Lớp học 0 đồng của cô gái xương thủy tinh

Thứ tư - 17/05/2023 21:46
Lớp học “5 Không”, không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí là nơi nuôi dưỡng tri thức cho hàng chục đứa trẻ, được dẫn dắt bởi tấm lòng của chị Ngọc Tâm, người mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh.
Cô giáo xương thủy tinh - Nguyễn Thị Ngọc Tâm
Cô giáo xương thủy tinh - Nguyễn Thị Ngọc Tâm
“Được sinh ra đã là một hạnh phúc”

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm (33 tuổi, tỉnh Nam Định), mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, nặng vỏn vẹn 15kg. Khi sinh ra, một bên chân của chị đã quặp lên trên bụng, xương trở nên giòn và dễ gãy. Số lần gãy xương nhiều đến mức chính bản thân chị cũng không nhớ hết được.

Lên hai tuổi, chị Tâm phải đối diện với phòng mổ để khắc phục khiếm khuyết trên cơ thể. Những ca phẫu thuật lần lượt diễn ra với kỳ vọng giúp chị có thể tự bước đi trên đôi chân. Nhưng kết quả không như mong đợi. Càng tập đi, xương càng rạn ra, khiến chị Tâm đau nhức. Bác sĩ khuyên chị không nên tiếp tục tập, sẽ khiến xương bị gãy nhiều hơn. Giấc mơ được bước đi của người phụ nữ bé nhỏ phải khép lại từ đó.

a
Cô giáo xương thủy tinh - Nguyễn Thị Ngọc Tâm.

Càng lớn dần, xương của chị Tâm càng biến dạng, khiến các phần trên cơ thể thay đổi theo. Lưng chị còng xuống, cột sống cong theo hình chữ S, những bộ phận khác bên trong cơ thể cũng thay đổi theo. “Danh sách bệnh và các loại thuốc của tôi chất thành một hàng dài. Cứ uống loại thuốc này thì lại phát sinh thêm căn bệnh khác”, chị Tâm kể. Tuy vậy, chị chưa từng cảm thấy tự ti vì căn bệnh xương thủy tinh hay vẻ bề ngoài của mình. Bởi lẽ chị Tâm luôn biết ơn vì được sinh ra để sống ý nghĩa, mang lại tinh thần và giá trị tích cực cho mọi người. Với chị, “được sinh ra đã là một hạnh phúc!”.

Không thể tự bước chân đến trường như bao bạn bè khác, nhưng hành trình 9 năm chạm đến tri thức của chị Ngọc Tâm luôn có sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè. Hàng ngày, cứ hai buổi sáng và chiều, chị lại được ông bà và mẹ mình thay nhau đưa đón đến trường.

Đặc biệt, nguồn động viên lớn nhất với chị Tâm chính là mẹ. Là một viên chức nhà nước, khi phát hiện con gái bị bệnh, mẹ chị đã quyết định nghỉ việc để có thêm thời gian chăm sóc con. Đến nay, mỗi bước chân, mỗi lần tham gia các hoạt động xã hội của chị Ngọc Tâm đều có mẹ ở phía sau nâng đỡ. “Chân mẹ thay bước con đi mỗi ngày”, chị nói.

Lớp học yêu thương

Tuy hành trình đến trường đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn các bạn đồng lứa nhưng vì khao khát được biết chữ, chị Tâm đã xin gia đình cho mình được đi học. Chính ông ngoại của chị cũng tâm niệm rằng học vấn giúp con người phát triển và động viên chị. Nhưng càng lớn, chị Tâm càng nhận ra khoảng cách giữa mình và bục giảng. Đoạn đường dài 15km từ nhà của chị đến trường cấp ba phủ đầy bùn đất và đá, trong khi bệnh dần nặng hơn. Vậy nên sau khi học hết cấp hai, chị phải khép lại hành trình đến trường.

“Dừng đi học không đồng nghĩa với việc dừng ước mơ, tôi tin rằng cánh cửa này khép lại thì sẽ có những cánh cửa khác mở ra”, chị Tâm nói. Không những vậy, chị còn thành lập nên lớp học “Ngọc Tâm thủy tinh”, trở thành người “lái đò tri thức” cho hàng trăm học sinh khác.

Lớp học bắt đầu từ khi học cấp hai, qua việc dạy kèm cho các em nhỏ gần nhà, chị Tâm dần được nhiều phụ huynh tin tưởng và gửi gắm con đến học. Đến nay, “Ngọc Tâm thủy tinh” của chị đã bước sang tuổi thứ 19, giúp chị Tâm hoàn thành giấc mơ trở thành giáo viên. Với biệt hiệu lớp học “5 không”, chỉ vỏn vẹn 10m2, “Ngọc Tâm thủy tinh” không có bục giảng, phấn và bảng vì chị Tâm không thể đứng giảng dạy, tay phải cũng không thể giơ cao để viết. Chị không được đào tạo như các thầy cô giáo khác nên không có giáo án… Đặc biệt, lớp học đại diện cho ước mơ và khao khát cống hiến của chị Tâm, được chị giảng dạy miễn phí. Với người phụ nữ, học phí là những điểm số cao, những câu chuyện mà học sinh chia sẻ cho mình.

“Lớp học có đa dạng học sinh từ lớp 1 đến lớp 8, giảng dạy nhiều môn học. Mỗi khi các em có thắc mắc về bài tập trên lớp, tôi sẽ tự mình tìm hiểu thông tin để giảng lại cho các em dễ hiểu hơn”, chị Tâm nói thêm về đứa con tinh thần.

“Bản thân có nhiều bệnh, tôi không thể dự đoán được sức khỏe của mình. Nhưng không vì thế mà tôi bi quan. Với tôi, sống là phải đem lại tình yêu thương, một ngày sống là một ngày ý nghĩa” Chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm.

Hiện số lượng học sinh của chị Tâm không cố định, dao động từ 15-30 em. Phần lớn học sinh đều có ba mẹ làm nông, hoàn cảnh vất vả. Vậy nên mỗi em đều trân trọng việc được đi học, chăm chỉ đến lớp của chị Tâm đúng giờ, “dù là trời mưa hay rét”. “Tôi không dám mơ ước điều gì mà chỉ cố gắng trân trọng những điều nhỏ nhất ở hiện tại. Tôi tin rằng những điều ấy sẽ mang đến hạnh phúc lớn lao, chẳng hạn như việc được trở thành một phần nhỏ trong trái tim những học sinh của mình”, chị Tâm nói.

Hiện bên cạnh lớp học, chị Tâm thành lập quỹ học bổng và không gian đọc cùng mang tên “Ngọc Tâm thủy tinh”. Từ 2017, quỹ học bổng đã chính thức ra đời với mong muốn hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Với dự án không gian đọc, chị Tâm mong các em học sinh có thêm vốn kiến thức, bắt đầu thói quen đọc sách và tìm hiểu nhiều hơn. Với sự hỗ trợ từ Nhà Xuất bản Phụ Nữ và Thư viện tỉnh Nam Định, hiện không gian đọc “Ngọc Tâm thủy tinh” có hơn 1.500 cuốn sách. Mỗi quyển sách được chị Tâm chắt lọc và mang đến cho những khu vực cần sách.

Gần đây nhất, chị Tâm nằm trong Top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2022. Với người phụ nữ, đây là động lực thúc đẩy chị “cho đi” nhiều hơn. Trong vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật của tỉnh Nam Định, chị mong muốn hỗ trợ người khuyết tật thêm tự tin và hòa nhập với cộng đồng.

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây