"Sự Khẩn Cấp Chụp Lấy Tôi"
Dưới thời Ðức Phật có một vị tỳ khưu trẻ sinh trưởng
trong một gia đình giàu có. Trẻ trung và tráng kiện, thầy có đủ cơ hội để hưởng
thụ mọi lạc thú của cuộc đời trước khi xuất gia. Thầy có sức khỏe, có đông bạn
bè và thân quyến, và sự giàu có sung túc này khiến thầy được mọi người chiều
chuộng và làm vừa lòng. Nhưng thầy đã từ bỏ tất cả để đi tìm sự giải thoát.
Một ngày nọ, nhà vua cưỡi ngựa dạo trong rừng. Thấy
nhà sư trẻ, nhà vua dừng ngựa, đến gần và hỏi, "Thưa đại đức, đại đức còn
trẻ trung và khỏe mạnh, và đang ở vào lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, Ðại đức lại
sinh trưởng trong một gia đình giàu có. Tại sao đại đức bỏ lỡ cơ hội để hưởng
thụ tuổi trẻ của mình? Tại sao lại từ bỏ gia đình, khoác áo nhà tu và sống một
mình? Ðại đức có thấy cô đơn không? Có thấy chán nản không?"
Nhà sư trẻ trả lời, "Thưa ngài, khi nghe lời giảng
dạy của Ðức Phật, trong tôi đã khởi lên một tinh thần cấp bách. Sự cấp bách này
đã thúc đẩy tôi. Tôi muốn trích xuất ra từ cơ thể này những cái gì quí báu nhất
trước khi tôi từ giã cõi đời. Ðó là lý do tại sao tôi từ giã đời sống thế tục
và khoác lên mình chiếc y vàng."
Nếu bạn vẫn chưa đồng ý là cần phải hành thiền một
cách cấp bách -- mà không dính mắc vào thân thể hay đời sống -- thì những lời dạy
sau đây của Ðức Phật cũng có thể làm bạn đổi ý mà tinh tấn thực hành. Ðức Phật
dạy chúng ta phải luôn luôn ý thức rằng thân thể này chẳng gì khác hơn là sự hợp
thành của danh và sắc.
Danh và Sắc không thể tồn tại được dù trong một thời điểm
ngắn ngủi. Danh Sắc trôi chảy không ngừng. Một khi đã có thân tâm này, thì chẳng
có cách gì làm cho nó đừng già. Khi còn trẻ ta muốn mình mau lớn, khi lớn tuổi
lại muốn mình đừng già.
Chúng ta muốn được khỏe mạnh, nhưng sự mong mỏi của
chúng ta không bao giờ được thỏa mãn. Chúng ta bị đau khổ và bất toại nguyện, bị
bệnh tật dày xéo suốt cuộc đời. Chúng ta không thể nào sống mãi mãi được. Tất cả
chúng ta đều phải chết. Chết là điều trái ngược với lòng mong cầu của chúng ta,
nhưng chúng ta không ngăn cản được. Chỉ có một điều là lúc nào cái chết sẽ đến
mà thôi. Ta không thể nào ngăn cản đừng cho thân thể này thay đổi hay biến chuyển
theo thời gian.
Không một ai trên thế gian này có thể cam kết rằng những
điều ước ao của chúng ta về một đời sống phát triển, khỏe mạnh và bất tử sẽ được
bảo đảm. Người ta từ chối chấp nhận sự thật. Già muốn làm cho trẻ ra.
Các nhà
khoa học cố gắng tìm đủ mọi phương pháp, phát minh ra những máy móc kỳ diệu để
trì hoãn tiến trình hủy diệt của con người. Họ cố tìm cách làm sống lại những
người đã chết. Khi đau ta uống thuốc để cảm thấy dễ chịu. Nhưng dù cho có lành
bịnh thì ta cũng đau lại, không thể đi ngược lại với thiên nhiên. Chúng ta
không thể tránh khỏi già, bệnh, chết.
Ðiểm yếu đuối chính của chúng ta là thiếu an toàn. Hãy
nhìn những sinh vật khác, những con thú, và nhất là con người. Có chỗ trú ẩn
nào để tránh khỏi già, bệnh và chết không?
Nếu bạn hành thiền tích cực, bạn sẽ không ngạc nhiên
khi thấy những sự kiện này hiển bày trước mắt bạn. Nếu bạn có thể thấy bằng trực
giác sự sinh diệt của các hiện tượng thân tâm, bạn sẽ biết rằng chẳng có một chỗ
an toàn nào để ẩn trú cả. Không có một nơi nào an toàn. Dầu trí tuệ của bạn
chưa đạt được điểm này, nhưng khi suy tư về sự không bền vững của cuộc sống
cũng khiến bạn có những tư tưởng khẩn cấp và một sự khích lệ mạnh mẽ trong việc
hành thiền cũng phát sinh. Thiền minh sát có thể dẫn bạn đến một nơi thoát khỏi
những điều sợ hãi này.
Con người cũng có một điểm rất yếu nữa là không có quyền
sở hữu. Ðiều này có vẻ kỳ lạ. Chúng ta được sinh ra, chúng ta bắt đầu có sự hiểu
biết, chúng ta có tín nhiệm, phần lớn có việc làm và mua sắm với tiền lương của
mình. Chúng ta gọi đó là tài sản của chúng ta. Và trong một mức độ tương đối,
đó là những gì mà ta có.
Không nghi ngờ gì về việc này. Nếu tài sản thật sự là
của ta thì ta không bao giờ bị xa rời chúng. Nếu chúng bị vỡ hay mất, thì làm
sao ta có thể gọi đó là của sở hữu của chúng ta? Trong ý nghĩa tuyệt đối của
nó, khi con người chết, chẳng có thể mang theo được gì. Mọi vật chúng ta có được,
chúng ta tồn trữ, thu vét, đều phải để lại. Bởi thế, có thể nói rằng, tất cả
chúng sanh đều không có quyền sở hữu. Vào lúc chết, tất cả tài sản đều phải bỏ
lại.
Của sở hữu chia làm ba loại. Bất động sản là những thứ
ta không mang đi được như đất đai, nhà cửa, v.v... Theo tục đế, thì nó thuộc về
bạn, nhưng bạn phải bỏ nó lại khi bạn chết. Loại tài sản thứ hai, là động sản,
là những thứ ta có thể mang đi được như ghế bàn, áo quần, đồ dùng, v.v... Sau
đó là kiến thức, mỹ thuật và khoa học, tài năng bạn dùng để duy trì cuộc sống
và gia đình. Bao lâu chúng ta còn có một cơ thể lành mạnh thì tài sản, kiến thức
rất cần thiết, tuy nhiên, không có một bảo đảm nào để tránh khỏi sự mất mát.
Bạn
có thể quên những điều bạn biết. Bạn có thể bị cấm đoán bởi chánh quyền, hay gặp
những chuyện bất hạnh khác khiến bạn không thể xử dụng những hiểu biết của bạn.
Chẳng hạn như bạn là một bác sĩ giải phẫu, nhưng chẳng may tay bạn bị gãy hoặc
gặp những bất trắc khác khiến bạn bị loạn thần kinh nên bạn không thể tiếp tục
nghề nghiệp của mình.
Không một loại tài sản nào trên đây có thể đem lại sự
an toàn cho bạn ngay khi bạn còn đang sống trên mặt đất này nói chi đến đời
sau. Nếu bạn hiểu rằng mình chẳng làm chủ một thứ gì cả, và sự sống này chuyển
biến không ngừng, thì bạn sẽ cảm thấy an lạc nhiều hơn khi mọi đổi thay xảy đến
cho bạn.
Gia Tài Thật
Sự Của Chúng Ta
Tuy nhiên, có một thứ mà bạn phải mang theo khi chết:
đó là nghiệp. Nghiệp là kết quả của những hành động của chúng ta. Nghiệp tốt và
nghiệp xấu theo ta không rời bước. Ta không thể nào xua đuổi nó được dù ta có
muốn đi nữa.
Sự tin tưởng rằng nghiệp là gia tài của bạn, khiến bạn
hăng say trong việc hành thiền. Bạn sẽ hiểu rằng những hành động thiện là căn bản,
là vốn đầu tư hạnh phúc trong tương lai, và hành động bất thiện sẽ đem lại cho
bạn nhiều đau buồn sau này. Ðược như thế, bạn sẽ làm nhiều việc thiện phát xuất
từ lòng từ ái. Bạn sẽ giúp đỡ cho bệnh viện, cho những người đau khổ vì thiên
tai; bạn hỗ trợ cho những người trong gia đình, các bà con thân quyến, lo cho
người già, người tàn tật và cô đơn, bạn bè, và những người cần sự giúp đỡ.
Bạn
muốn tạo một xã hội tốt đẹp hơn bằng cách giữ gìn giới luật trong sạch; có lời
nói và việc làm hợp theo lẽ đạo. Bạn sẽ đem lại sự bình an cho mọi người xung
quanh bằng cách hành thiền và chế ngự các phiền não đang dâng tràn trong tâm
mình. Bạn sẽ tuần tự thành đạt các tuệ giác, và cuối cùng nhận chân được mục
đích tối hậu. Tất cả các việc làm như bố thí, cúng dường, giữ gìn giới luật
cũng như hành thiền đều sẽ theo bạn sau khi bạn chết như bóng với hình. Bởi thế,
hãy cố gắng làm các việc lành!
Tất cả chúng ta đều nô lệ cho ái dục. Ðó là một điều
hèn hạ xấu xa, nhưng đó là sự thật. Ái dục chẳng bao giờ no chán, vô chừng vô độ,
không sao thỏa mãn nổi. Khi nhận được một vật chưa đúng ý mình, bạn tìm cách để
có một vật khác. Và khi có được vật mình ưa thích rồi, bạn lại muốn được một vật
mới lạ khác nữa.
Lòng tham muốn không bao giờ được thỏa mãn. Ðó là bản chất cố
hữu của con người. Túi tham không đáy! Tham ái không bao giờ thỏa mãn được tham
ái. Nếu hiểu đúng đắn chân lý này, chúng ta sẽ không tìm kiếm sự thỏa mãn bằng
cách tự hủy hoại mình như thế. Vì vậy, Ðức Phật nói: "Biết đủ là gia tài lớn
lao nhất."
Bạn hãy đọc câu chuyện về người đan rổ sau đây: Có một
người đan rổ bình dị, luôn luôn vui sống với công việc của mình. Anh ca hát, và
huýt sáo suốt ngày trong khi ngồi đan rổ. Tối đến, anh trở về căn chòi lá bé nhỏ
của mình và ngủ một giấc ngủ ngon lành. Ngày nọ, một nhà triệu phú đi ngang qua
chỗ anh bán rổ. Thấy anh nghèo nàn, nhà triệu phú thương hại và tặng một ngàn đồng.
Anh đan rổ nhận tiền với lòng biết ơn. Anh ta chưa từng
có đến một ngàn đồng trong đời. Anh cầm tiền và trở về căn chòi xiêu vẹo của
mình. Anh phân vân không biết nên cất ở đâu. Căn lều này chẳng an toàn chút
nào. Suốt đêm anh trằn trọc không ngủ vì sợ trộm, sợ chuột cắn nát tiền.
Sáng hôm sau, anh đem túi tiền ra chỗ mình ngồi đan và
bán rổ, nhưng anh không hát và huýt sáo như thường lệ, vì anh lo lắng cho số tiền.
Tối đó, anh lại mất ngủ nữa. Sáng hôm sau, anh đem tiền trả lại cho nhà triệu
phú và nói: "Xin hãy trả lại hạnh phúc cho tôi".
Bạn có nghĩ rằng Ðức Phật không muốn bạn tạo kiến thức
và uy tín, không muốn bạn hăng say làm việc để kiếm tiền nuôi bản thân và gia
đình và dành dụm phòng khi đau ốm hay gặp cảnh khó khăn chăng? Không phải vậy!
Bằng mọi cách, hãy xử dụng đời sống và trí thông minh của bạn để thỏa mãn các
nhu cầu của mình một cách hợp pháp và lương thiện.
Hãy tri túc, bằng lòng với những gì mình đang có! Ðừng
nô lệ cho lòng tham ái của mình. Ðó là thông điệp của Ðức Phật. Hãy suy tưởng về
sự yếu kém của chúng sanh, để tận dụng tối đa thân thể và đời sống này trước
khi nó quá già, quá bệnh, không đủ sức để hành thiền và trở thành một cái thây
vô dụng.
Nguồn tin: (Sách) Ngay trong kiếp sống này
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự