Mùa xuân tặng lịch Phật

Thứ hai - 13/01/2014 16:29
Cứ như thế mà thành thông lệ, suốt hơn hai mươi năm, khi gió xuân về, Tết sắp đến, khi những tờ lịch mỏng đi chỉ còn vài tờ, tôi lại háo hức đi đặt lịch Phật để treo ở nhà và đem tặng cho chùa, cho bạn đạo và những người có tâm hướng về Phật pháp.
Trước kia, những hiệu sách lớn của thị trấn quê tôi thường trưng bày rất nhiều lịch tôn giáo tha hồ chọn lựa, còn bây giờ tôi phải đặt trước, một tuần sau mới có mà đôi khi “đến hẹn lại lên” cũng chẳng có, lại hẹn tiếp nhưng tôi cũng chẳng buồn giận hờn, cứ nghĩ chưa đủ duyên là xong, vả lại, biết đâu đó là một thử thách trên đường tu của mình.

Có người bảo tôi sao không xin số điện thoại của nhà sách để gọi hỏi thăm trước, đi hơn ba chục cây số mà về tay không thì vô ích quá. Tôi chỉ cười, không trả lời nhưng thầm nghĩ, chẳng vô ích chút nào vì đó là điều kiện để tôi thực hành chữ “nhẫn”.

Mỗi năm tôi chỉ mua đúng hai mươi tờ lịch Phật, lúc hiệu sách còn trưng bày thì việc lựa chọn rất dễ, chỉ việc chọn tấm nào nét vẽ đẹp và trang nghiêm, giấy tốt, còn bây giờ phải trông vào may rủi, tùy thuộc từ đại lý ở TP.HCM gửi về, may mắn là chưa năm nào tôi bị gởi hình lịch xấu, tấm nào cũng đẹp, có ghi đầy đủ các ngày vía của chư Phật, Bồ-tát. Duy chỉ có năm nay, không hiểu sao họ lại gởi cho tôi phân nửa lịch in hình Phật, phân nửa lịch in hình Bồ-tát Quán Thế Âm nên tôi phải cột kín bao lịch lại, trộn đều và đem tặng, duyên ai nấy hưởng, không có lựa chọn gì hết.

Ngôi chùa nơi tôi quy y Tam bảo là điểm tôi mang lịch Phật tặng đầu tiên, có một điều phiền là cổng chùa hay đóng kín mà cổng chùa lại cách chánh điện hơn một trăm mét. Sở dĩ cổng chùa phải thường đóng vì là chùa Ni, lúc trước khi chùa còn mở cổng, hàng ngày hay bị một thanh niên mắc bệnh tâm thần có nhà ở gần đó xông vào lục lọi, quậy phá, các cô rầy anh ta cứ trơ trơ, anh ta chỉ sợ Phật tử nam, thấy chúng tôi là riu ríu đi ra, do vậy, các cô phải thường đóng cổng.

Dù chùa có treo bảng báo bấm chuông gọi nhưng tôi thấy rất ngại, chỉ một tấm lịch Phật mà làm phiền sự tịnh tu của quý cô nên tôi phải tìm cách khác. Và cách khác của tôi là cầu nguyện, cứ mỗi lần định đem lịch đi tặng cho chùa tôi lại đến trước bàn Phật thắp hương mà khấn rằng: “Lạy Phật, bữa nay con đi tặng lịch Phật cho chùa, xin Phật trợ duyên cho chùa mở cổng, chứ con không dám bấm chuông sẽ làm phiền các cô”.

Khấn xong tôi mới đi đến chùa, và hơn hai mươi năm nay không hề sai khác, một là cổng chùa mở toang, hai là sư cô trụ trì đứng sẵn ngoài sân khi thì tiếp khách, khi thì làm công chuyện gì đó khiến việc trao tặng lịch Phật diễn ra hết sức thuận lợi. Tôi nghĩ đó chẳng phải cảm ứng đạo giao thì là gì.

Những người tôi tặng lịch Phật đa phần là Phật tử, chỉ có một số ít người ở ngoài đạo nhưng đều là người tốt, qua giao tiếp tôi biết có thể dẫn dắt họ đến với Chánh pháp. Khi nhận lịch Phật, ai nấy đều tỏ vẻ vui mừng vì họ nghĩ đó là phần phước, may mắn đến với họ và mỗi người có cách cư xử riêng với tấm lịch vừa nhận. Có người lập tức treo lên nơi trang trọng nhất, có người để cất trên tủ thờ bảo chờ đến ngày tốt mới treo. Họ thường bảo với tôi nhờ có lịch Phật nên họ có thể biết đúng ngày vía của Phật và Bồ-tát để cúng quảy, đi chùa, ăn chay kỳ vì đâu phải ai cũng có thể nhớ hết các ngày đó. Họ nói cám ơn tôi nhiều lắm, tôi chỉ cười vì họ chịu nhận lịch Phật do tôi tặng thì chính tôi mới là người phải cám ơn họ.

Tôi có một người bạn thân, anh ta là thợ cơ khí, tay nghề rất giỏi. Do đặc tính của nghề nên anh ta có rất nhiều bạn, phần đông là giới làm ăn lớn, chủ cả. Làm nhiều, nhậu cũng nhiều. Anh ta chỉ thờ ông bà cha mẹ chứ không theo tôn giáo nào cả. Qua giao tiếp nhiều năm biết tâm anh ta rất tốt, nhiều lần tôi tìm cách khuyên anh đến với Phật pháp nhưng anh ta đều né tránh. Có lẽ những người làm ăn thành đạt ít có khuynh hướng tìm đến tôn giáo vì họ nghĩ rằng chính bàn tay của họ làm nên tất cả mọi việc trên đời.

Một hôm, thấy tôi đem lịch Phật tặng bạn đạo, anh ta mượn một tấm lịch coi thử và khen đẹp rồi hỏi xin tôi một tấm. Tôi hết sức hoan hỷ tặng anh ta tấm lịch vì nghĩ rằng sau này mình sẽ có điều kiện giúp anh ta đến với Phật pháp. Đâu ngờ, mấy ngày sau ghé nhà anh ta thấy tấm lịch vẫn cuộn tròn nằm trên đầu tủ, mấy tháng sau cũng vậy, cuốn lịch vẫn ở đó, đầy bụi bặm. Tôi nghĩ anh ta thật đáng trách, không dùng mà vẫn xin rồi bỏ xó, trong khi người khác cần thì không có.

Do lao lực nhiều lại thêm nhậu nhẹt, hút thuốc triền miên, nửa năm sau anh ta bị ho ra máu. Đi khám bệnh, bệnh viện xác định anh bị lao phổi, phải điều trị tám tháng, sau tám tháng điều trị, ngừng thuốc thì bệnh tái phát lại do anh ta không kiêng cữ, nghỉ ngơi theo lời dặn của bác sĩ nên phải tiếp tục điều trị một đợt nữa. Khi biết anh ta bị lao phổi, những người bạn ăn nhậu đều e sợ, xa lánh, chỉ còn vợ con săn sóc và tôi lui tới thăm hỏi. Phần do bệnh hành hạ, phần do tác dụng phụ của thuốc cộng với thái độ bạc bẽo của bạn bè, của “chiến hữu” nhậu, anh ta tỏ ra chán nản, tuyệt vọng.

Tôi phải thường xuyên động viên tinh thần, thỉnh thoảng lại mua quà bánh tặng cho anh ta để bồi dưỡng. Một hôm anh ta tặng lại tôi một hộp trà ngon từ nước ngoài đem về, tôi từ chối nhưng anh ta cương quyết bắt tôi phải nhận. Nể nang, tôi nhận hộp trà nhưng không dùng mà đem đến cúng ở một ngôi chùa ở địa phương, lúc lễ Phật, tôi lạy Phật hai mươi mốt lạy và cầu nguyện cho bạn mình thoát khỏi bệnh khổ.

