“Trong không khí rộn ràng của ngày Rằm tháng Bảy, lễ
Vu Lan tri ân và báo ân, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị
sự kiêm trưởng ban Hoằng pháp TW - Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, về nguồn gốc và
ý nghĩa sâu xa của ngày này.
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm
Lễ Vu Lan là
một ngày lễ truyền thống, là ngày hội với những người con có dịp báo hiếu, tỏ
lòng biết ơn với cha mẹ. Vậy nguồn gốc và ý nghĩa sâu xa của ngày lễ này thế
nào thưa Thượng tọa?
Theo kinh Vu Lan Bồn thì Mục Liên là một trong mười đệ
tử của Đức Phật. Ngài là thần thông số một. Mẹ ngài là Thanh Đề khi sống làm
nhiều điều ác. Ngài dùng thiên nhãn thông soi thấy mẹ mình bị đày đọa dưới địa
ngục, gày đói khổ đau. Ngài dùng phép của mình đựng cơm trong bình bát dâng mẹ
nhưng ác nghiệp quá nặng nên cơm biến thành lửa đỏ than hồng.
Ngài cầu xin đức Phật chỉ phương cách cứu mẹ. Đức Phật
chỉ rằng vào ngày Rằm tháng bảy đem hoa quả ngon, thức ăn quý cúng Phật và chư
tăng mười phương mẹ sẽ thoát nạn. Mục Liên hồi hướng giúp mẹ thoát kiếp nạn bị
lưu đày địa ngục. Đó là nguồn gốc ngày lễ Vu Lan.
Thành kính tri ân, báo ân, báo hiếu với
cha mẹ, ông bà tổ tiên là điều cần làm nhất trong mỗi con người nhân dịp lễ Vu
Lan.
Lễ Vu Lan thực sự là lễ báo hiếu, tri ân và báo ân. Mỗi
một con người, đặc biệt là một phật tử luôn có bốn ơn: Ơn tam bảo, ơn Phật pháp
tăng, ơn cha mẹ sinh thành - thầy dạy bảo và ơn đồng bào nhân loại. Trong ngày
lễ Vu Lan báo hiếu, người ta đặc biệt trân trọng ơn cha mẹ sinh thành bởi cha mẹ
sinh thành là cái gốc của mọi sự. Cha mẹ tạo ra chúng ta thế nhưng muốn có cha
mẹ lại phải nhớ đến ông bà tổ tiên, cửu huyền thất tổ. Vì thế, trong những ngày
lễ Vu Lan, chúng ta còn phải tưởng nhớ công ơn của cả ông bà, tổ tiên.
Theo tư tưởng
của Phật giáo thì việc tỏ lòng biết ơn với đấng sinh thành, ông bà tiên tổ, phật
tử - người dân nên phải thực hiện như thế nào cho đúng với đạo lý và truyền thống?
Việc tỏ lòng thành kính, biết ơn với cha mẹ, tổ tiên của
mỗi người có những điểm khác nhau phụ thuộc vào hoàn cảnh riêng của mỗi người.
Tuy nhiên, Phật dạy rằng có những biểu hiện mà bất cứ ai cũng phải thể hiện được
để tỏ lòng yêu kính của mình, nhất là những người trẻ tuổi càng phải nhận thức
sâu sắc và thể hiện đúng đạo lý.
Với những ai còn may mắn được cài bông hồng trên ngực
áo trong ngày lễ Vu Lan, hãy cố gắng hết lòng vâng lời, hiếu kính, lễ phép với
cha mẹ. Đó là may mắn lớn nhất mà người đó còn có được trên cuộc đời này.
Vàng mã chỉ là hình thức, không nên quá
lạm dụng để tránh lãng phí.
Với những ai mà cha mẹ khuất núi rồi hãy giữ vững nề nếp
gia phong, dòng tộc, anh em hòa thuận. Thực ra, không chỉ là trong ngày Vu Lan
chúng ta mới thể hiện tinh thần Vu Lan mà mỗi người phải có tinh thần Vu Lan
trong suốt cuộc đời. Ba trăm sáu mươi lăm ngày trong một năm phải là cả ba trăm
sáu mươi lăm ngày lễ Vu Lan trong tâm thức mỗi con người.
Mùa lễ Vu Lan
năm nay, những hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có gì mới so với những
năm trước, thưa Thượng tọa?
Năm nay, chúng ta hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng
Long - Hà Nội. Đây là sự kiện trọng đại mà trong những ngày lễ Vu Lan năm nay,
chúng ta không chỉ tưởng nhớ công ơn của ông bà cha mẹ của mình mà còn phải tri
ân với quốc gia, các bậc quốc sư, tăng thống…
Mùa Vu Lan năm nay, Giáo hội Phật giáo đặc biệt chú trọng
vào giới trẻ, học sinh, sinh viên. Những hoạt động ca múa nhạc hướng về cha mẹ
của hội thanh thiếu niên phật tử, những buổi thuyết pháp tại các chùa: chùa Bằng,
chùa Sùng Phúc, chùa Kim Liên… Đặc biệt, không đốt vàng mã tránh xa hoa lãng
phí lại không ảnh hưởng đến môi trường theo đúng tư tưởng nhà Phật.
Trong bối cảnh
rùa tai đỏ đang trở thành hiểm họa lan tràn, xâm hại môi trường sống vậy mùa Vu
Lan năm nay việc phóng sinh có được nhà chùa quan tâm nhắc nhở các phật tử
không ạ?
Phóng sinh và bố thí là sự từ bi của Phật giáo nhằm cứu
khổ, cứu nạn cho các sinh linh trên cuộc đời. Việc phóng sinh phải diễn ra tự
nhiên đúng quy luật. Chẳng hạn như khi chúng ta ra chợ thấy có một mớ cua, cá, ốc…
chúng ta bỏ tiền ra để chuộc sinh mệnh cho chúng rồi thả đi. Như thế gọi là
phóng sinh.
Nếu như trước mỗi dịp có nghi lễ phóng sinh, chúng ta
lại đặt mua chim, cá, rùa… đặc biệt là rùa tai đỏ nguy hại để phóng sinh là phản
quy luật tự nhiên, gây nguy hại môi trường nghiêm trọng. Như thế, chúng ta gián
tiếp gây tội ác chứ không phải như vậy là phóng sinh.
Nghiêm cấm việc phóng sinh rùa tai đỏ
nguy hại ra môi trường một cách khẩn cấp trong mỗi dịp nghi lễ
Ngay từ khi bắt đầu mùa Vu Lan năm nay, tại chùa Bằng
nơi tôi trụ trì, tôi đã nhắc nhở các phật tử tuyệt đối không được phóng sinh
rùa tai đỏ xuống ao chùa. Vừa rồi, có phật tử xin được phóng sinh hai tải rùa
xuống ao chùa nhưng tôi không rõ là rùa gì nên không nhận.
Tại bất cứ buổi thuyết pháp nào, tôi cũng nhắc nhở các
phật tử về tác hại và những dấu hiệu phân biệt rùa tai đỏ. Phật giáo có tư tưởng
“dĩ sát chỉ sát” nghĩa là giết một con vật để cứu được nhiều con vật khác là
không có tội. Còn cứu một con vật lại gây hại nhiều con vật khác là có tội.
Chính vì thế, trong dịp lễ Vu Lan năm nay, tôi đã thông báo cho các chùa tại các
địa phương phải nghiêm cấm phóng sinh rùa tai đỏ.
Xin cảm ơn Thượng tọa!
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự