Bà Nguyễn Thị Huyền, thủ nhang đồng đền ở ngôi miếu kể lại: “Cây bồ đề này có ở đây từ lâu lắm rồi, khi bà ngoại tôi hơn 100 tuổi nó đã có. Năm 2003 khu liên hợp thể thao quốc gia chính thức được khởi công, lúc đó cây bồ đề nằm trên đất dự án vì thế nên họ muốn nhổ bỏ đi. Nhưng vì sau đấy gặp phải nhiều biến cố ảnh hưởng đến việc xây dựng nên họ cho cẩu cây đề ra chỗ hiện nay. Mới đầu trước cây đề chỉ là một cái cột nhỏ sơ sài đủ để một bát hương chứ chưa có cái miếu như ngày nay”.
Bà Nguyễn Thị Huyền, thủ nhang đồng đền ở ngôi miếu kể lại những chuyện ly kỳ
Bà Huyền cho biết thêm, có một lần, xuất hiện con chim ó từ đâu bay thẳng đến hướng cây đề rồi nằm gục ở gốc cây, được cụ Nguyễn Thị Duyên (80 tuổi) người cao niên làng Nhân Mỹ mang về cứu giúp nhưng không qua khỏi. Người dân trong làng cho rằng con chim ó là điềm báo, là hiện thân của Ngài nên đã ướp xác và hiện đang để tại đình làng Nhân Mỹ. Sau đó dân làng bắt đầu lập miếu thờ phụng đức thánh.
Người dân trong làng, nhà nào hễ có việc từ cầu xin con cái, làm ăn, thi cử… cũng đều ra miếu thắp hương cầu khấn xin Ngài. Không chỉ người dân trong làng mà cứ người nọ truyền tai người kia, nhiều người ở nơi khác cũng tìm đến. Thậm chí, có những người lặn lội từ Quảng Nam, Đà Nẵng... ra để xin lộc Ngài. Ai xin việc gì cũng thành nên ngôi miếu được biết đến là nơi vô cùng linh thiêng.
Bởi nằm trong khu liên hợp quốc gia vì vậy cũng có rất nhiều vận động viên, cầu thủ, huấn luyện viên nổi tiếng cũng phải tìm đến cửa nhà Ngài để thắp nén nhang cầu xin mọi sự thuận lợi trong cuộc sống, công việc.
Khi kể về những lần được ngài báo mộng, bà Huyền chắp tay vái trước bàn thờ rồi nói: “Ngồi trước cửa nhà Ngài tôi không dám nói điêu nửa lời, có những ngày rằm, mùng 1 tôi chỉ ra thắp nén nhang mà quên không dọn dẹp miếu mà Ngài làm cho tôi nóng ruột nóng gan như lửa đốt, làm việc gì cũng không xong.
Có hôm còn nằm mơ có một ông lão cầm gậy ba-tong mặc quần áo dát đầy vàng báo mộng nói rằng nơi linh thiêng sao lại để mạng nhện chăng đầy thế kia, sợ quá sáng hôm sau tôi phải ra miếu sớm để dọn dẹp nhang khói”.
Ly kỳ việc bị “Ngài” phạt
Là người trực tiếp trông coi nhang đèn tại ngôi miếu nên bà Huyền đã chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện kỳ lạ xảy ra. Để minh chứng cho sự linh thiêng này, Bà Huyền kể lại rằng: “Những cặp vợ chồng nào trong làng lấy nhau đã lâu mà chưa có con đều ra đây kêu cầu và tôi đã lễ cho rất nhiều người sau đó đều mang thai. Có hơn 100 đứa trẻ được ra đời như thế.
Nhưng có một lần, có cô gái tên H lấy chồng gần 6 năm mà không hề có mụn con nào ra đây cầu khấn xin con. Tôi đã thỉnh Ngài cho cô gái đó ngay sau đêm hôm ấy tôi nằm mơ ở trước cửa miếu có một vị nằm vắt chân như Phật. Lại gần, tôi lạy Ngài thì Ngài bảo đã ứng cho cô gái kia đứa con. Kỳ lạ lắm, sáng hôm sau cô gái gọi điện cho tôi và bảo đêm qua cũng nằm mơ cõng một đứa trẻ là con trai đi trước là đàn voi và đàn ngựa.
Cô gái không hiểu ý nghĩa giấc mơ của mình và tôi đã giải đáp rằng như vậy là Ngài đã chứng lời khẩn cầu của cô rồi. Cô gái vui mừng lắm, sau 3 hôm thì phải ra lễ tạ. Cô gái ấy chỉ mang có 5 quả xoài xanh ra tạ lễ mà thiếu lễ mặn. Tôi có nói là lễ tạ phải có lễ mặn thì cô gái chạy về mua được khoanh giò, đĩa xôi và chai rượu.
Lúc đi ra lại mang mỗi lễ mặn, hỏi hoa quả thắp hương đâu thì lại bảo để ở nhà. Lúc lễ xong tôi dặn là đồ lễ chỉ 2 vợ chồng ăn thôi, rồi cô gái này vơ hết cả đồ lễ, cả tiền cúng của những người khác đặt cùng mâm mang về. Cho đến tận bây giờ cô gái này vẫn không có con vì bị ngài phạt tội tham lam và không làm đúng theo lời dặn”.
Nhiều trường hợp có người đụng chạm đến ngôi miếu và đã bị Ngài trừng phạt nặng. Chốn linh thiêng không phải là chỗ để làm những việc xấu bởi không việc gì người trần làm mà qua mắt được thần thánh. Thế nhưng, nhiều người vẫn coi đó là chuyện ngoài tai.
Bà Huyền cho biết, khi miếu vẫn chưa lắp cửa, nhiều người qua đây vào lấy trộm tiền lễ và tự tiện hạ lễ mang về. Có lần, người đàn ông tên T ở thôn Văn Chì (Minh Khai-Hà Nội) đi làm về qua thấy miếu không có ai nổi lòng tham vào lấy trộm tiền lễ.
Về mấy hôm sau thì nhà bị nổ bình ga cháy lớn, gia đình đi xem bói mới biết là do người này vào miếu nhà Ngài ăn trộm tiền lại còn nói năng phạm nên bị ngài phạt. Bà Huyền khẳng định tất cả những chuyện này đều là sự thật, không chỉ một mình bà biết mà cả làng những người lớn tuổi đều biết.
Miếu thiêng không được mạo phạm
Miếu cây đề là biểu tượng cho văn hóa tâm linh, nó ăn sâu tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Cụ Bùi Thị Thực (78 tuổi) cao niên trong làng nói rằng, từ khi lập miếu bên gốc cây đề cả làng làm ăn thuận lợi hơn hẳn bởi được Ngài “độ” cho. Miếu thiêng là vậy nên không ai trong làng dám mạo phạm.
“Có lần, bát hương trong miếu bị cháu trai tôi đá quả bóng trúng vào rồi đổ, sau khi về thì cháu bị ngã cầu thang gãy chân kèm theo đau đầu như búa bổ, mồm ú ớ không nói được ra hơi. Lạ ở chỗ, đi khám thì không ra bệnh, lúc hỏi có nhớ đã làm gì không thì cháu kể là mình đã đá vỡ bán hương ở miếu cây đề. Do mạo phạm đến cửa nhà Ngài nên gia đình đã mang lễ ra tạ lỗi, sau khi làm lễ xong thì những bệnh lặt vặt tự nhiên khỏi hẳn.
Bà Nguyễn Thị Huyền nói về những lần được giáp kiến Ngài. Nhiều lần bà mơ thấy một ông cụ cầm gậy ba-tong, đầu đội mũ chuồn về báo rằng phải trông coi miếu cẩn thận vì nhiều người rình rập muốn làm điều xấu.
“Một hôm, vào khoảng 3h sáng, bất chợt tôi thấy có ai nói văng vẳng bên tai rằng, con ơi dậy đi dậy mà ra khóa cửa miếu lại đi, ta đuổi cái người định ăn trộm đi rồi. Giật mình tỉnh dậy nằm đến 8 giờ sáng thì tôi đi ra thấy ổ khóa có hiện tượng đục đẽo nhưng không thành” – bà Huyền kể lại ánh mắt hướng về phía cây đề đầy tôn kính.
Nhiều điều kỳ bí diễn ra xung quanh miếu cây đề cho đến nay vẫn không ai có thể lý giải được. Niềm tin vào sự huyền bí là nhu cầu có thật của con người, và theo các nhà khoa học, nó lớn hơn mọi chứng cớ phản bác.
Vì vậy, chúng ta cần lựa chọn đúng đắn giữa các hoạt động tín ngưỡng và các hành vi mê tín, cho dù trong nhiều trường hợp, ranh giới giữa chúng thật khó phân định. Không nên quá lạm dụng vào yếu tố tâm linh để biến mình trở thành một người mê tín mù quáng.
Theo Baophapluat.vn/
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự