Cấm đốt đồ mã: Khắp nơi mời… mua “lễ”

Thứ năm - 14/10/2010 03:45
Nghị định về việc cấm đốt đồ mã nơi công cộng đã được ban hành, nhưng tại các đền chùa, di tích, tình trạng bán và đốt đồ mã vẫn diễn ra và khó quản lý.

Khắp nơi mời mua “lễ”

Thấy chúng tôi hỏi đường vào đền Bà Chúa Kho, xã Vũ Ninh, TP.Bắc Ninh, nhiều người đi xe máy chạy lại mời mua “lễ”. Dù đã từ chối nhiều lần nhưng những người này vẫn kiên trì bám theo đến tận cửa đền. Vào đến cổng đền lại có thêm nhiều người nữa mời mua “lễ” đã được sắp sẵn.

Thậm chí có người bán “lễ” còn “cảnh báo” rằng vào đền Bà Chúa Kho mà không có “lễ” thì đừng hi vọng cầu xin được gì. Theo tìm hiểu của NTNN, “lễ” ở đây là đồ mã được bày trên những chiếc mâm nhỏ. Loại “lễ” phổ biến và được nhiều người mua nhất có giá 20 nghìn đồng.

Theo một người bán đồ mã trước cổng đền Bà Chúa Kho, khách đến đây đa phần đều mua đồ mã mang vào đền đốt. Họ cho rằng đây là ngôi đền rất thiêng, nếu đốt nhiều “lễ” bà sẽ phù hộ cho nhiều tiền tài, danh vọng.

Ông Nguyễn Sự (Ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho) cho biết, đền này nổi danh là nơi đốt nhiều đồ mã nhất tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên khách cũng chỉ đốt nhiều vào các ngày lễ hội, còn ngày thường đốt rất ít.

Khi được hỏi về việc thực hiện quy định cấm đốt đồ mã nơi công cộng của Thủ tướng Chính phủ, ông Sự lúng túng cho biết, Ban quản lý chỉ mới biết về quy định trên qua các phương tiện thông tin đại chúng. Còn việc thực hiện quy định, khi nào có chỉ thị của chính quyền TP. Bắc Ninh, Ban quản lý mới “dám” tiến hành.

Không riêng gì đền Bà Chúa Kho, nhiều di tích khác ở tỉnh Bắc Ninh như chùa Phật Tích, chùa Dâu… đồ mã cũng được bày bán cùng nhiều mặt hàng khác. Hầu hết các di tích tâm linh bây giờ vẫn còn dành riêng một khu để hóa vàng.

Bà Nguyễn Thị Tường – thủ hộ chùa Phật Tích cho biết, từ cách đây hai năm nhà chùa đã khuyến khích việc không nên đem đồ mã đến chùa đốt để tránh lãng phí và quan trọng hơn là không làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan của ngôi chùa. Từ khi có quy định cấm đốt đồ mã nơi công cộng, nhà chùa đã tích cực hơn trong việc nhắc nhở khách mang đồ mã đến chùa. Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở. Còn biện pháp cụ thể để ngăn ngừa thì chùa vẫn chưa có.

Muốn cấm cũng khó

Ông Nguyễn Thanh Tâm – Trưởng phòng VH-TT TP.Bắc Ninh cho biết, sắp tới chính quyền thành phố sẽ tiến hành bước đầu tiên trong việc thực hiện quy định về cấm đốt đồ mã nơi công cộng bằng việc tổ chức hội nghị tập huấn cho tất cả các cán bộ ban quản lý di tích trong khu vực thành phố.

Bên cạnh đó, Phòng VH – TT cũng sẽ tiến hành cử cán bộ giám sát việc thực hiện quy định cấm đốt đồ mã ở các di tích vào các dịp lễ hội và sẽ tiến hành xử phạt theo đúng quy định nếu ai đó cố tình đốt đồ mã.

Vào những dịp lễ hội, Phòng VH – TT cũng sẽ đôn đốc ban quản lý các di tích thường xuyên nhắc nhở những người tham gia lễ hội không được đốt đồ mã qua hệ thống loa phát thanh. Nhưng ông Tâm cũng thừa nhận việc quản lý, giám sát cũng chỉ thực hiện được vào các dịp lễ. Còn những ngày bình thường phải phụ thuộc vào ban quản lý các di tích, phòng VH-TT không đủ chức năng, năng lực để thực hiện.

 

Muốn cấm đốt đồ mã thì phải cấm cả bán đồ mã.

Ông Tâm cho rằng, kế hoạch thì sẽ có nhưng thực hiện kế hoạch lại không hề dễ dàng. Thứ nhất, đây là vấn đề ảnh hưởng đến tín ngưỡng tâm linh. Nếu muốn cấm đốt đồ mã thì phải thay đổi cách suy nghĩ của đại đa số người dân VN.

Nhưng không phải ai cũng hiểu và nhận thức được vấn đề này. Nếu có tiến hành tuyên truyền thì cũng phải tuyên truyền từng bước một đến mọi tầng lớp nhân dân. Và kế hoạch tuyên truyền cũng là một kế hoạch dài hơi.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện – Phó Giám đốc Thư viện Hán Nôm thì đồ mã chính là vàng mã. Tất cả những gì liên quan đến việc đốt vàng mã đều bị cấm theo Nghị định số 75/2010/NĐ – CP. Tuy nhiên, cũng theo ông Diện, việc cấm đốt đồ mã là lệnh cấm không thực tế bởi nó liên quan đến tín ngưỡng tâm linh của người VN.

Vấn đề thứ hai, ông Nguyễn Thanh Tâm cho rằng, muốn cấm đốt đồ mã ở các đền, chùa thì trước tiên phải cấm bán đồ mã ở các khu vực này. Tuy nhiên đây là một việc rất khó thực hiện. Theo ông Tâm, ở đền Bà Chúa Kho, bán đồ mã gần như là nguồn sống chính của rất nhiều người dân ở đây.

Nếu tiến hành cấm ngay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích kinh tế của người dân địa phương, tạo nên làn sóng phản ứng trong nhân dân. Thêm nữa, nếu cấm các cửa hàng này, người đi lễ chùa sẽ mua đồ mã ở nơi khác đem đến…

Nói về biện pháp để thực hiện việc cấm đốt đồ mã nơi công cộng, hòa thượng Thích Thanh Hải – trụ trì chùa Vạn Xuân, Thuận Thành, Bắc Ninh cho rằng, tuyên truyền là một biện pháp sẽ mang lại hiệu quả nếu các cơ quan quản lý có sự kiên trì. Việc đốt đồ mã vốn xuất phát từ truyền thống hiếu thảo, luôn hướng về tổ tiên của dân tộc VN.

Vì vậy phải làm cho người dân hiểu rằng đốt đồ mã không phải là cách duy nhất để thể hiện tấm lòng với tổ tiên. Bên cạnh đó, cũng phải nhấn mạnh là trong giáo lý của đạo Phật không khuyến khích đốt đồ mã. Đó là một việc làm tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường. Chùa Vạn Xuân đã thực hiện việc tuyên truyền cho người dân ở quanh vùng và đã đạt được hiệu quả cao.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây