"Giải cứu" sỏi tiết niệu bằng Đông y

Thứ tư - 13/11/2013 03:10
Bằng hai phương pháp "biện chứng luận trị" hoặc "biện bệnh luận trị" của Đông y, ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã "giải cứu" cho nhiều ca bị sỏi tiết niệu.
Sỏi theo niệu đạo ra ngoài
 
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn cho biết, những năm gần đây, bệnh lý sỏi tiết niệu đang có xu hướng gia tăng và số bệnh nhân tìm đến các cơ sở Đông y ngày càng đông, khoa Đông y của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cũng ở trong tình trạng tương tự. Không ít trường hợp điều trị thành công. Ví như, bệnh nhân Ngô Quang Đạt (37 tuổi ở Đồng Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội) bị sỏi thận nhiều viên ở cả hai bên với kích thước 7 - 8mm. Sau khi dùng 15 thang thuốc sắc uống anh đã đi tiểu ra được 2 viên sỏi và uống tiếp 20 thang siêu âm lại, kết quả sỏi cả hai bên đã hết.
 
Tương tự, bệnh nhân Nguyễn Văn Sính (47 tuổi ở Mèo Vạc, Hà Giang) tháng 6/2012 siêu âm phát hiện có sỏi kích thước 1cm nằm 1/3 trên niệu quản đã gây giãn nhẹ đài bể thận và có cơn đau quặn thận điển hình. Tây y chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể nhưng anh sợ nên tìm đến ThS.BS Hoàng Khánh Toàn uống thuốc Đông y. Sau khi uống 5 thang thuốc sắc, viên sỏi tụt xuống bàng quang và uống tiếp 10 thang viên sỏi đã nhỏ đi và theo niệu đạo ra bên ngoài. Anh tiếp tục uống 20 thang nữa, bệnh ổn định cho đến nay...
 
Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, sỏi tiết niệu là bệnh thường gặp, hay tái phát và dễ gây biến chứng suy thận và dẫn đến tử vong. Đông y coi sỏi tiết niệu thuộc phạm vi các chứng "thạch lâm" và "huyết lâm", được trị liệu bằng nhiều phương pháp nhưng chủ yếu vẫn là dùng thuốc theo nguyên tắc "biện chứng luận trị" hoặc "biện bệnh luận trị". "Biện chứng luận trị" nghĩa là dựa vào các dữ liệu thu thập được thông qua "tứ chẩn" (vọng, văn, vấn, thiết) để phân thành các thể bệnh như hạ tiêu thấp nhiệt, thấp nhiệt kiêm ứ, khí hư thấp nhiệt, âm hư thấp nhiệt... rồi trên cơ sở đó lựa chọn các vị thuốc và bài thuốc cho phù hợp.
 
"Biện bệnh luận trị" nghĩa là trị liệu cho tất cả các thể bệnh bằng một bài thuốc hoặc Đông dược thành phẩm. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị phụ thuộc khá nhiều vào kinh nghiệm chẩn và trị của người thầy thuốc. Để trị liệu đạt hiệu quả cao cần chú ý trọng dụng các vị thuốc nam như kim tiền thảo, biển súc, cối xay, thài lài tía, hoạt thạch, xa tiền tử, tỳ giả, mộc thông, thoòng bong, bạch mao căn, đăng tâm...
 
Tan sỏi nhỏ, sỏi to cẩn thận
 
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn nhấn mạnh, thuốc Đông y có khả năng bào mòn sỏi, làm tan và tống sỏi ra ngoài cơ thể qua đường tiểu tiện, cải thiện các triệu chứng lâm sàng và dự phòng tái phát sau phẫu thuật hoặc tán sỏi ngoài cơ thể nhưng vấn đề quan trọng ở chỗ là phải khám xét và chỉ định cho phù hợp, tránh chủ quan mạo hiểm. Nhìn chung, với những sỏi nhỏ, kích thước dưới 1cm, chưa gây ra những biến chứng nặng nề thì dùng thuốc Đông y đơn thuần là hợp lý và có hiệu quả khá tốt.
 
Những trường hợp sỏi quá to, sỏi san hô ở thận, sỏi đã gây những biến chứng như viêm thận bể thận cấp, thận ứ nước, ứ mủ, vô niệu, suy thận mạn tính... thì các biện pháp của y học cổ truyền chỉ có giá trị hỗ trợ tích cực quá trình trị liệu nội khoa hoặc ngoại khoa theo y học hiện đại. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sỏi khá to dùng thuốc Đông y vẫn có hiệu quả nhưng phải theo dõi hết sức chặt chẽ và kịp thời sử dụng các biện pháp Tây y khi cần thiết.
 
Ngoài ra, việc sử dụng Đông dược để dự phòng sỏi tái phát là rất cần thiết và có hiệu quả cao kết hợp với các biện pháp khác như uống nhiều nước, tích cực vận động, hạn chế những đồ ăn thức uống có chứa nhiều canxi, oxalat, purin...

Bất cứ vị trí nào của đường tiết niệu cũng đều có thể bị sỏi, trong đó sỏi thận khoảng 40 - 50%, sỏi niệu quản khoảng 28%, sỏi bàng quang khoảng 30% và sỏi niệu đạo khoảng 5%.

Tác giả bài viết: Thúy Nga

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây