Cứ hơn 10 giờ sáng các ngày thứ hai, tư, sáu hằng tuần, một quán ăn trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại chen chúc người lao động tìm đến. Điều đặc biệt, các suất cơm đầy đủ thức ăn ở đây đều hoàn toàn miễn phí.
Đây là bếp ăn từ thiện của Ban Bảo trợ từ thiện bác ái, Hội Chữ thập đỏ Q.1, TP.HCM, kết hợp cùng Hội Phước thiện chùa Bảo Quang, chùa Chưởng Đức, thành lập từ tháng 12.2017. Gần nửa năm qua, bếp ăn đã phục vụ hàng chục nghìn suất cơm miễn phí cho người lao động nghèo trong khu vực.
Bếp ăn từ thiện này được tổ chức tại quán ăn của chị Nguyễn Thị Anh Đào (46 tuổi). Nhận thấy ý nghĩa của hoạt động thiện nguyện, vợ chồng chị đã hỗ trợ địa điểm, các vật dụng nấu nướng cần thiết. Từ 6 giờ sáng đến khoảng 13 giờ trưa là thời gian bếp ăn tổ chức hoạt động. Sau khi dọn dẹp sạch sẽ, quán ăn của chị Đào lại kinh doanh bình thường vào chiều tối.
Người đứng bếp ở đây ngoài vợ chồng chị Đào, còn có nhiều người tình nguyện khác. Mọi người thay phiên nhau trong các khâu đi chợ, nấu ăn, phục vụ, dọn dẹp vệ sinh,… Ngoài phục vụ tại chỗ, một số nhóm tình nguyện còn mang nhiều suất cơm đến tận nhà những người già neo đơn, người nghèo bệnh tật không thể đi lại.
Trung bình mỗi ngày, bếp ăn cung cấp khoảng 300 suất cơm. Mỗi phần đều có đầy đủ thịt cá, canh rau và rất nhiều cơm. Thức ăn cũng đa dạng, luôn đảm bảo 6 món và thay đổi mỗi ngày, riêng ngày chay sẽ có thức ăn chay. Chi phí hoạt động mỗi lần nấu khoảng 2 triệu đồng, được các mạnh thường quân và người dân hỗ trợ.
Bếp ăn nằm tại số 427 đường Phạm Văn Đồng, phường 11, Q.Bình Thạnh
Mục tiêu của bếp ăn hướng tới là người lao động nghèo, học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn,… Các suất ăn ở đây đều đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh và đủ no để mọi người có thể lấy sức làm việc. Hiện tại, do vấn đề nhân lực và cơ sở vật chất, bếp chỉ mở được vào thứ hai, tư, sáu hằng tuần, nhưng sẽ cố gắng duy trì mỗi ngày khi đủ điều kiện”, ông Nguyễn Thành Khoa (Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Q.1, Trưởng Ban Bảo trợ từ thiện bác ái, trực tiếp quản lí bếp ăn) cho biết.
Thành phần lao động tập trung đến bếp ăn đa số là lao công, người bán ve chai, vé số, tài xế xích lô, xe ôm,… sau một sáng làm việc mệt mỏi. Với thu nhập ít ỏi, những bữa cơm 0 đồng ở đây đã giúp đỡ phần nào cuộc sống của họ được tốt hơn.
Ông Huỳnh Ngưu (68 tuổi), một thực khách quen thuộc của bếp ăn, chia sẻ: “Tôi làm nghề dọn dẹp vệ sinh với chở củi cho các nhà trẻ, cứ trưa trưa xong lại tranh thủ chạy sang đây ăn. Quán lúc nào cũng sạch sẽ, cơm thì ăn no nê, cá canh ngon và đủ loại hết. Có chỗ ăn vầy đỡ lắm, mọi người thấy không bao nhiêu chứ lao động ba cọc ba đồng như chúng tôi thì quý lắm”.
Gần nửa năm thành lập, bếp ăn đã phục vụ hàng chục nghìn suất cơm 0 đồng
Các món ăn được thay đổi hằng ngay, luôn đầy đủ dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh
Bếp ăn hỗ trợ khoảng 300 suất cơm mỗi buổi
Chỗ ăn rất gọn gàng, sạch sẽ
Người ăn đa phần là lao động nghèo
Ngoài phục vụ tại chỗ, nhiều phần cơm được vào hộp đưa đến tận nhà những người già neo đơn, những người bệnh di chuyển khó khăn
Danh sách các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí bếp ăn được cập nhật đầy đủ trên tấm bảng treo trong quán
Chị Nguyễn Thị Anh Đào, chủ quán ăn hỗ trợ địa điểm hoạt động, đứng bếp cùng những người tình nguyện
Thùng quyên góp tùy tâm
Bếp ăn đã giúp được phần nào cuộc sống của nhiều người có hoàn cảnh khó khăn