Người hiểu về
trái tim
Nhà sư trẻ hiện đang định cư ở Mỹ, nhưng thầy là một cây
bút quen thuộc bởi tên thầy thường xuất hiện trên các ấn phẩm báo chí Phật giáo
như báo Giác Ngộ, Đạo Phật Ngày Nay… Thầy, ĐĐ.Thích Minh Niệm, năm nay 35 tuổi
nhưng có lẽ bạn đọc khi tiếp xúc với những bài viết ký tên Minh Niệm, hoặc nghe
radio trên website www.danong.com cũng sẽ nghĩ đây là những trải nghiệm của một
vị tu lâu năm, có công năng tu tập miên mật.
Vâng, với suy nghĩ bình thường của
người đời thì là thế, nhưng trong quán sát của đạo Bụt thì việc một người trẻ
có kiến thức Phật học uyên thâm không có gì là khó hiểu, bởi vị ấy có thể nhiều
đời, nhiều kiếp trước đã từng là Thích tử trong Tăng đoàn.
Nói như thế cũng không quá, bởi có đọc Hiểu về trái
tim mới thấy trái tim mình nhỏ bé quá, hạn hẹp quá. Đôi khi nhìn đời, nhìn người
và phán xét cẩu thả, thiếu bi tâm chỉ bởi vì trái tim mình không đủ lớn, không
đủ rộng rãi để bao dung, để hiểu và thương cho trúng.
Hãy nghe thầy Minh Niệm
nói về những điều rất bình thường từ những biểu hiện tâm lý thường ngày của
chúng ta: "Và điều mà ta thường than thở với nhau nhiều nhất đó là đau khổ,
hễ đau là phải khổ, như là một sự thật không thể thay đổi.
Ai đó tát vào mặt ta
một cái có thể làm ta đau, nhưng nếu ta có lỗi với người ấy và sẵn sàng đón nhận
thì cái tát đó sẽ không làm ta khổ. Đằng này bằng một thái độ khinh miệt, họ đã
"tặng" cái tát để sỉ nhục ta trước mọi người thì ta khổ thật đấy. Làm
ăn bị thất bại, tiền bạc mất trắng, ai mà chẳng đau vì đó là mồ hôi nước mắt mà
ta đã chắt chiu dành dụm suốt bao năm trời.
Nhưng từ cái đau ấy đến cái khổ vẫn
còn một khoảng cách khá xa, nếu ta biết rõ nguyên nhân thất bại và hoàn toàn chấp
nhận. Và có lẽ, cái đau thống thiết nhất của nhân sinh chính là sự chia lìa,
nên thường được ví như khúc ruột cắt đứt làm đôi, "đoạn trường thương
đau". Nhưng nếu ta ý thức được hợp tan là chuyện nhân duyên, biết đâu đó
cũng là cơ hội để hai người nhìn lại mà thay đổi chính mình để tạo ra cái duyên
mới trong tương lai tốt đẹp hơn…" (Đau khổ).
Hẳn nhiều người sẽ có cảm xúc như tôi: "Sao thầy ấy
có thể hiểu đến chân tơ kẽ tóc tâm lý con người thế nhỉ?", và rồi chúng ta
cũng sẽ đồng ý với nhau rằng: "Nhờ thầy ấy luôn để ý đến nỗi khổ niềm đau
của con người".
Có để ý, quan tâm, có lắng nghe thì mới có thể nhìn thấy
được tận sâu trong ngóc ngách hồn người những biểu hiện về khổ đau như thế.
Ngày xưa, sau khi đắc đạo, Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cũng đã giảng về đau
khổ thông qua "Tứ diệu đế" cho 5 anh em ông Kiều Trần Như. Và rồi
trong cuốn sách này, đau khổ cũng được đặt ở vị trí đầu tiên như một sự mở đầu
về sự thật: ai trong chúng ta cũng có khổ đau.
Bệnh khổ, xa người thương khổ,
chết khổ… Những nỗi khổ ấy chất chồng, sự biểu hiện thì không ai giống ai nhưng
ai cũng khổ. Thế nhưng, khi một người đối trước khổ đau người ta vẫn thường chạy
trốn bằng cách này, cách kia; có khi phân bì với người này, người nọ và tự áp đặt
rằng: tôi là người khổ nhất thế gian.
Chính vì thế mà nỗi khổ cứ đeo bám dài
dài; ý đó cũng được biểu hiện trong bài Thành kiến khi ĐĐ.Minh Niệm nói đến
cách nhìn sự sự vật vật của con người thường luôn bị sai (có thành kiến, ví dụ
mình khổ nhất) là bởi những tấm kính đen hoặc hồng.
Và chúng ta có thể dừng lại một tí, để cảm nhận xem mình có từng như vậy chưa, có từng thành kiến: "Thành kiến chỉ đơn thuần là thái độ bám víu vào kinh nghiệm cũ để áp đặt lên thực tại, nên có thành kiến tốt và thành kiến xấu. Nói dễ hiểu là ta thường đeo mắt kính màu hồng và mắt kính màu đen khi nhìn người, nhìn đời.
Nếu ta đã từng biết người kia rất dễ thương qua
tiếp xúc hay dựa vào thông tin từ người khác, thì khi gặp họ ta sẽ có thiện cảm
và hết lòng với họ ngay mà không cần phải quan sát hay khám phá gì thêm nữa.
Ta
đang đeo mắt kính màu hồng nên thấy họ nói cái gì cũng hay, làm cái gì cũng tuyệt.
Bây giờ phương tiện truyền thông và quảng cáo rất mạnh mẽ, chỉ cần một vài bài
báo ca ngợi hết lời về nhân vật đó thì lập tức trong ta nảy sinh ngay cảm tình,
sau này có cơ hội tiếp xúc ta sẽ dễ dàng bỏ qua các bước quan sát và thận trọng
căn bản.
Trường hợp được biết người kia là một kẻ xấu, dù thông tin ấy chưa có
gì đảm bảo là chính xác, ta vẫn có khuynh hướng thích đeo mắt kính màu đen trước
cho chắc ăn. Người kia cố gắng bao nhiêu ta cũng không để mắt tới, hoặc cứ
phòng thủ và không chấp nhận. Đến khi ta không còn khả năng lấy chiếc mắt kính
màu đen ấy ra, nhìn đâu cũng thấy một màu tăm tối, không còn thấy ai dễ thương
và tốt bụng nữa, là ta mất đi con mắt trong trẻo mà tạo hóa đã trao tặng cho mỗi
người. Không có con mắt ấy là không gian của ta sẽ thu hẹp lại. Ta sẽ biến
thành kẻ sống u uất, lạnh lùng và bế tắc" (Thành kiến).
Từ trái tim
tâm hồn đến trái tim trẻ thơ Việt
Và thật là điều mầu nhiệm khi từ việc thầy Minh Niệm "hiểu
về trái tim" - tâm lý con người thì những nghệ sĩ Việt Nam, do Quyền Linh
và Chi Bảo đứng đầu đã cùng lập nên Chi hội Từ thiện Hiểu về trái tim (do Hội Bảo
trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM bảo trợ). Nhân sự kiện này, cuốn sách Hiểu về trái
tim cũng ra mắt, với giá bán 88.000 đồng/quyển và toàn bộ số tiền thu được đều
dành cho việc phẫu thuật tim cho trẻ em nghèo.
Nghe thông tin ấy có lẽ ai cũng hoan hỷ bởi trái tim đã
kết nối được trái tim. Khi một người (ĐĐ.Minh Niệm) chia sẻ những cảm thụ và
cái nhìn về trái tim con người qua sự thực tập nhằm giúp nhiều người hiểu và
thương mình và người thì cũng là lúc những trái tim khác rung lên, đồng cảm.
Nói như nghệ sĩ Quyền Linh trong buổi giao lưu ra mắt Chi hội Từ thiện Hiểu về
trái tim tại
Anh khẳng định như thế và rất may
điều đó cũng kịp truyền đến trái tim của rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ để
họ cùng chung tay. Đó là sức mạnh tổng hợp được tưới tẩm bởi năng lượng lắng
nghe, bởi khả năng hiểu và thương…
Những cuốn sách Hiểu về trái tim được lan xa sẽ chữa
lành được những trái tim bị tổn thương do đau khổ, thành kiến, ghen tuông… Và
khi đó cũng là lúc con người quay lại lắng nghe chính mình, nhận diện cảm xúc
cũng như hành vi của mình. Có những việc, những xúc cảm mà lắm lúc chúng ta
nghĩ rằng mình đang tặng ai đó, như tình thương nhưng hóa ra khi đó chúng ta đã
đặt tình thương cho chính mình hay là sự ích kỷ lên hàng đầu.
Ví dụ như khi
mình nói yêu ai đó nhưng lúc nào mình cũng quản thúc, lúc nào cũng bắt người ta
phải báo cáo (ở đâu, đang làm gì) trong sự nghi ngờ và sợ hãi mất người ta, đó
có phải là tình thương, tình yêu chân thật? Độc giả sẽ tìm thấy được câu trả lời
ấy trong cuốn sách của thầy Minh Niệm.
Và thực tế hơn, khi mua cuốn sách cũng là lúc chúng ta
góp tay chữa lành những trái tim của những em thơ đang đau nhói nhưng không có
tiền để mổ; và ngay lúc đó tôi hình dung những người thân các em cũng vừa được
xoa dịu, trái tim của thân nhân các em cũng bớt khắc khoải, đau buồn…
Tác giả bài viết: Minh Niệm
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự