Cô giáo giúp học sinh vùng khó tự tin đạt giải cấp tỉnh

Chủ nhật - 14/05/2023 14:08
Niềm đam mê dạy học giúp cô Hà Phương quên đi những khó khăn, dành nhiều tâm huyết cho học sinh vùng khó, bồi dưỡng kiến thức cho các em.
Giờ học thực hành của cô trò Trường TH&THCS Tô Múa.
Giờ học thực hành của cô trò Trường TH&THCS Tô Múa.

Chọn vùng cao làm nơi công tác
Hai mươi năm qua, cô giáo Lê Thị Hà Phương, giáo viên dạy môn Sinh học và Hóa học đã gắn bó với Trường TH&THCS Tô Múa (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), ngôi trường nằm ở lưng chừng đồi, xung quanh vắng vẻ, chỉ lưa thưa một vài nhà dân và thiếu cơ sở vật chất dạy học.

Cô Phương cho biết, ngay từ khi còn học phổ thông, cô đã mơ ước trở thành cô giáo. Để đạt được ước mơ đó, cô đã thi và đỗ vào trường Cao đẳng sư phạm Tây Bắc (nay là trường Đại học Tây Bắc) tỉnh Sơn La. Học tại trường, cô luôn chăm chỉ học tập để có kiến thức, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ để có phương pháp giảng dạy tốt.

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng với kết quả cao, cô có thể chọn công tác tại một trường gần trung tâm huyện. Tuy nhiên, cô lại trình bày nguyện vọng và được tổ chức phân công công tác về trường THCS Tô Múa đến nay, ngôi trường cách trung tâm huyện Mộc Châu 40km.

"Khi nhận được quyết định phân công công tác, có biết bao người dị nghị, bàn tán, họ bảo, sướng không muốn lại đi chuốc vạ vào thân. Rồi gia đình, bạn bè ngăn cản cho rằng về đó tương lai sẽ mù mịt, sẽ trở thành người bản xứ. Lúc đó tôi chỉ cười và bảo bản nào cũng là quê cả, tôi sẽ lấy trường học làm quê hương thứ hai của mình” - cô Phương tâm sự.

Lúc đó, cô Phương chưa hình dung được con đường đến trường như thế nào. Chỉ nghe mọi người kể lại đường đến xã Tô Múa phải đi qua con dốc ba tầng, rất quanh co và nguy hiểm, và ở tại nơi đó chưa có điện, chưa có nước sạch. Nhưng niềm ước mơ làm cô giáo ngày nào khiến cô quên đi những khó khăn và hài lòng với sự lựa chọn của mình.

Ngày đầu đến trường, suốt con dốc ba tầng là mây mù quánh đặc không thấy rõ đường đi. Bước vào trường, cô mới thấy được sự vất vả của những đồng nghiệp đi trước và con đường của mình sẽ đi tiếp theo. Trường học nằm ở lưng chừng đồi, xung quanh vắng vẻ, chỉ lưa thưa một vài nhà dân, đường vào trường là đường đất, cỏ hai bên mọc um tùm chỉ có con đường mòn đi lại.

Cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu, có mấy phòng học tạm được thưng bằng những thanh nứa chẻ nhỏ, bàn ghế được ghép bằng những tấm gỗ tận thu, vậy mà cũng chưa đủ lớp học, không có phòng chức năng, một số lớp còn phải học nhờ cơ sở vật chất của trường Tiểu học cách đó gần 1km.

Trường không có nhà ở dành cho giáo viên, để tạo điều kiện thuận lợi cho một số giáo viên nữ chưa có chỗ ở nhà trường đã ngăn một phần của phòng hội đồng cho cô và hai cô giáo khác.

Những ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa rét, thầy cô đến trường đều phải đi ủng để vượt qua con đường sình lầy, có những cô giáo đến trường còn bị ngã bùn đất lấm lem. Đêm ở xã Tô Múa trời lạnh đặc như băng, nhìn ra ngoài không một ánh đèn, có lúc cô cũng thấy xao động, hoài nghi về ước mơ mình đã lựa chọn.

Cô Phương và học trò.
Cô Phương và học trò.

Tiếp thêm sức mạnh
Cô Phương tâm sự, trước đây, cô cũng như các đồng nghiệp cùng trường luôn có tâm lý e ngại mình dạy ở vùng 3 - vùng đặc biệt khó khăn, có đến hơn 80% học sinh là người dân tộc thiểu số. Học sinh dân tộc với nhiều khó khăn học tập đã khó thì làm sao có thể ôn được học sinh giỏi để đi thi cấp huyện cùng với các em học sinh các trường ở trung tâm thị trấn.

Nhưng điều này đã thay đổi khi một cô giáo từ trường vùng 1 được biệt phái đến giảng dạy tại nhà trường. Cô đã mang những kinh nghiệm để truyền lại cho những giáo viên vùng 3 một tư tưởng mới. Cô đã chứng minh rằng hoàn toàn có thể lựa chọn học sinh dân tộc, học sinh vùng khó để ôn luyện và đi thi học sinh giỏi.

Từ đó, cô Phương và các cô giáo trong trường Tô Múa đã mạnh dạn làm theo. Nhiều năm liền, cô Phương được nhà trường giao nhiệm vụ ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi và đạt nhiều giải cấp huyện, cấp tỉnh.

Năm học 2020-2021, dù dịch diễn biến phức tạp nhưng trường vẫn có 4 em học sinh lớp 8 thi vượt lớp (lớp 9) đạt giải cấp tỉnh. Các năm học 2021-2022, 2022-2023, nhà trường tiếp tục có học sinh đi thi và đoạt nhiều giải cấp huyện, cấp tỉnh.

Ngoài ra, được sự tin tưởng của Phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ, cô Phương nhiều lần được giao nhiệm vụ làm giám khảo của Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS, Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp THCS, Cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh THCS của huyện Vân Hồ…

Cô Phương chia sẻ, xã Tô Múa có 10/12 bản đặc biệt khó khăn, nhiều gia đình học sinh vẫn thuộc diện hộ nghèo nhưng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến chính sách cho giáo dục ở vùng sâu vùng xa với những chính sách cụ thể, các em học sinh đã có nhà bán trú để ở lại trường học tập, không phải đi lại hàng ngày, phụ huynh cũng yên tâm gửi con đến trường.

Cuộc sống của bản làng nơi đây đã khấm khá hơn trước nhờ các chính sách phát triển kinh tế, trường lớp cũng dần khoác cho mình bộ áo mới. Với những nỗ lực phấn đấu và cố gắng trong công tác, vào năm 2021, cô Phương đã được chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Trường TH&THCS Tô Múa cũng đã hoàn thành các tiêu chí và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

"Có một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi, đó là năm tôi dạy học sinh lớp 6, khi lên lớp giảng bài tôi thấy có em nằm gục trên mặt bàn gọi không thấy em phản ứng gì, lúc đó thật sự tôi rất sợ không biết em bị làm sao. Sau đó em tỉnh dậy và nói rằng em buồn ngủ quá, nhà em ở cách trường 10 km và đi bộ từ 4 giờ 30 phút sáng, trong cặp sách còn có đèn pin mang theo để soi đường. Ở đây trời mùa đông mù rét 6 giờ trời còn chưa sáng rõ mà các em phải dậy đi học từ sớm. Chính sự ham học đó của các em làm cho tôi thêm yêu nghề và gắn bó với nơi đây"- cô Lê Thị Hà Phương.

Theo Giáo dục thời đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây