Trong mọi giới Phật tử chúng ta hiện nay, phần đông không hiểu rõ ý nghĩa của chữ "tu", không hiểu rõ tu để làm gì. Có người cho rằng tu là phải cạo râu tóc, mặc áo nâu sòng, hay áo cà sa, vào ở trong chùa, phải có hình tướng nhà sư, phải là tu sĩ mới gọi là "người tu".
Hoặc rộng rãi hơn một chút, có người cho rằng phải biết ăn chay, thường xuyên đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, làm công quả, làm Phật sự, làm việc chùa, mới gọi là người tu. Không làm như vậy thì không phải là người tu.
Hiểu như vậy không hoàn toàn sai, nhưng chúng ta chỉ mới chú ý đến phần hình thức, hình tướng bên ngoài của một người tu mà thôi. Hay nói cách khác, những điều đó chỉ là "điều kiện có" của một người tu, dù là xuất gia tu sĩ hay tại gia cư sĩ, chứ chưa phải là "điều kiện đủ" để thành một người tu thực sự theo đạo Phật.
Đạo Phật không chú trọng nhiều đến hình thức, hình tướng, nhưng không phải không cần có hình thức, hình tướng bên ngoài. Tuy vẫn cần phải có hình thức, hình tướng bên ngoài, một người tu đồng thời cũng phải có chất lượng, có nội dung bên trong, cả hai phải được vẹn toàn, phải "lý sự viên dung" mới gọi là tu đúng Chánh Pháp.
Muốn sống đời thảnh thơi, an lạc và hạnh phúc, không tự làm khổ mình và không gây khổ cho người, chúng ta phải biết tu tâm, hay tu tâm dưỡng tánh. Tu tâm là việc có thể tự làm ở ngay tại nhà, ngay trong từng việc nhỏ hàng ngày, ở bất kì nơi đâu. Ở nhà biết kính trên nhường dưới, hòa nhã, yêu thương, ra đường biết bênh yếu chống mạnh, bảo vệ lẽ phải, chấp hành pháp luật cũng là tu tâm.
Muốn dẹp bỏ dần tâm tham lam, chúng ta nên giữ gìn giới luật, tu tập hạnh bố thí, tập sống cần kiệm, tri túc. Biết thế nào là đủ, cuộc sống của chúng ta sẽ bớt nhiều sự đau khổ do tâm tham lam chi phối.
3 điều sau rất có ích cho việc dưỡng tâm lại đơn giản, nên học theo:
1. Thở chậm và điều hòa. Nếu có thể mỉm cười, dù bằng mắt hay chỉ nghĩ đến niềm vui trong lòng tức là để tâm hài hòa với mọi sự và mọi vật xung quanh.
2. Buông nhẹ hai vai, thả lỏng thân thể cho mọi phiền muộn, những điều không may mắn chạy xuống chân, ra khỏi thân thể và tan biến vào lòng đất.
3. Ðể một cái lọ thủy tinh ở chỗ dễ nhìn thấy nhất. Mỗi lần đi ra hay đi vào nhìn thấy lọ thủy tinh thì nhớ nhắc mình bỏ những đồng tiền xu, tiền cắc vào đó và tâm niệm: “Tôi đóng góp số tiền này để có thể giúp đỡ những trẻ mồ côi, người già yếu hay những ai kém may mắn, vất vả, thiếu thốn trên đường đời...”.
Học và làm theo được những điều này, ắt hẳn chúng ta có thể dần dần tu tâm dưỡng tính, thay đổi, gột rửa tâm hồn, đạt đến hoàn thiện phần “lý” để trở thành một người tu tại gia chân chính.
Tu tâm thế nào mới là đúng cách?
Đức Phật dạy:
Thắng vạn quân không bằng tự thắng mình.
Tự thắng tâm mình là điều cao quý nhất.
"Nét đẹp của người tu tại gia" là cuộc sống chân thật hồn nhiên, một nhân cách trong sạch và một tâm Bồ Tát tại gia vô chấp vô phân biệt, vượt qua được hình tướng xuất gia, nhưng vẫn có thể thành tựu đạo nghiệp.
Người "tu tại gia" có thể đem lại cho mình, cho những người thân sống chung quanh sự bình yên tuyệt đối trong tâm hồn, sự thoải mái vô cùng qua cung cách cư xử trong từng cử chỉ, lời nói, việc làm cũng như ý nghĩ.
“Mùa xuân” trong nét đẹp của người tu xuất gia hay tại gia là ở tâm hạnh của Bồ Tát, nhân cách nghiêm tịnh, giới đức khiêm cung. Được gần các "bậc Thiện Nhân" con người sẽ cảm nhận vô lượng an lạc hạnh phúc, như được hưởng gió mát và ánh nắng ấm áp, đầy đạo vị của những cánh hoa xuân tươi đẹp và thể hiện ra ngoài bằng những biểu hiện, cử chỉ như sau:
- Trang nghiêm giới hạnh, đó là thân đẹp.
- Ăn ở hiền hòa, thủy chung, đó là nết đẹp.
- Cư xử khiêm hạ, từ tốn, đó là cử chỉ đẹp.
- Giúp đỡ người bị nạn hay đói nghèo, đó là tấm lòng đẹp.
- Hiếu với cha mẹ, kính bậc hiền thánh, đó là tâm hồn đẹp.
- Gặp người đau khổ, sợ hãi, nói lời an ủi, đó là ngôn ngữ đẹp.
- Không khởi tà niệm, luôn chánh trực, đó là ý đẹp.
- Biết độ lượng, bao dung, đó là đức hạnh đẹp.
- Khai mở tâm trí, phá trừ vô minh, đó là trí tuệ đẹp.
- Đạt được giác ngộ và giải thoát, đó là nét đẹp tối thắng.
Nguồn tin: Tuổi trẻ thủ đô
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự