Một số ý kiến đồng tình với việc cấm lên đồng, xem
bói, xin ấn... nhưng riêng với xin xăm nên cấm hay không còn nhiều ý kiến khác
nhau.
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng xin xăm (xóc thẻ ở miền Bắc) ở đền, phủ là những điều
tốt đẹp. “Tương đương một thẻ có một phiếu giải thích những điều tốt đẹp, không
có gì tác hại lớn để phải cấm đoán. Tôi đến Trung Quốc, Nhật Bản đều giữ xin
xăm như là nét văn hóa”.
Người dân đến xin xăm tại Lăng Ông Bà Chiểu, TP.HCM
nhân dịp đầu xuân. Ảnh: HTD
Ngăn trục lợi, không nhất thiết phải cấm
GS Thịnh cũng cho rằng có thể có một số người lợi dụng các hoạt động xin xăm,
xóc thẻ… để trục lợi nên luật đưa ra để ngăn chặn những điều này. “Thế nhưng vấn
đề ngăn chặn hành vi lợi dụng hoạt động trục lợi khác với việc cấm các hoạt động
đó” - GS Thịnh khẳng định.
TS Đinh Văn Hạnh, Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại TP.HCM, cho rằng
xin xăm là nét đẹp văn hóa, là cách đem lại niềm tin, an ủi về mặt tinh thần
cho mỗi người. Khi đi xin xăm, người xin xăm cũng không phải sống phụ thuộc
hoàn toàn vào lời giải từ xăm. Bên cạnh đó, khi cuộc sống bế tắc thì xin xăm như
là phương tiện làm phong phú đời sống tinh thần cá nhân.
Trong tiểu luận về Vấn đề tín ngưỡng dân gian, tác giả Khiêm Cung cho rằng “xin
xăm thì khi gặp quẻ xấu thì buồn, phải lo cầu an, giải hạn,… Quẻ tốt thì vui
quá, cúng dầu cũng được thôi”. Tác giả Khiêm Cung lý giải sở dĩ có nhiều nơi
còn giữ tục xin xăm vì việc xin xăm là tục lệ dân gian từ ngàn xưa và với một số
người bình dân thì đây là cái tạo vui vui trong mấy ngày tết. Với nhà chùa “thì
đôi khi lấy đó làm phương tiện để độ người sơ cơ đến với Phật pháp”, vì thế giữ
xin xăm cũng là tôn trọng tín ngưỡng nhân gian.
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Nếu cấm vì đó là hành động mê tín dị đoan thì nên
xem xét như thế nào là mê tín với từng hoạt động cụ thể. Đừng để cấm không hợp
lý rồi rơi vào trường hợp dân lờn luật và sinh ra một lớp người vừa lừa nhà nước
(tức làm theo luật dù biết không khả thi) vừa ăn tiền của dân (buộc người dân
phải hối lộ cho qua). Mặt khác, có thể xem các hoạt động xin xăm, lên đồng… là
những hoạt động thể hiện tín ngưỡng. Ở chừng mực nào đó nên tôn trọng, duy
trì”.
Xin xăm là niềm tin không căn cứ
Theo quan điểm không chấp nhận xim xăm, Thượng tọa Thích Nguyên Tạng trong tiểu
luận Ảnh hưởng Phật giáo trong đời sống người Việt cho rằng xin xăm, bói quẻ là
một việc cầu may, người Phật tử chân chính cần phải loại bỏ những loại hình mê
tín này. Đây là một tập tục không lành mạnh do tin tưởng vào sự may rủi của số
phận đã được sắp đặt, an bài từ trước. Như sách xưa có câu “phước chí tâm linh,
họa lai thần ám”, nghĩa là người gặp lúc phước đến thì giở quẻ ra đều tốt, khi
họa lại thì rút lá xăm nào cũng xấu. Thế là tốt xấu tại mình, không phải tại
xăm quẻ.
Cùng quan điểm này, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cũng cho rằng xin xăm là mê
tín. “Xin xăm có quẻ Quan Thánh; quẻ Quan Âm; quẻ thượng; quẻ hạ; quẻ tốt, xấu
hay trung bình… Rồi từ đó tùy đền, tùy chùa mà ra lời giải. Thế nên xin xăm là
niềm tin không có căn cứ tâm linh” - ông Trảng nói.
Nguồn gốc xin xăm
Xin xăm xuất phát từ Đạo giáo. Đạo giáo quan niệm thần linh giáng xuống qua nhiều
hình thức: xin xăm, cho thuốc, bà đồng, cơ bút … và với một số chùa, miếu của
người Hoa nếu không có xin xăm thì không còn là chùa.
(Nhà nghiên cứu Lê Anh Minh)
Xin xăm bắt nguồn từ Trung Quốc. Các chùa làng có thờ Quan
Thánh Đế Quân thường có đi đôi với việc xin xăm. Người xin xăm trước hết đến lạy
Phật rồi sang bàn thờ Quan Thánh khấn nguyện xin một quẻ xăm, rồi họ lắc ống
xăm có 100 thẻ đẩy một thẻ rớt ra, sau đó họ cầm quẻ xăm đến nhờ thầy trụ trì
giải đáp giùm vận mạng của mình.
(Theo Thượng tọa Thích Nguyên Tạng)
Không nên cấm xin xăm bởi nó đã là tập tục. Người dân đến viếng chùa xin một quẻ
xăm như trắc nghiệm niềm tin của họ, mình lại không cho?
Chúng tôi có thể phạt hành vi bói toán, xin xăm với cá
nhân tự tổ chức tại tư gia, tại nơi công cộng nhưng không thể vào chùa kiểm tra
xem có tổ chức xin xăm hay không để phạt. Không lý Sở đi phạt nhà chùa?
Ông Nguyễn Thành Loan Mười, Phó Chánh thanh tra Sở Văn
hóa-Thể thao và Du lịch TP.HCM
Không thể gộp bói toán, xin xăm, lên đồng… vào một quy định cấm.
Xin xăm là nhu cầu tâm linh, đi liền với lễ chùa và nằm trong chuỗi các hoạt động
tâm linh của người đi lễ chùa. Người xin xăm không phải bắt buộc làm theo yêu cầu
của quẻ xăm mà chỉ là niềm tin đơn thuần.
Người xin xăm có thể tin hay không
tin quẻ xăm đó. Và người đi xin xăm vẫn làm tốt mọi hoạt động công dân của người
đó thì thử hỏi xin xăm có tác hại hay không? Mặt khác, không có thần linh nào lại
xui con người trộm cướp, hối lộ, thực hiện những hành vi xấu… mà thần linh đều
khuyên con người hướng thiện, vậy tác hại ở đâu?
Chúng ta không nên đặt nặng vấn đề phạt được hay không phạt được, phạt bao
nhiêu tiền… mà vấn đề là liệu phạt như vậy có hợp lý hay không. Còn khi một ý
chí đưa đến luật pháp nhưng không phù hợp với thực tế, không được đời sống chấp
nhận thì nên cẩn trọng!
Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch TP.HCM
Nguồn tin: Pháp Luật HCM
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự