng, vừa ghi chép các tư liệu đã tham khảo rồi biên tập thành sách. Những tác phẩm của ngài, ngày nay phần lớn đều mất cả, chỉ còn một ít tư liệu rời rạc được tập họp lại thành sách Thiền Đạo Yếu Học, mà chúng ta còn giữ được. Ngài còn đứng ra chủ xướng in Đại Tạng kinh, một công trình văn hóa nổi bật dưới đời Trần. Công việc này, Tổ ủy thác cho Bảo Sát - đệ tử đầu của Trúc Lâm - đứng ra thực hiện
Đồng thời Tổ cũng quan tâm đến việc củng cố niềm tin tôn giáo cho giới Phật tử phổ thông bằng cách tạc hình, đúc tượng các vị Phật và Bồ-tát, tôn trí tại các ngôi già lam để cho tín đồ tiện việc chiêm ngưỡng và lễ bái.
Để tạo điều kiện cho Tăng, Ni và Phật tử có nơi thuận tiện tu học và lễ bái, Tổ đứng ra khai sơn các cảnh chùa, kiến tạo Tăng xá và xây dựng các ngôi Bảo tháp. Về công trình kiến thiết, ngài đã khai sơn hai cảnh chùa lớn, xây năm ngôi tháp và kiến tạo hơn 200 Tăng xá.
Tam Tổ Thực Lục kể rằng ngài thường lễ Phật, trì chú, ngày đêm không lúc nào thiếu sót, và chí thành phát lời thệ nguyện: "Chư Phật và chư Bồ-tát có những hạnh nguyện gì, con đều tha thiết học hỏi và làm theo. Dù chúng sinh có khen ngợi hay khinh chê, dù bố thí hay xâm đoạt, thì khi gặp mặt hay nghe tên đều xin cứu độ cho tất cả được lên bờ giác".
Ngài viên tịch giờ Tý, ngày 4-3-Canh Ngọ (1330), trụ thế 47 năm, 23 tuổi đạo. Thượng hoàng Minh Tông ngự bút đặc phong Tổ hiệu Tịnh Trí Tôn Giả và đặt tên tháp là Viên Thông.
Trong cuộc đời hành đạo của mình, Tổ đã chinh phục được lòng tin và sự cảm phục của mọi người, từ giới thượng lưu trí thức đến các tầng lớp nhân dân, từ giới Tăng, Ni đến quần chúng Phật tử, ai ai cũng yêu thương kính mến. Khả năng của ngài thật đa dạng, vừa giữ vai trò của một giới sư thanh tịnh, vừa là một kinh sư đạo mạo, một giảng sư điêu luyện, một nhà trước thuật nghiêm túc, một hành giả tinh chuyên, một bậc giáo phẩm uy nghi, và một nhà hoạt động xã hội tích cực.
Chư tôn thiền đức, Phật tử nhiễu quanh tháp Tổ Pháp Loa ở Hải Dương
Tại lễ giỗ chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử đã thành kính trang nghiêm hướng về Tổ sư dâng lời phát nguyện tinh tấn tu hành, học theo công hạnh của ngài.
Ngay sau đó, chư tôn đức đã về lại chùa Thanh Mai (Chí Linh, Hải Dương) đảnh lễ Tổ sư tại Viên Minh tháp, đại chúng đã cùng nhiễu tháp, tọa thiền cúng dường Tổ sư.
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự