"Làng
con trai"
Tại xã Đông Hưng có một ngôi làng được gọi là làng Giếng Thùng. Cái tên ấy có lẽ xuất phát từ chiếc giếng nước đặc biệt trong làng. Gần đây, nhân dân quen gọi xóm này là làng Giếng Thần hay làng Con Trai bởi vì theo một số người thì tỷ lệ con trai ở làng này rất cao.
Có lẽ đây cũng chính là nguyên nhân xuất phát cho những thông tin đồn đại về khả
năng kỳ lạ của chiếc giếng trong làng. Người ta tin rằng, làng đẻ nhiều con
trai vì phụ nữ của làng đã uống nước ở Giếng Thùng.
Vợ chồng cụ Nguyễn Thị Loan và Hoàng Văn Bạn, người biết khá rõ về gốc gác của cái Giếng Thùng cho biết: Cái giếng này có từ đầu thế kỷ XX. Vào khoảng năm 1912, làng này bị một đợt khô hạn kéo dài. Người dân đã cùng nhau đào giếng khắp nơi để lấy nước.
Nhưng dù đào nhiều nơi, có giếng được sâu hàng chục mét nhưng vẫn khô khốc.
Chỉ duy nhất một điểm, tại vị trí Giếng Thùng ngày nay thì nước rất nhiều. Điều
đáng nói là từ đó đến nay, nước trong Giếng Thùng không bao giờ cạn.
Cụ Nguyễn Thị Loan cho biết thêm: "Nước ở đây
trong và mát lắm, phụ nữ đi làm đồng về thường ghé qua đây lấy nước uống. Nay
làng cho xây rào xung quanh, giữ gìn chiếc giếng như là một di tích, báu vật của
làng”. Cả hai cụ đều tin rằng, do uống nước giếng này nên số lượng trẻ sinh ra
là con trai ở trong làng nhiều hơn. Cụ Loan dẫn chứng: "Tôi tuy con không
đông bằng nhiều nhà khác nhưng cũng có 4 thằng con trai và 12 đứa cháu nội đều
là con trai đấy”.
Quanh co theo con đường làng, cu Tý, cháu của cụ Loan
thoăn thoắt dẫn chúng tôi đến chiếc Giếng Thùng nằm ở cuối làng, cách cánh đồng
lúa vài nếp nhà. Biết có khách lạ đến, nhiều người đã chờ sẵn ở đó và như muốn
khoe với chúng tôi về cái niềm tự hào đặc biệt của làng.
Bà Tuấn tay dắt, tay bế 2 thằng cháu trai hớn hở:
"Nhà tui có 5 thằng con trai, khi còn trẻ, cũng muốn đẻ thêm đứa con gái
cho có nếp, có tẻ nhưng mà cố mãi không được. Mấy đứa con tui khi trưởng thành
đều phải đi đến các xã, các huyện khác để lấy vợ, chứ con gái trong làng hiếm lắm.
Tôi cũng là gái làng khác về đây làm dâu”.
Bà Tuấn kể tiếp: "Nhà ông Châu 5 anh, nhà ông Quỳnh
4 anh, nhà ông Bạn 4 anh, còn những nhà có 2 - 3 anh con trai thì còn nhiều lắm
các chú ạ. Ai trong làng mà đẻ được con gái thì mừng lắm, họ tổ chức đầy tháng
con, liên hoan linh đình”.
Chưa có kiểm
chứng
Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, chúng tôi đến gặp ông
Phan Văn Tý, trưởng xóm 11. ông Tý cho hay: "Chuyện làng này đẻ nhiều con
trai là có thật nhưng đó là cách đây vài chục năm rồi. Hiện nay thì tỷ lệ sinh
con trai và con gái đã dần đi đến sự cân bằng”. Chuyện về chiếc giếng của làng
không ai cho rằng có chuyện mê tín dị đoan ở đây, người dân xem đó như một truyền
thuyết đẹp. Họ yêu quý và gần gũi với chiếc giếng hơn, họ bảo vệ không cho ai
phá phách. Ngày hè, trai làng còn đem chiếu, mang võng ra đây ngủ. Họ quan niệm
ngủ ở đây khoẻ mạnh, ngày mai làm việc hiệu quả hơn.
Ông Hoàng Xuân Soa, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thông
cũng xác nhận: "Việc trước nay ở xóm 11 (làng Giếng Thùng) tỷ lệ sinh con
trai cao hơn con gái là có thật. Gần đây, nhân dân tự quyên góp xây dựng, tôn tạo
Giếng Thùng là việc làm tự phát, không có chủ trương của chính quyền. Còn việc
uống nước ở đây sinh con trai vẫn là câu chuyện đồn thổi của người dân chứ chưa
ai kiểm chứng được. Đó là quan niệm của người dân chứ không có dấu hiệu hoạt động
mê tín dị đoan”.
Mặc dầu sự thực chỉ có vậy nhưng vẫn có những người muốn
có phép màu tìm về làng Giếng Thùng. Cụ Hoàng Văn Bạn kể: "Cách đây mấy
tháng, khi cả làng đang vào mùa lạc thì thấy có một chiếc ô tô về. Tò mò, mọi
người đến hỏi chuyện mới biết đó là một cặp vợ chồng đã luống tuổi hiếm muộn ở
TP Vinh (Nghệ An) nghe tin tốt về Giếng Thùng nên mua hương hoa lên tạ và xin một
chai nước ở giếng thần đem về dùng, mong sẽ hạ sinh quý tử nối dõi tông đường”.
Giếng Thùng thật sự là tài sản tinh thần của những người
dân ở đây. Được biết, cứ khi làng có lễ hội hay đến đêm giao thừa thì thanh
niên trong làng thường tập trung xung quanh giếng, tổ chức vui chơi sau khi đã
dâng hương hoa lễ tạ. Đã nhiều lần các chuyên gia y tế khẳng định chuyện sinh
con trai bằng những kinh nghiệm dân gian là hoàn toàn không có cơ sở. Hy vọng,
một nét văn hoá đẹp như làng Giếng Thùng không bị những câu chuyện đồn thổi thiếu
căn cứ làm xáo trộn.
Nguồn tin: ĐSPL
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự