Nguyên nhân gây ra triệu chứng tai mũi họng hậu COVID-19
Triệu chứng tai mũi họng kéo dài, phổ biến nhất là ho dai dẳng, hắng giọng, mất vị giác và khứu giác, ù tai…
BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nhận định, tình trạng ho và hắng giọng liên tục có thể liên quan đến phổi bị tổn thương sau nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc do dịch chảy từ mũi xuống thành sau họng (hội chứng chảy dịch mũi sau) khiến cổ họng luôn có cảm giác ngứa, khó chịu và gây ra các cơn ho không ngừng.
Một nguyên nhân khác là người bệnh khi mới nhiễm virus SARS-CoV-2 thường có các cơn ho khan liên tục, khiến áp lực dạ dày tăng lên, axit từ dạ dày trào ngược lên vùng họng – thanh quản gây tổn thương niêm mạc họng thanh quản, gây cảm giác vướng họng, ho và rối loạn giọng.
Mất khứu giác và vị giác cũng là những triệu chứng phổ biến ở các người bệnh trong và sau mắc COVID-19. Một số người còn gặp phải tình trạng rối loạn khứu giác và vị giác, khiến họ không cảm nhận được đúng mùi vị.
Theo thông tin đăng tải trên Bệnh viện Mount Sinai (Brooklyn, Mỹ) năm 2021 cho thấy, tình trạng viêm và phù nề niêm mạc mũi đã ngăn cản mùi hương tiếp xúc đến các tế bào thần kinh khứu giác, cũng như virus SARS-CoV-2 gây tổn thương khu vực xung quanh tế bào cảm nhận mùi. Đây là hai nguyên nhân có khả năng gây ra tình trạng mất khứu và rối loạn khứu giác.
Bác sĩ Hằng cho biết, thông thường mất khứu giác và vị giác sẽ tự hồi phục mà không cần can thiệp điều trị. Một số trường hợp rối loạn khứu giác có thể được bác sĩ hướng dẫn phương pháp tập phục hồi khứu giác. Phương pháp này có thể giúp khứu giác hồi phục trong vòng 3 đến 6 tháng, có khi đến 1 năm, tùy đáp ứng điều trị của từng bệnh nhân.
Một biến chứng tai mũi họng khác mà các nhà nghiên cứu lưu ý là tình trạng mất thính lực sau mắc COVID-19. Về nguyên nhân, có giả thuyết nghi ngờ virus SARS-CoV-2 gây ra các phản ứng miễn dịch ảnh hưởng đến các cấu trúc tai trong. Ngoài ra, COVID-19 có liên quan đến chứng huyết khối (cục máu đông) nên virus này cũng có khả năng gây tắc ở các mạch máu nhỏ trong tai, gây ra tình trạng mất thính lực.
Điều trị triệu chứng tai mũi họng hậu COVID-19
Theo bác sĩ Hằng, nếu xuất hiện các triệu chứng về tai mũi họng sau khi đã điều trị khỏi COVID-19, người bệnh nên khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị, tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống, vì việc lạm dụng thuốc kháng viêm và kháng sinh có thể gây ra các tác hại sau này.
Đối với tình trạng ho sau COVID-19 do chảy dịch mũi sau, người bệnh nên xịt rửa mũi và súc họng theo bác sĩ hướng dẫn. Tùy vào tình hình, bác sĩ có thể kê toa thuốc phù hợp để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.
Nếu cơn ho, hắng giọng kéo dài do trào ngược axit, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc dạ dày để cải thiện các triệu chứng. Người bệnh cũng nên điều chỉnh chế độ ăn, nên uống đủ nước khoảng 2 lít mỗi ngày, tránh thức ăn cay, chua, không ăn quá khuya hoặc nằm ngay sau khi ăn, kết thúc bữa ăn cách giờ đi ngủ khoảng 3 tiếng.
Bác sĩ Hằng khuyến cáo, ho kèm khó thở sau COVID-19 là vấn đề không nên xem nhẹ. Ở giai đoạn hậu COVID-19, nếu tình trạng khó thở vẫn tiếp diễn, nhất là khi làm việc hay hoạt động gắng sức, người bệnh nên đến khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp.
Những trường hợp khó thở nặng nên nhập viện để cấp cứu. Đối với trường hợp rối loạn khứu giác và vị giác, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để bác sĩ nội soi kiểm tra, đánh giá mức độ bệnh và hướng dẫn điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân.
Nguồn tin: Laodong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự