Gần đây, TP HCM rộ lên phong trào nhiều người săn tìm,
lùng mua những pho tượng Phật cổ bằng các chất liệu như đá, gỗ quý về trưng thờ
trong tư gia. Nắm bắt được "thị hiếu" tâm linh ấy, thị trường xuất hiện
những người bán hàng di động đem những pho tượng Phật đến tận nhà khách hàng chào
bán với bật mí, đó là tượng cổ, tượng quý. Nhiều người mộ đạo, cả tin đã trả
hàng triệu đồng mua tượng "cổ" để rồi sau đó phải ngậm đắng nuốt cay
khi biết mình là nạn nhân của bọn lừa đảo.
Chị L.T.T., một trong những nạn nhân, hiện ngụ tại phường
Đa Kao, quận 1, bức xúc kể lại chuyện chị bị bọn xấu biến thành con mồi của
chúng: "Cách đây mấy ngày, có một thanh niên khệ nệ ôm một pho tượng Phật
Bà Quan Thế Âm cao 30cm, nặng 5,5kg gõ cửa nhà mình bảo cần bán đồ gia bảo.
Theo lời anh ta, cách đây 5 năm, trong lúc đào móng làm nhà thì cụ thân sinh của
anh ta ở An Giang tình cờ phát hiện pho tượng được đẽo tạc bằng đá xanh có nguồn
gốc tại núi Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), niên đại cả trăm năm…
Khi ấy nhiều người biết
chuyện đã kéo đến xem rần trời, có người đề nghị trả giá cao nhưng ông cụ nhất
định không bán mà để thờ. Gần đây ông cụ bị bệnh nặng, để có tiền chữa bệnh cho
cha già, gia đình phải bán sạch gia sản và nay đến lượt pho tượng cổ. Anh thanh
niên cho biết đang cần tiền gấp để đóng viện phí cho cha nên bán pho tượng với giá
hữu nghị, 3 triệu đồng".
Thấy anh thanh niên ăn nói hiền lành, gương mặt đau khổ
vì lo cho bệnh tình cha già, phần vì muốn giúp đỡ anh ta nên chị Thúy không chút
nghi ngờ, đồng ý mua pho tượng và… ôm hận. Giọng chị sầu não: "Chiều đi
làm về, nghe mình khoe chuyện mua được pho tượng đá xưa với giá hữu nghị, để chắc
ăn ông xã đã mời một người bạn tên Bảo vốn rất sành các món tượng đá đến thẩm định
chất lượng pho tượng cổ.
Sau khi xem xong, anh Bảo cho biết mình bị lừa, rằng
pho tượng được đúc bằng bột đá xay nhuyễn trộn keo đổ khuôn rồi đánh bóng chứ
không phải được đẽo tạc từ đá nguyên khối. Giá thị trường một pho tượng như thế
chỉ khoảng 500.000 đồng".
Cũng đau khổ không kém, anh L.V.M., ngụ tại đường
Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), tiểu thương kinh doanh gạo, phản ánh chuyện bị
lừa với chất giọng ấm ức: "Kẻ đưa tôi vào bẫy là một phụ nữ khoảng 40 tuổi,
nói giọng miền Trung. Chị ta ôm pho tượng Phật Tổ Như Lai cao khoảng 25cm, nặng
khoảng 4kg đến cửa hàng của tôi chào bán với tâm tình đây là đồ gia bảo của gia
đình, được làm bằng gỗ cẩm lai, trong thân của pho tượng có một thỏi trầm nên
tượng luôn phát ra mùi hương dễ chịu.
Bà xã tôi là người mộ đạo sau khi kê mặt
sát pho tượng ngửi thấy đúng là tượng toát ra mùi hương nên thích lắm mới hỏi
giá cả. Người bán ra giá 3,5 triệu đồng. Thấy vợ chồng tôi không đoái hoài, chị
ta hạ giá 3 triệu đồng và sau cùng dừng lại ở giá 2,5 triệu đồng. Đến thăm nhà,
lúc đầu những người quen của tôi khi biết tượng toát hương trầm ai cũng cảm khoái.
Nhưng được khoảng 1 tuần lễ sau đó thì mùi hương biến mất. Thấy lạ tôi nhờ chuyên
gia đến xem thì được biết pho tượng được làm bằng gỗ mít. Mùi hương có được là
do sau khi đẽo tạc, sơn bóng xong, người ta ngâm nó trong tinh dầu của trầm
hương, sau vài ngày thì hương phai… Hoàn toàn không có chuyện lõi tượng là lõi
trầm như chị nọ quảng cáo".
Sáng 15/9, 2 ngày sau cuộc gặp gỡ phản ánh với chúng
tôi chuyện bị lừa, anh M. chủ động gọi điện cung cấp thông tin, rằng một người
bạn của anh hiện ngụ trên đường Nguyễn Thông (quận 3) phát hiện một thanh niên
đang vác pho tượng Phật Di Lặc ghé từng nhà dân rao bán với dấu hiệu khả nghi.
Nhanh chóng có mặt tại "hiện trường", vờ là khách đi đường muốn mua
pho tượng, chúng tôi dừng xe hỏi thăm, gã thanh niên cho biết anh ta mua lại
pho tượng từ một người phụ nữ với giá 2 triệu đồng. Chị ta cho biết tượng được
đẽo từ gỗ mun, mua lại từ một tay trộm rinh của một ngôi chùa ở Bình Phước.
Lúc gã thanh niên ra giá pho tượng 3 triệu đồng, chúng
tôi đề nghị đưa pho tượng đến nhờ người quen có nghề thẩm định, nếu đúng là gỗ
mun sẽ mua ngay. Chừng như linh tính điều chẳng lành nên gã nọ ậm ừ rồi nhân
lúc đám đông lố nhố đã tìm cách… lặn!
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự