Nói đến cái chết, nhất là những cái chết trẻ, các tai nạn bất ngờ, ta vẫn thường nhắc đến sự vô thường và ngắn ngủi của cuộc sống. Nghĩ về người rồi lại nghĩ về ta. Chúng ta nhận ra mình đã chưa thực sự sống trọn vẹn. Ta biết mình cần phải trân trọng hơn cuộc sống này, yêu thương bản thân và những người xung quanh. Nhưng liệu suy nghĩ đó ở lại trong ta được bao lâu? Cảm xúc qua rồi, chúng ta lại trở về với vòng quay của cuộc sống. Ta lại quên mất mình. Ta lại hờ hững với người thân yêu. Và ta cũng đâu có nhớ đến sự có mặt của cái vô thường và ngắn ngủi kia nữa.
Con người là vậy. Sống theo cảm xúc. Cảnh đến đâu, tâm liền biến chuyển theo đó. Chúng ta cứ cho rằng mình là một cá thể đặc biệt và duy nhất trên thế giới này. Ta làm mọi thứ để phục vụ và thỏa mãn mọi mong muốn, nhu cầu của bản thân. Cuộc sống của chúng ta xoay vần trong sự thiên biến vạn hóa của mọi cảm xúc nơi lồng ngực. Ta biết điều đó và cho rằng nó vốn là cái lẽ tự nhiên. Không mấy ai thực sự hiểu rằng, con người vốn chỉ là nô lệ của tâm thức. Bởi, không phải lúc nào chúng ta cũng làm chủ được tâm trạng của chính mình. Gặp cảnh này, ta đau khổ, gặp cảnh kia, ta vui mừng. Yêu ai đó rồi, chúng ta đâu thể kiểm soát tâm trí cho thôi nhớ nhung. Người thương mến ra đi, ta đâu thể kiềm chế nỗi xúc động nghẹn ngào. Ai làm hay nói việc gì trái ý, cơn giận hay nỗi ức chế của chúng ta bừng bừng lên lúc nào không hay và chẳng thể kiểm soát…
Sau tất cả, ta chỉ muốn tìm đến sự bình yên nhưng sao mà khó thế?!
Thực tế thì chúng ta vốn là những bản thể chẳng khác nhau. Chỉ vì thói quen bám chấp mà ta tự tạo nên con người mình với cá tính, tính cách riêng biệt. Các cảm xúc, suy nghĩ trong mỗi người cũng nương theo đó mà biến chuyển. Nếu biết thực tập để buông bỏ mọi bám chấp, bạn mới tìm về lại được con người thật của mình. Chắc chắn, con người đó sẽ tĩnh lặng vô cùng, bình yên và an lạc. Bởi không chấp vào cảnh và điều nào đó bên ngoài thì đâu thể có những thứ cảm xúc hỗn loạn nổi lên để làm lòng bạn dao động được nữa.
Ngày hôm nay, tôi biết được thông tin bất ngờ về sự ra đi của một người bạn. Như thường lệ, cảm xúc bàng hoàng, hoang mang và hụt hẫng xen lẫn cả sự nuối tiếc cứ theo đó mà dấy lên trong tôi. Trong giây phút mất chánh niệm, tôi để chúng chiếm hữu toàn bộ tâm trạng mình. Đối với đại đa số mọi người, thương tiếc trước sự ra đi của người khác là một điều bình thường và cũng cho thấy ta cũng là một người… có tình. Nhưng điều đó sẽ không thực sự đúng nếu ta đã hiểu rõ bản chất của chính chúng ta.
Cái tôi nhận ra là sự hiểu của tôi về cái bản chất đó chưa thắng nổi thói quen của cảm xúc, mà ẩn sâu trong đó là tập khí nơi tâm thức. Nó vẫn nương theo cảnh, vẫn bám chấp vào cảnh để mà chi phối cảm xúc trong tôi. Tôi vẫn chưa thay đổi được cách nhìn của mình về thế giới, rằng con người ta vốn chẳng khác nhau. Tất cả chỉ là sự tái hợp khi đủ duyên và tan rã khi nhân duyên đã hết. Cái duyên tan hợp ở đây chính là sự hòa nhập giữa thể xác và linh hồn của bạn tôi. Bạn chẳng khác nào tôi. Thân xác bạn có thể chẳng hoạt động được nữa nhưng bạn vẫn còn đó, vẫn hiện hữu ở quanh đây. Bạn cũng có mặt trong tôi, chỉ là tôi còn chấp rằng bạn ra đi mãi mãi rồi, bạn không còn sống nữa nên những thứ cảm xúc tiêu cực có cơ hội nổi lên. Tôi đang đánh mất chính bản thân mình.
Mỗi lúc như thế này, tôi phải cố gắng tỉnh táo kéo mình trở về với chánh niệm, với sự hiểu biết của bản thân để quán chiếu, nhắc nhở rằng: ‘Đừng nên bám chấp, phân biệt nữa. Đó chỉ là lẽ thường tình, sự hợp tan của nhân duyên mà thôi. Chẳng có gì mất đi đâu cả, duyên đến thì ta cứ bình thản để đón nhận. Rồi có ngày ta cũng như vậy. Sự đau khổ đâu có ý nghĩa gì? Nó chẳng nói lên rằng ta giàu cảm xúc tới mức nào, ta biết yêu thương đến thế nào. Nó chỉ cho thấy ta đang tự biến mình thành nô lệ của tâm thức nơi mình mà thôi’. Tôi thay đổi cách nhìn của mình. Nỗi buồn trong tôi vì thế mà nguôi ngoai. Tôi nhận ra mình đã trở về gần hơn với thế giới bình yên vốn có. Tôi đã quay lại con đường tìm lại bản thân, học cách buông bỏ bám chấp. Có như vậy, mọi sự việc xảy đến mới không làm tôi xao động. Bởi tôi hiểu rằng cảnh đó, người đó chính là tôi rồi, chấp vào chỉ thêm phiền não và đau khổ. Điều đó vốn chỉ là vô nghĩa mà thôi.
Cuộc sống khổ đau hay hạnh phúc của mỗi người chỉ khác nhau ở cách ta đón nhận mọi thứ đến với mình thế nào. Khi hiểu được bản chất của sự sống, tìm cách thay đổi những thói quen, lối mòn trong tư duy, nhận thức của mình, bạn sẽ trở nên ngày càng vững mạnh và thênh thang hơn trong cuộc sống.
(Bài viết nằm trong tác phẩm “Có một ‘ngôi nhà’ để trở về”)
Chap Zen
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự