Chùa Đống Phúc: Làm từ thiện từ tâm!

Thứ tư - 27/10/2010 14:30
Ngôi chùa nằm nép mình bên những lùm cây cao lớn trong không gian yên ả giữa chốn quê thanh bình. Chùa có tên gọi Đống Phúc Tự - tại xã Yên Giang, Yên Hưng, Quảng Ninh.

Từ lâu lắm rồi các cụ già trong làng vẫn kể lại cho con cháu về gốc tích của ngôi chùa có từ thời nhà Lý - gắn liền với trận chiến lừng lẫy của Trần Hưng Đạo trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, và cũng trên mảnh đất Yên Giang này đã lưu giữ nhiều di tích như bãi cọc Bạch Đằng, miếu Vua Bà... được đi vào thi ca,  lịch sử có một không hai của Việt Nam.

Những dấu ấn thời gian

Chùa Đống Phúc là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời nhà Lý. Trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử và bao biến động của thiên nhiên, ngôi chùa hầu như không còn nguyên vẹn, mọi dấu ấn của ngôi chùa gần như đã chìm vào quên lãng. Chứng tích còn lại chỉ là chiếc lư hương cho người dân đến thành tâm thắp hương nơi cửa Phật. Đến năm 1955, sau khi Hòa thượng Thích Thanh Túc viên tịch, kể từ đó chùa không có nhà sư nào đến trụ trì.

Năm 1997 được sự quan tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại đức Thích Thanh Lịch xuất thân từ tổ đình Cổ Lễ - Nam Định về trụ trì . Đại đức Thích Thanh Lịch tâm sự: “Từ những ngày thầy mới về đây - ngôi chùa còn rất hoang sơ, tất cả hầu như không còn gì ngoài một khuôn viên khoảng 2000m2, cây cỏ hoang dại mọc um tùm, mọi thứ dường như quá khó khăn đối với một vị tu sĩ còn khá trẻ tuổi - lúc đó Đại đức Thích Thanh Lịch mới ngoài 20 tuổi. Nhưng nhìn quang cảnh ngôi chùa Thầy thấy nơi đây có địa thế rất đẹp - điều quan trọng nhất là ngôi chùa đã gắn với nhiều chứng tích trong lịch sử. Cùng với Đình Yên Giang – nơi thờ Thành Hoàng của làng là Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đã tạo nên cụm di tích lịch sử - một quần thể di tích văn hoá cần được bảo tồn và phát triển”.

Với sự nhiệt tâm của đạo pháp, thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật, ngay từ những ngày đầu về trụ trì Đại đức Thích Thanh Lịch đã bắt tay vào làm các công tác từ thiện, giúp đỡ người dân trên địa bàn thể hiện bằng những việc làm và hành động cụ thể. Cũng từ đây, Đại đức được người dân tin yêu, và các công tác từ thiện của Đại Đức đã đem đến cho những mảnh đời bất hạnh, những người thực sự khó khăn tìm thấy niềm vui và họ biết vươn lên trong cuộc sống.

Xuất phát từ ý tưởng đó, Đại đức Thích Thanh Lịch đã nhận được sự đồng lòng của người dân, sự ủng hộ của các cấp chính quyền, và niềm vui đã đến với nhà chùa. Năm 2008, nhà chùa được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch chi tiết tổng thể diện tích mở rộng đất trong khu vực chùa Đống Phúc. Đồng thời trùng tu tôn tạo xây dựng mới toàn bộ các hạng mục công trình theo quyết định số 2611/QĐ của UBND Tỉnh Quảng Ninh ngày 19/8/2008, phục dựng chùa cho xứng tầm với lịch sử đã để lại.

Những hoạt động từ thiện

Từ một khuôn viên chỉ có 2000m2, đến nay nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của UBND tỉnh, Uỷ Ban MTTQ Quảng Ninh, các Sở ban ngành, UBND huyện Yên Hưng, cùng với sự góp sức của các nhà hảo tâm, chùa Đống Phúc đã có một khuôn viên  rộng gần 1ha. Đại đức Thích Thanh Lịch chia sẻ: “Nếu để khôi phục lại ngôi chùa này phải mất 10 năm. Từ năm 2008 đến nay, nhà chùa từng bước xây dựng trùng tu tôn tạo, tới đây nhà chùa tiến hành khởi công động thổ, đặt đá xây dựng giai đoạn 1 còn dang dở  và để làm được công trình này cần có sự trợ giúp từ doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, và nhân dân xa gần".

Tuy là ngôi chùa còn khó khăn về nhiều mặt nhưng những hoạt động từ thiện lại được nhiều người biết đến. Đại đức Thích Thanh Lịch mong muốn ngôi chùa trở thành cầu nối những tấm lòng vàng cho tất cả mọi người. Nhiều năm qua, Đại đức Thích Thanh Lịch cùng với người dân địa phương đã xây dựng nên rất nhiều nhà tình nghĩa cho những gia đình có công với cách mạng trên địa bàn huyện Yên Hưng, các hoạt động vì người nghèo, cứu trợ đồng bào bão lụt, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập... Riêng các ngày lễ của Phật giáo như Phật Đản, lễ Vu Lan,  Tết Nguyên đán... Nhà chùa có các túi quà trợ giúp cho người nghèo. Món quà ấy không nặng về vật chất mà chính là những món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa, là động lực để giúp nhau lúc hoạn nạn, khi khó khăn. Đó cũng chính là thực hiện lời Phật dạy:"cứu được một người phúc đẳng hà sa” - chung tay cùng với cộng đồng, đóng góp một phần công sức của mình cho những hoạt động từ thiện này.

Gần đây nhất,  Đại Đức là Trưởng Ban điều phối Phật Giáo - cùng với tổ chức NAV thực hiện một chương trình mang tên “Tăng cường khả năng đáp ứng của Tôn Giáo trong phòng chống HIV/ AIDS” chương trình này được thực hiện trong suốt 2 năm qua và gặt hái nhiều thành công trên địa bàn thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Đây là chương trình giúp cho những người nhiễm HIV/AIDS bớt đi những mặc cảm với cuộc sống và giúp cho cộng đồng có cái nhìn thiện cảm hơn với những người kém may mắn này.

Những dự định tới đây của nhà chùa sẽ tiếp tục vận động các nhà hảo tâm cùng với nhà chùa thực hiện các công việc từ thiện như “Nồi cháo tình thương”, duy trì một lần nấu 300 bát cháo; một tháng nấu từ 4 - 6 lần cho những người có hoàn cảnh khó khăn khi đến điều trị bệnh tại bệnh viện Đa Khoa huyện Yên Hưng, tổ chức cho các cháu nhiễm và bị ảnh hưởng HIV/AIDS sinh nhật theo tháng do nhà chùa tự đứng ra tổ chức...

Việc phục dựng lại một ngôi chùa để lại cho hậu thế đời sau về những chứng nhân lịch sử không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai. Với tư cách là Trưởng ban Đại diện Phật giáo của huyện Yên Hưng, Đại Đức Thích Thanh Lịch tin rằng bằng những việc làm cụ thể của mình với một tấm lòng  hết mình phụng sự Đạo pháp và Dân tộc - chắc chắn ngôi chùa này sẽ là quần thể kiến trúc đẹp, nơi hội tụ những tấm lòng vàng nếu được sự chung tay đóng góp của tất cả mọi người.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây