Kho sách có
từ thời vua Tự Đức
Theo sử sách cổ ghi lại thì chùa Vĩnh
Nghiêm xưa kia có tên là chùa Đức La (cùng tên gọi với xã Đức La), sau
này mới đổi tên thành Trí La. Chùa Vĩnh Nghiêm được nhà Trần xây dựng trên nền
đất cũ có từ thời Lê. Khi Thiền viện Trúc Lâm ra đời, trong gần 8 thế kỷ chùa
Vĩnh Nghiêm đã trở thành trung tâm đào tạo các tăng tử của phật giáo trên cả nước.
Dẫn chúng tôi vào khám phá kho "Mộc thư khố" tại phòng Tam Đảo của
chùa, Đại Đức Thích Thanh Vịnh cho biết, hiện chùa còn lưu giữ 8 kệ sách trong
điện chính tẩm với tổng số hơn 3.000 bản sách cổ. Trong đó hầu hết là kinh,
sách thuốc, luật giới nhà Phật. Số còn lại là trước tác của Tam thế tổ và một số
vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử (thơ, phú, nhật ký...) được khắc bản
cách đây trên dưới 200 năm.
Đại đức Thích Thanh Vịnh bên kho sách cổ.
Các bản sách cổ này được khắc in dưới triều các vua Tự
Đức, Thành Thái nhà Nguyễn. Kho mộc bản trong chùa Vĩnh Nghiêm có hơn 30 đầu
kinh, sách các loại, trong đó quá nửa là mộc bản khắc bộ Hoa Nghiêm kinh,
phần còn lại là các điều răn đe của giới phật và phật pháp, lịch sử hình thành
và phát triển của Thiền viện Trúc Lâm... do tam vị sư tổ và Đại sư Huyền Quang
biên soạn.
Hàng trăm năm không bị mọt
Đại đức Thích Thanh Vịnh cho hay, toàn bộ "Mộc thư khố" đều làm bằng
gỗ thị trong khuôn viên của nhà chùa. Các sư tổ phải huy động hàng trăm phật tử
các nơi về để hỗ trợ việc đốn cây, xẻ gỗ và kêu gọi các thợ giỏi trong vùng
ngày đêm đục đẽo làm các khố thư.
Đại đức Thích Thanh Vịnh giải thích, việc các tổ sư
trong chùa chọn gỗ thị để làm "Mộc khố thư" mà không dùng loại gỗ
khác bởi đây là loại gỗ trắng, thớ gỗ mịn lại ít cong vênh. Khi gỗ còn tươi rất
mềm, khi khô lại trở nên dai bền hiếm có.
Để làm được các tấm khố thư như bây giờ, các sư tổ
trong chùa đã thực hiện một quy trình chế biến gỗ rất nghiêm ngặt. Gỗ lọc từ
thân cây thị, xẻ ra thành các kích cỡ khác nhau, không khắc bản luôn mà phải
cho vào nồi đun lên bằng cỏ khô trong vòng một đêm, sáng mai mới dỡ ra để khắc
chữ. Như thế các tấm gỗ mới không bị cong vênh, nứt toác mà tạo được độ dẻo dai
cho thân ván.
Do đó, cho dù trải qua hàng trăm năm nhưng các tấm gỗ đó vẫn không có bất cứ sự
cong vênh nào, nét chữ vẫn tinh xảo lạ thường. Xưa kia "Mộc thư khố"
được làm ra để đóng thành sách cho các phật tử ôn luyện. Khi in phải quét lên
đó một lớp mực đen nên các mảnh ván đều có màu đen bóng. Lớp dầu mực này thấm
sâu vào ruột gỗ, có tác dụng chống thấm nước, ẩm mốc, mối mọt. "Khố mộc
thư" được khắc bằng chữ Hán trên hai mặt, kiểu chữ chân phương, chữ khắc
sâu, sắc nét và điều độc đáo là tất cả được khắc ngược (âm bản). Mỗi mặt ván 2
trang sách, có các đường gờ chỉ để giữ khoảng cách giữa các trang, các dòng.
Cho đến ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu vẫn chưa thể đưa ra một quy trình thực
hiện các cuốn sách cổ này. Nhiều chữ trong các tấm ván có đến gần 50 nét nhưng khoảng
cách chỉ là mm, nét chữ rất đều đặn và sắc nét. Lý giải cho vấn đề này, Đại đức
Thích Thanh Vịnh được nghe kể lại rằng, trước kia chùa có một bản mẫu chuẩn để
khắc các loại chữ, với các khổ chữ khác nhau. Nhưng bản mẫu đó đã bị thiêu rụi
trong những năm chùa bị giặc Pháp chiếm đóng. (Còn nữa...)
“Hiện nay,
chùa Vĩnh Nghiêm và Sở VH-TT&DL Bắc Giang đang phối hợp để in kho sách ra
giấy dó, phân chia các loại đầu sách, đồng thời dịch nghĩa từ chữ Hán Nôm sang
chữ Quốc ngữ. In xong nhà chùa sẽ giữ một bản làm nguồn tư liệu cho
các sư hậu thế. Một bản sẽ để tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang để cho mọi người dân đến
chiêm ngưỡng”.
Nguồn tin: bee.net
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự