Hôm nay là Ngày của Mẹ - Ngày để tôn vinh những người mẹ trên toàn thế giới. Ngày này không có ngày nhất định mà rơi vào chủ nhật thứ hai của tháng 5. Và năm nay rơi vào ngày 14.5.2023.
Nhân dịp này, PV đã có cuộc trò chuyện với thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM về những hy sinh vất vả của người mẹ để chúng ta có những bước đi vững chãi trên đường đời.
Chúng ta là niềm hạnh phúc lớn nhất của mẹ
Thượng tọa Thích Trí Chơn cho biết, trong đạo Phật có ngày Vu lan vào tháng 7 âm lịch. Thế giới phương Tây có ngày Mother's Day – Ngày của Mẹ vào chủ nhật thứ hai của tháng 5. Đó là điểm gặp nhau chung của thế giới.
Thượng tọa Thích Trí Chơn hiện là trụ trì Tu viện Khánh An (Q.12, TP.HCM).
Vị thượng tọa mở đầu cuộc chia sẻ: "Tất cả chúng ta sinh ra trên đời đều có mẹ cha. Khoảnh khắc đầu tiên khi con người hiện hữu đó là kết quả của niềm hạnh phúc giữa cha và mẹ, đó là hoa trái của tình thương yêu. Điều này có nghĩa là cha mẹ đã bắt đầu gánh những nỗi khổ oằn vai và hy sinh rất nhiều cho đứa con mình sinh ra".
Cụ thể hơn, có nghĩa là mỗi chúng ta đã lấy đi rất nhiều thời gian, trí tuệ, công sức, vẻ đẹp và tất cả niềm vui của mẹ. Từ đó, khi đôi mắt của ta bắt đầu thấy bầu trời xanh thì mắt của mẹ cũng mờ đi theo năm tháng.
Theo thượng tọa Trí Chơn, chúng ta là tất cả niềm vui, hạnh phúc của cha mẹ.
Thầy Trí Chơn phân tích: "Khi còn nhỏ, giấc ngủ ta không ngon thì giấc ngủ mẹ cũng không tròn. Ta có được đôi chân để vững chãi trên con đường đời thì đôi bàn chân của cha mẹ cũng sờn cũng đầy rẫy mỏi mệt trên đời. Khi ta có mái tóc xanh thì dường như mái tóc của mẹ cha cũng bắt đầu điểm sương. Và đôi tay ta để làm việc, đem lại lợi ích cho cuộc sống thì đôi tay của mẹ của cha cũng bắt đầu tảo tần. Hay nói cách khác hơn là sự sống của ta được nuôi dưỡng bằng chính sự sống của mẹ, của cha".
Sau đòn roi có khi là nước mắt của mẹ
Thượng tọa Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM cho rằng, cha mẹ là người cho chúng ta hình hài này và cũng là thầy cô giáo đầu tiên dạy mỗi người cách ăn, cách nói, cách đi đứng; đồng thời cha mẹ là người uốn nắn chúng ta nên người.
Do vậy, người mẹ nuôi nấng, dạy dỗ con cái không phải chỉ bằng cơm ăn, nước uống hay tất cả những giá trị để nuôi sống con người, mà còn phải nuôi bằng những giá trị của đạo đức, của văn hóa, của truyền thống, lẽ phải để giúp con tốt hơn.
Mỗi chúng ta đã lớn lên bằng cả thời gian, sức khỏe, trí tuệ của cha mẹ.
Trẻ thơ chúng ta cũng có những lần dại dột, có những lần ham vui. Chính vì vậy mẹ cần phải sử dụng đòn roi, những câu quát mắng giúp con cháu được lớn khôn, đây là truyền thống văn hóa Á Đông. "Tất nhiên giáo dục bằng đòn roi trong thời đại hôm nay có lẽ là không còn phù hợp nhưng nó có những giá trị nhất định trong thời gian và còn có giá trị uốn nắn cho những đứa trẻ hư, cứng đầu", thượng tọa Trí Chơn nhìn nhận.
Cụ thể hơn, sư thầy cho rằng, một con người có giới hạnh, có đạo đức thì phải đi vào trong khuôn khổ, đi vào sự tôi luyện mới có được nhân cách lớn để trở thành viên gạch xây dựng gia đình, xây dựng xã hội, để trở thành cái bánh thơm ngon hiến tặng cho cuộc đời.
"Có những trường hợp hợp đánh con xong rồi mẹ khóc, cho nên đòn roi đó làm cho mẹ không ngủ được không phải vì ghét bỏ mà để uốn nắn những đứa trẻ hư. Đằng sau những đòn roi đó mang thiện chí và những giá trị tích cực giúp con cái mình khôn lớn", thượng tọa cho hay.
Tuy nhiên, thượng tọa Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM nhấn mạnh, trước khi cha mẹ đưa đòn roi chấn chỉnh về đạo đức cho con thì trước hết cha, mẹ phải là người đạo đức. Đem đạo đức để uốn nắn đạo đức, điều đó có nghĩa là cha mẹ đem tình thương để mình giúp trẻ thơ, chứ không phải đem tâm sân giận, tâm bực tức.
Khi còn nhỏ, giấc ngủ ta không ngon thì giấc ngủ mẹ cũng không tròn. Ta có được đôi chân để vững chãi trên con đường đời thì đôi bàn chân của cha mẹ cũng sờn cũng đầy rẫy mỏi mệt trên đời. Khi ta có mái tóc xanh thì dường như mái tóc của mẹ cha cũng bắt đầu điểm sương. Và đôi tay ta để làm việc, đem lại lợi ích cho cuộc sống thì đôi tay của mẹ của cha cũng bắt đầu tảo tần
Sư thầy giải thích: "Cha mẹ mà lấy tâm sân giận để đánh con, để hành xử với con đó không phải giáo dục, mà phải có chất liệu của tình thương. Đánh là vì con hư, phạt là vì con dở chứ không phải để thỏa mãn sân giận của mình, để giải tỏa đi bực bội, tức tối, điên cuồng ở trong người là không phù hợp".
Báo hiếu cha mẹ là việc làm mỗi ngày
Theo thượng tọa Thích Trí Chơn, báo hiếu là một chủ đề thường nổi lên trong ngày Mother's Day, ngày 8.3, Vu lan, 20.10, tết… nhưng thực ra lúc nào chúng ta cũng phải báo hiếu và lúc nào cũng phải thể hiện niềm tri ơn, biết ơn.
Niềm hạnh phúc lớn nhất của một con người là biết thể hiện niềm biết ơn. Trong đạo Phật có đề cập 4 ơn lớn gồm: ơn quốc gia, thủy thổ, ân tiên tổ đã gầy dựng giang sơn tổ quốc; ơn cha mẹ; ơn Tam bảo; ơn thiện hữu tri thức.
Như vậy, thầy Trí Chơn khuyên chúng ta nên báo hiếu cha mẹ theo những điều sau:
- Thứ nhất, chăm lo cơm ăn, nước uống, thuốc men, các nhu yếu cuộc sống cho cha mẹ.
- Thứ hai, hướng cha mẹ vào con đường lành bằng cách nuôi dưỡng tâm thiện lành để cha mẹ bình an, bớt buồn, bớt lo. Với đạo Phật, con người làm những điều thiện lành sẽ gặp hoa trái thiện lành, không chỉ gặt hái trong đời sống này mà còn đời sống về sau nữa, giúp cho cha mẹ tâm thiện lành không chỉ ở đời này mà còn ở đời sau.
- Thứ ba, xây dựng nhân cách, lối sống, đạo đức, văn hóa cho mình.
- Thứ tư, nuôi con cái của chúng ta cho tốt.
Nguồn Thanh niên