Một hôm, anh ta chợt hỏi tôi uống trà anh cho có ngon không, tôi thành thật kể lại chuyện mình đã làm, anh ta nghe rồi tỏ vẻ xúc động và suy nghĩ nhiều. Tranh thủ những lúc gần gũi, tôi hay nói chuyện đạo pháp với anh ta vì tôi nghĩ khi ở hoàn cảnh đau buồn tuyệt vọng, người ta dễ quay về với một tôn giáo nào đó để nương tựa. Và anh ta đã chịu lắng nghe. Mấy hôm sau khi đến nhà anh ta, tôi thấy tấm lịch Phật đã được treo lên nơi trang trọng nhất ở phòng khách, anh ta lại bảo với tôi muốn thờ Phật, nhờ tôi thỉnh ảnh Phật giúp. Tôi vui mừng nhận lời. Bây giờ anh ta đã hết bệnh, làm ăn bình thường trở lại, bỏ nhậu nhẹt, không hút thuốc và thường xuyên đến chùa cúng dường, lạy Phật và năm nào cũng nhắc tôi nhớ để dành lịch Phật cho mình.

Lại có một bà Phật tử tuổi đã ngoài tám mươi, năm nào đến cuối năm cũng trông chờ lịch Phật của tôi tặng, chờ lâu không thấy, bà lại nhờ con của bà nhắc hỏi tôi: Sao chú Đức năm nay không tặng lịch Phật? Khi nhận được lịch, bà có cách treo lịch không giống ai cả, chờ đến ngày rằm, bà bảo con tháo rời cuốn lịch thành từng tờ, sau đó gỡ những tấm lịch cũ treo năm trước xuống cất, dán những tấm lịch mới lên vách phía sau hai bên tủ thờ Phật.

Khi nhìn thẳng từ tủ thờ Phật vào ai cũng khen nhiều Phật quá, thật rực rỡ, thật oai nghiêm, bà rất thích được khen như thế. Bà thường bảo dán lịch như vậy hàng ngày mới thấy được nhiều Phật, khi lễ lạy thì lễ lạy được nhiều Phật. Bà mộc mạc tính toán: Như vậy sẽ được nhiều phước hơn, giống như hàng ngày tụng kinh Vạn Phật vậy.    

Lại có một ông bạn là Phật tử rất sính làm thơ, có lần nhận lịch Phật tôi tặng anh ta viết một bài thơ lục bát lên giấy rồi cắt dán dưới góc tờ lịch:

           Nguyện cầu Đức Phật Di Đà

           Độ cho chú Đức, quyến gia an bình

           Kính thờ Tam bảo, vững tin

           Di Đà lục tự, gia đình cùng tu.

Thấy tên mình bị ghi dán vào lịch Phật, tôi không vui nên cũng viết một bài gọi là thơ phân trần, đưa cho anh ta:

           Mỗi năm hai mươi quyển lịch thôi

           Tặng kẻ chuyên tu, đạo trau dồi

           Nếu duyên không đủ-thì không có

           Nhắc tên làm gì, mất phước tôi.

Không ngờ anh ta dán luôn bài thơ của tôi vào góc kế bên của tờ lịch rồi treo ở cửa tiệm của anh khiến tôi dở khóc, dở cười.

Dẫu biết cuộc sống là vô thường không có chi là bền chắc nhưng tâm tôi vẫn nguyện cứ mỗi lần năm hết, xuân về tôi sẽ đi mua lịch Phật tặng cho chùa và cho bạn đạo đến chừng nào thân hoại mạng chung mới thôi. Nếu bạn chưa thực hiện việc như tôi đã làm, hãy thực hiện đi rồi bạn sẽ cảm nhận được một niềm an lạc đầu xuân. Người cho và kẻ nhận đều vui trong ánh từ quang của chư Phật.

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây