Đào Khản, tự là Sỹ Hạnh, là một vị tướng lỗi lạc, một thi nhân điền viên nổi tiếng thời Đông Tấn. Từ khi còn nhỏ Đào Khản đã mất cha, gia cảnh bần hàn, cả nhà phải sống nhờ vào việc thêu thùa của người mẹ là Trạm thị. Sau này Đào Khản làm quan tới chức Thái uý, nắm trọng binh trong tay, cai quản việc quân sự của 8 châu và đảm nhiệm chức thứ sử Lưỡng Châu, Kinh Giang. Nhờ sự cai quản của ông, Kinh Châu được thái bình, an định, người đi đường cũng không nhặt của rơi. Ông được người dân vô cùng kính mến.
Đào Khản tính tình chất phác, giản dị, yêu mến và trân trọng đồ vật, không lãng phí vật chất. Ông không dễ dàng vứt bỏ bất cứ thứ gì, mà còn biến chúng thành những vật hữu dụng. Cuốn “Thế thuyết tân ngữ chính sự đệ tam” có chép lại câu chuyện của Đào Khản như sau:
Đào Khản vô cùng cần kiệm, lại nghiêm khắc, hành sự cẩn trọng, chu toàn. Khi đảm nhiệm chức thứ sử Kinh Châu, ông ra lệnh cho những quan viên đóng thuyền cất giữ toàn bộ những vỏ gỗ thừa, với số lượng không hạn chế. Mọi người đều không hiểu ông có dụng ý gì.
Sau này vào ngày đầu tháng Giêng, khi triều thần cùng tụ hội cũng là lúc tuyết bắt đầu tan, những bông tuyết trên đường tan chảy khiến mặt đất trơn ướt. Đào Khản liền lệnh cho thuộc hạ trải số vỏ gỗ thừa đó ra đường, tránh cho mọi người đi lại bị trơn trượt.
Khi trong phủ dùng trúc sào, Đào Khản thường bảo người hầu cất những đầu mẩu trúc sào thừa lại, chất cao như núi. Mọi người cũng không hiểu ông định làm gì.
Sau này Tuyên Vũ Hầu Hoàng Uẩn thảo phạt nước Thục cần đóng thuyền, Đào Khản mang những đầu mẩu trúc sào này làm đanh để nêm thuyền.
Chuyện Đào Khản trân trọng đồ vật trở thành điển cố cho câu thành ngữ “Trúc đầu, mục tiết” (đầu mẩu gỗ, trúc).
Đào Khản cần kiệm, yêu quý và trân trọng con người cũng như vật phẩm. Trong cuốn “Tấn thư Đào Khản truyện” thuật lại rằng: Một hôm, Đàn Khản mặc thường phục ra ngoài đi tuần, thì thấy một người tay cầm một nắm lúa còn chưa chín, bèn hỏi ông ta vì sao lại như vậy?
Người đi đường đáp: “Tôi đi qua ruộng lúa, thấy buồn chân buồn tay, nên tiện tay ngắt nắm lúa chơi mà thôi.” Đào Khản liền trách mắng rằng: “Ngươi không biết nỗi vất vả khi cấy trồng, mà dám tuỳ tiện phá hoại mùa màng nhà người khác!” Thế là ông cho bắt người này về đánh cho một trận. Từ đó bách tính càng biết trân quý sức lao động, nỗ lực chăm chỉ canh tác, nhà nhà đều cơm no, áo ấm.
Đào Khản tôn sùng đức tính cần kiệm, liêm khiết không thể tách rời khỏi sự giáo dục của mẹ. Trạm thị, thân mẫu của Đào Khản là một người mẹ hiền đức nổi tiếng Trung Hoa cổ đại. Bà được tôn xưng là một trong “Tứ đại hiền mẫu” cùng với Mạnh Mẫu, Âu Mẫu, Nhạc Mẫu (Thân mẫu của Mạnh Tử, của Âu Dương Tu và của Nhạc Phi).
Trong cuốn “Tấn thư liệt nữ truyện” chép lại rằng: Khi còn trẻ Đào Khản từng làm tiểu lại tại nha huyện Tầm Dương, từng cai quản việc giao dịch thị trường cá. Một lần nọ ông cử người mang biếu mẫu thân một con cá trích. Trạm Thị trả lại cá và viết một bức thư trách móc Đào Khản rằng: “Con thân làm quan, mà lại mượn việc công mưu lợi riêng, mang cá về biếu ta, không những không thể khiến ta vui vẻ, mà ngược lại còn khiến ta thêm rối lòng.”
Cũng nhờ có sự giáo dục của mẹ mà Đào Khản trở thành một con người đức độ và cần kiệm như thế.