Có người quả quyết chỉ cần ngắt một mẩu nhỏ trong kho
báu thì vị sư trụ trì hiện tại có thể mua hàng trăm lô đất… Nhưng do tiền nhân
truyền dặn "không được bán quốc bảo" nên dẫu đang hành đạo tại ngôi
chùa cấp 4 xập xệ, vị trụ trì không dám trái lời. Đâu là sự thật?
Ông Định, ngụ phường An Lạc (quận Bình Tân) là một
trong những người tin chắc chuyện "kho báu đồng đen ở ngôi cổ tự" là
có thật. Ông nói: "không có lửa sao có khói", rồi tâm tình: "Tôi
biết chuyện báu vật đồng đen này qua một người bạn là phật tử ở chùa. Bạn tôi
nói từng được thầy trụ trì cho xem một trong những báu vật là pho tượng cổ bằng
chất liệu đồng đen cả ngàn năm tuổi, lên nước bóng loáng. Điều vi diệu là đang
lúc mệt mỏi, căng thẳng nhưng khi nhìn thấy pho tượng, mọi ưu phiền trong bạn tan
biến, tâm hồn thư thái, tĩnh tại.
Thầy Minh Quang bên những mẫu vật tìm thấy
trong quá trình đào móng cắm cừ.
Hỏi địa chỉ ngôi chùa để đến xem tượng cổ nhưng bạn lắc
đầu, bảo thầy trụ trì căn dặn không được tiết lộ vì sợ thông tin lọt ra bên
ngoài, bọn xấu biết chuyện sẽ rắp tâm chiếm đoạt". Chắp nối những lời râm
ran, đồn thổi, rồi chúng tôi cũng lần ra địa chỉ của ngôi cổ tự được nhiều người
rỉ tai đang lưu giữ "kho tượng báu".
Bà Huyền, một trong những người rất thích "chuyện
lạ có thật" chỉ rõ: "Đó là Minh Quang Tự, ở khu phố 1, phường Tân Tạo,
quận Bình Tân". Bà Huyền thở dài nói rằng, biết được chính xác tên và địa
chỉ ngôi chùa, bà tìm đến xin thầy trụ trì cho xem nhưng thầy tế nhị khước từ
vì sợ nhiều người biết chuyện sẽ ào ạt tìm đến đòi xem gây náo loạn chốn thiền
môn.
Khi biết ngôi chùa mà thiên hạ râm ran đang ẩn giữ cổ
vật là chùa Minh Quang, chúng tôi vội tìm đến, lòng phấn khởi tin rằng sẽ sớm
được khám phá bí mật về những pho tượng cổ bằng đồng đen. Vị sư trụ trì là sư
ông Minh Quang, có biệt tài bốc mạch kê đơn chuyên khám chữa bệnh cho người
nghèo không phân biệt tôn giáo, xuất quán.
Khác xa lời đồn, chùa Minh Quang không phải là ngôi cổ
tự mà được chính tay thầy Minh Quang kiến tạo vào năm 1992. Chùa nằm sâu trong
con hẻm ngoằn ngoèo. "Ngày ấy nơi đây chỉ là khu đất hoang đầy lau sậy, cỏ
dại với lắm muỗi mòng, rắn độc. Một tay thầy ôm từng cục đất để đắp chùa, gian
nan cực khổ vô cùng" - sư Minh Quang, nhớ lại.
- Chùa đang ẩn giữ những pho tượng cổ bằng đồng đen,
điều đó có đúng không, thưa thầy?
Nghe chúng tôi hỏi thăm về "kho báu", sư ông
Minh Quang mỉm cười rồi vào chuyện. Theo lời kể của sư ông, khi đào sâu vào
lòng đất, ở độ sâu 3m, thầy tiến hành đóng cừ làm móng và đụng vật cản cứ ngỡ
là đá nhưng khi moi lên mới biết đó là chiếc bình tích khắc chữ Tàu dịch tiếng
Việt là Minh Mạng Vương.
Chiếc bình cao khoảng 11cm, nặng 700gam, màu đồng, khắc
cảnh sông nước ôm quanh ngôi cổ tự nằm trên sóng gió lồng lộng, họa tiết đơn sơ
nhưng có thần uy, gợi cho người thưởng lãm cảm giác an lành, vững chãi.
"Sau khi moi được chiếc bình, thầy tiếp tục đóng cừ và lại đụng chướng ngại
vật" - sư ông Minh Quang tiếp tục mạch chuyện: "Đó là cặp gà trống
cao 24cm, mỗi con nặng 1,1kg".
Dứt lời, sư ông đưa chúng tôi vào chánh điện để diện
kiến "báu vật": Đó là cặp gà có đuôi uốn cong như những chiếc lá,
dáng đứng ngạo nghễ, ngực ưỡn về phía trước, mắt có thần sắc. Dưới chân mỗi con
gà là những đồng tiền với họa tiết sắc sảo, chứng tỏ tay nghề của nghệ nhân rất
điêu luyện. Cùng đó là 2 chữ "Sanh tài" bằng chữ Nho. Cặp gà vẫn còn
dính những vết tích dưới lòng đất sâu là vệt đất màu bạc. Gà màu đen nhưng những
vết trầy trên thân lộ ra những màu vàng, đỏ huyền bí. Sư ông Minh Quang tâm
tình: "Thầy sinh năm Ất Dậu, việc gặp cặp gà ứng với năm tuổi nên thầy xem
đó như cơ duyên hiếm có trong đời".
Cùng với cặp gà, trong quá trình cắm cừ, sư ông Minh
Quang còn phát hiện pho tượng Phật cao 12cm, nặng 450gam, ngồi ở thế kiết già,
hai tay nâng bình cam lộ, gương mặt thiền định vô ưu, đầu đội lọng là con rắn
thần 7 đầu, trên mão có một tượng Phật nhỏ, có 8 vị La Hán làm tòa cho đức Phật
ngồi thiền, nhìn như những đài sen. Góc sau của đài tượng là 2 con sư tử ứng với
truyền thuyết sư tử hống của đức Phật. Dưới đế tượng Phật đen tróc lộ màu vàng
huyền bí. Toàn thân pho tượng gõ nhẹ chỗ nào cũng phát ra âm thanh. Càng gõ lên
trên âm thanh càng vang, trong như tiếng chuông.
Trong quá trình đào móng cắm cừ, sư ông Minh Quang còn
phát hiện những lưỡi tầm sét, những mảnh sứ, gốm vụn vỡ nhưng do thầy không ý
thức được đó là "đồ cổ" nên không quan tâm. Thầy tâm tình không nghĩ
chiếc bình tích, cặp gà và pho tượng Phật là "báu vật đồng đen", chỉ
nghĩ đó là sự trùng phùng ngẫu nhiên, xem đó là kỷ vật gắn bó với chùa Minh
Quang như một thuở hàn vi nên cất giữ đến hôm nay.
"Không ít người đến tìm hiểu về các pho tượng,
nhiều bận thầy cũng định chia sẻ nhưng lại thôi vì không muốn kích thích sự hiếu
kỳ, có khi lòng tham của người đời. Chất liệu cặp gà, chiếc bình và pho tượng
không phải bằng sắt, thiếc, đồng bởi nếu đúng như vậy thì khi nằm dưới đất sâu
các món vật sẽ bị oxy hóa. Có khi đó là tổng hợp của các vật liệu trên!" -
sư ông Minh Quang đoán định: "Nhưng nó cũng chẳng phải đồng đen gì đâu bởi
trên thực tế, chưa ai thấy đồng đen thật cả. Có thể chất liệu của các pho tượng
là tổ hợp của các hợp kim như sắt, đồng, chì, kẽm không chừng".
“Đồng đen là gì? Câu hỏi này đến nay vẫn là thách đố lớn
với các nhà khoa học. Trong dân gian, người ta đồn đồng đen quý hơn vàng, có
nhiều tính năng kỳ lạ như khi để gần bên thỏi đồng đen thì miếng vàng sẽ chuyển
sang màu trắng. Thả vào nước thì đồng đen không chìm hẳn mà lơ lửng sát đáy.
Đem áp đồng đen vào bật lửa bằng gas, que diêm thì không thể nào nổi lửa được…
Lại cũng có tin đồn người bình thường nếu chạm phải đồng đen sẽ mệt mỏi, chết sớm,
có khi chết bất đắc kỳ tử…
Vì những lời đồn thổi "siêu hạng" này mà
nhiều người khát khao được sở hữu báu vật đồng đen. Đây chính là cội nguồn của
việc hình thành nhiều màn lừa đảo bán đồng đen. Nhiều người cả tin đã tốn hàng
trăm triệu đồng, có khi hàng tỷ để có được báu vật không tưởng. Có người thậm
chí dính vòng lao lý cũng do ma lực của đồng đen đưa lối!”
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự