Điều đó thể hiện sự tôn trọng của người còn sống đối với người đã khuất. Và qua nghi lễ tang ma thì vị trí và vai trò của người mất trong cộng đồng được khẳng định. Cũng từ đây những vấn đề về văn hóa tộc người được thể hiện khá rõ.
Thầy mo là một người thầy cúng trong các bản, làng của những dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam. Những người này có nhiệm vụ làm các lễ linh thiêng, lễ hội, ma chay… Những công việc liên quan đến phong tục tập quán, tất cả những công việc ấy người trong bản đều cần thầy Mo cầu khấn trước thần linh.
Trong cộng đồng thầy Mo rất được kính trọng. Họ là những người có kiến thức tương đối sâu rộng và ít nhiều tích lũy được những bí quyết thần bí mà người xưa truyền lại. Chính vì vậy thầy Mo là người mang trọng trách thực hiện một số nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng trong cộng đồng. Để thực hiện nhiệm vụ ấy thầy Mo phải có những dụng cụ của riêng mình như trang phục và các vật dụng quan trọng khác.
Bộ trang phục của thầy Mo may rất rộng, tay áo to vạt trái vắt chéo qua sườn phải. Áo dài tới bắp chân phần dưới may mở rộng và không xẻ tà, ngang lưng có một thắt lưng bằng vải trắng. Ông Mo đội mũ mềm bằng vải xanh được khâu về phía đỉnh.
Người Mường cho rằng tất cả các vật dụng của thầy Mo khi chưa dùng đến thì chúng đều nằm im. Khi có đám tang thầy Mo muốn sử dụng thì phải đánh thức chúng để chúng nghe theo lời của mình và thực hiện các nghi lễ. Ngoài đánh thức các đồ vật thì thầy Mo còn phải đánh thức tổ tiên đời trước có hành nghề Mo, nhưng đến thời điểm hiện tại đã mất. Các vị tổ tiên sẽ giúp sức cho các thầy Mo làm Mo trong lễ tang.
Đồ thiêng trong túi khót của thầy Mo xứ Mường
Khi các vật dụng được đánh thức thì sức mạnh của thầy Mo sẽ tăng lên gấp bội. Một số vật dụng tiêu biểu và quan trọng của thầy Mo như thanh gươm, túi khót và quạt. Trong đó túi khót là vật linh thiêng nhất. Đây được coi là túi phép của các thầy Mo. Túi khót có các vật dụng vô cùng quý hiếm, như răng lợn rừng, răng hổ, răng báo, xương, móng vuốt động vật và một số các loại vật dụng bằng đá. Đây không phải là những loại răng bình thường mà theo tín ngưỡng của người Mường thì đó là những vật được thần linh ban cho, nếu thầy Mo nào có càng nhiều vật dụng thì sức mạnh chắc chắn sẽ càng lớn.
Thầy Mo là người thực hiện tất cả các lễ nghi. Ngay sau khi gia đình có người mất thì lập tức phải mời thầy Mo đến. Đầu tiên thầy Mo sẽ thực hiện nghi lễ chia vải vóc. Sau đó thầy sẽ tiến hành một loạt các nghi lễ khác như lễ báo tang, lễ phát tang…
Thầy Mo vừa là người làm lễ, vừa là người hướng dẫn cho ma thực hiện các nghi thức. Sau khi người nhà đã chuẩn bị xong đồ dùng để cho ma đi đường và tắm rửa sạch sẽ cho người đã mất thì thầy Mo bắt đầu đọc bài cúng báo với thần linh biết để trừ tà ma và không cho tà ma đến làm hại quan tài của người đã khuất. Khi những nghi lễ trên hoàn tất thì việc khâm niệm coi như đã xong. Thầy Mo phải ở đó không được đi đâu cho tới khi các nghi lễ kết thúc.
Một trong những nét đặc sắc của nghi lễ tang ma người Mường chính là việc tiến hành các đêm Mo hay còn gọi là các bữa ăn của ma. Đối với nghi lễ tang ma cổ các đêm Mo có khi kéo dài đến 12 đêm. Tuy nhiên đến nay nhằm thực hiện nếp sống mới thì các bữa đã có những thay đổi cho phù hợp với cuộc sống hiện đại nên không còn đầy đủ như trước. Trong tang lễ ở Mường hiện nay chỉ còn bốn bữa ăn chung cho người mất. Trong nghi lễ này thầy Mo đóng vai trò là người chỉ đường và dẫn đường. Thầy Mo dùng cây kiếm và dùng chiếc chuông để gọi ma và chỉ đường cho ma đi đúng hướng.
Trong các bữa ăn của ma thì mỗi một bữa lại có những lời cúng khác nhau với ý nghĩa khác nhau. Cách thức tiến hành của từng bữa cũng mang những đặc trưng riêng nhằm mục đích là giúp người đã khuất được siêu thoát. Trong bữa Tẩm tịch, thầy Mo nói với người đã khuất rằng từ nay họ đã là ma. Thầy hướng dẫn cho người mất khi về với Mường ma phải sống như thế nào hay phải tuân thủ những tập tục ở đó ra sao. Trong bữa đầu tiên này thầy Mo sẽ đọc sử thi đẻ đất đẻ nước vừa là sự giải tỏa tâm lý, an ủi trấn an tinh thần, vừa là sự trang bị những kiến thức cơ bản cho người mất trước khi họ về thế giới bên kia. Giọng Mo đầy truyền cảm và uy lực.
Bữa thứ hai là bữa Mo đi nhìn ho. Bằng các bài cúng thì thầy Mo bắt đầu dẫn dắt linh hồn người quá cố vào nghĩa địa nơi mà sau này sẽ được chôn cất để gặp chủ đất trong chuyến đi này. Sau đó thầy Mo dẫn họ vào chào và gặp những người thân trong dòng tộc đã yên nghỉ ở đây rồi trở lại nhà. Đây cũng là khoảng thời gian mà linh hồn được nghỉ ngơi.
Để người chết có thể tìm được cửa tìm được người thân trong Mường ma qua những lời cúng thầy Mo sẽ chỉ dẫn cho ma lối đi, tránh lầm đường lạc lối và gọi đầy tớ đi cùng để mang đồ. Những con vật dẫn đường cho ma là con muông và con cá tượng trưng cho sự sinh tồn.
Như vậy có thể thấy thầy Mo là người đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức nghi lễ tang ma và các bữa ăn cho người đã mất. Thầy Mo là người chỉ dẫn cho ma đi đúng đường để ma có thể đi chợ mua đồ dùng, mua quần áo đi gặp những người thân và về với gia đình của mình ở thế giới Mường ma. Thầy Mo thể hiện quyền lực qua thanh gươm và chuông gọi ma để điều khiển người mất theo sự chỉ dẫn của mình.
Có thể nói thầy Mo chính là linh hồn của các đám tang ở Mường. Thầy Mo là mối dây quan trọng để liên kết với những người còn sống và những người đã mất. Người Mường vẫn quan niệm rằng con người khi mới mất nếu chưa tiến hành các nghi lễ tang ma thì họ chưa thành ma dù không còn là người trần nữa. Trong ranh giới này người mất có một quyền lực siêu nhiêu mà chỉ có thầy Mo mới điều khiển hay cầu xin được họ. Vì vậy thầy Mo được xem là người trung gian giữa hai thế giới người chết và người trần. Thầy Mo có nhiệm vụ điều khiển linh hồn người mất phải tuân theo các nghi lễ của tang ma. Điều này rất quan trọng. Nếu thầy Mo có những bước chỉ dẫn sai thì linh hồn người chết sẽ bị mất phương hướng và không đến được thế giới của cõi âm.
Thầy Mo được xem là người trung gian giữa hai thế giới âm dương
Trong các đêm Mo thì thầy Mo chính là người kết nối giữa cõi âm và cõi dương. Mỗi đêm Mo được tiến hành một cách quy củ và trang nghiêm với những ý nghĩa khác nhau. Thầy Mo trở thành người diễn viên và phải diễn nhiều vai qua mỗi đêm. Khi thì đóng vai con cái họ hàng nói chuyện, an ủi người mất. Khi lại là người đã khuất nói lời dặn dò những người ở lại. Giữa người sống và người chết thường có mối liên hệ với nhau. Khi người đã mất đi biến thành ma phải tìm người thân để hỏi lý do tại sao mình phải chết. Khi đi ma đem theo người hầu và thầy Mo chính là người sẽ giúp ma gọi kẻ hầu người hạ và sắp xếp đồ đạc.
Thầy Mo là một trong những nhân vật văn hóa, là tri thức và là trung tâm của đời sống tín ngưỡng của đồng bào. Thầy Mo phải là người am hiểu phong tục tập quán cả tộc người. Quá trình học mo là quá trình tích lũy kiến thức về hầu hết tất cả các lĩnh vực của đời sống từ thiên văn, lịch pháp, lịch sử cho tới các nghi lễ, lễ hội phong tục tập quán.
Trong phạm vi văn hóa Mường thì thầy Mo có thể xem như là bách khoa tri thức của cộng đồng. Sự hiểu biết về phong tục tập quán của thầy Mo được biểu hiện rõ nhất trong việc thầy Mo tham gia vào tất cả lễ nghi sinh hoạt của người Mường. Hầu như lúc nào thầy Mo cũng là người diễn xướng, bao quát và thực hiện hầu hết các nghi lễ phức tạp. Có lẽ không ai trong cộng đồng lại có thể hiểu hiểu biết vấn đề này bằng thầy Mo. Như vậy có thể thấy thầy mo chính là bảo tàng văn hóa sống của cộng đồng Mường. Thầy Mo còn là người am hiểu lưu giữ và được thực hành các phong tục tạp quán của người Mường.
Không chỉ chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng cúng bái và các bài thuốc nam mà thầy Mo còn chăm sóc đời sống tinh thần cho cộng đồng Mường mà tác dụng đầu tiên tín ngưỡng mang lại đó chính là có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Ngoài ra, thầy Mo còn là người thông qua các bài mo các nghi lễ cúng bái để giáo lý bài học làm người và cách thức ứng xử trong xã hội. Một vai trò đáng kể của thầy Mo nữa là thông qua hoạt động của thầy Mo người Mường có dịp gặp gỡ trao đổi giao lưu văn hóa với nhau làm cho đời sống tinh thần của người Mường thêm phong phú và thú vị hơn.
Nghề thầy Mo từ xưa đến nay vẫn được coi là một nghề lao động vất vả và phức tạp. Chính vì vậy trong các đám tang thì thân chủ cũng rất chú trọng đến việc trả công cho thầy. Việc trả công này được tính cho toàn bộ đám ma mà thầy đảm nhiệm. Nếu như trước đây trong các đám ma cổ thầy Mo được trả công bằng xôi, thịt sống, thịt chín…, thì ngày nay nhiều gia đình đã trả công bằng tiền mặt. Trung bình khoảng từ 200 đến 500 nghìn đồng hoặc có thể nhiều hơn. Chính vì vậy mà đời sống của thầy Mo ngày càng được nâng lên. Thậm chí có người trở nên giàu có nhờ nghề Mo.
Những năm gần đây cùng với sự chuyển giao giữa các dân tộc khác nhau thì những giá trị văn hóa của người Mường đã có nhiều thay đổi, cả theo hướng tích cực và mai một. Tuy nhiên, nghi lễ tang ma của người Mường vẫn được coi là một trong những nghi thức tôn giáo mang đậm màu sắc tâm linh huyền bí. Có những giá trị không thể thay thế trong đó có vai trò của thầy Mo trong nghi lễ tang ma. Đây là nhân vật quan trọng và là người đặt nền móng văn hóa cho các nghi lễ tâm linh của dân tộc Mường. Những tín ngưỡng tâm linh và dân gian mà thầy Mo còn lưu giữ được sẽ là kho tàng văn hóa phong phú và đáng quý để chúng ta lưu tâm gìn giữ và khai thác.
Theo https://hanhtrinhtamlinh.com
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự