Đến dâng hương đảnh lễ chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thiên Huế, các Ban ngành trực thuộc Ban Trị sự, chư Tôn đức Ban Trị sự các huyện thị, các Tổ đình, tự viện, quý Phật tử các giới về dâng hương đảnh Lễ Tưởng niệm Tổ sư khai sơn chùa Tây Thiên - Huế.
Ngài họ Hồ, thế danh là Hữu Vĩnh. Sinh giờ Tỵ, ngày 18 tháng 05 năm Mậu Thìn, Tự Đức thứ 21 (1868). Quán Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Triệu Phong – Quảng Trị.
Xuất gia tại chùa Báo Quốc, năm 13 tuổi, thờ Hòa thượng Diệu Giác làm thầy. Năm Đinh Hợi, triều Đồng Khánh (1887), thọ Sa Di. Năm Thành Thái thứ 6, Giáp Ngọ (1894), thọ Cụ túc giới tại giới đàn Báo Quốc. Năm ấy được Bổn sư trao kệ Phú pháp, húy Thanh Ninh, hiệu Tâm Tịnh và bài kệ:
Hán việt
河清寧密四方安
有永心心導卽閒
心似菩提開慧日
包含世界如是觀
Phiên âm:
Hà thanh ninh mật tứ phương an,
Hữu vĩnh tâm tâm đạo tức nhàn,
Tâm tợ bồ đề khai tuệ nhật,
Bao hàm thế giới như thị quan.
Nguyễn Lê Châu dịch:
Sông trong yên lặng bốn phương an,
Vĩnh viễn tâm tâm đạo ấy nhàn,
Tâm tựa Bồ đề soi mặt nhật,
Một bầu thế giới chứa muôn vàn.
(Sông xanh tĩnh mịch bốn bề
Phẳng lặng tâm thường đạo tịch khê
Tâm tựa bồ đề soi tuệ nhãn
Bao trùm thế giới vượt sông mê)
Sau đó Ngài được Bổn sư gửi cho lên Từ Hiếu để tham học với Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ. Khi Hòa thượng viên tịch, Ngài được bảo cử làm trú trì chùa này. Năm Nhâm Dần (1902), Ngài xin thôi trú trì ở Từ Hiếu, về ấp Thuận Hòa thuộc Dương Xuân lập am để tĩnh tu, gọi là Thiếu Lâm Trượng Thất. Năm Duy Tân thứ 5 (1911), Ngài đổi thành Tây Thiên Phật Cung. Về sau được “Sắc tứ Tây Thiên Di Đà Tự” – năm Quý Dậu (1933) triều Bảo Đại.
Trong thời gian khai sơn chùa Tây Thiên này, Ngài tiếp tục truyền thụ tâm ấn cho các đệ tử, kế tục truyền thống của Bổn sư có 9 vị đệ tử “Cửu Tâm”, còn Ngài thì đào luyện 9 vị đệ tử mang chữ Giác Thành “Cửu Giác”. Đó là Hòa thượng Giác Tiên (khai sơn chùa Trúc Lâm), Hòa thượng Giác Nguyên (kế thừa Tổ đình Tây Thiên), Hòa thượng Giác Nhiên (tọa chủ Tổ đình Thuyền Tôn – Đệ nhị Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất), Hòa thượng Giác Viên (khai sơn chùa Hồng Khê), Hòa thượng Giác Hải (khai sơn chùa Giác Lâm), Hòa thượng Giác Bổn (khai sơn chùa Từ Quang), Hòa thượng Giác Ngạn (Trú trì chùa Kim Đài), Hòa thượng Giác Hạnh (khai sơn chùa Vạn Phước), Hòa thượng Giác Thanh tức Hòa thượng Đôn Hậu (trụ trì chùa Linh Mụ) để trở thành những vị lương đống cho Giáo hội về sau.
Với tài đức song toàn, giới hạnh túc nghiêm, uy tín của Ngài mỗi lúc một vang xa. Lúc bấy giờ nơi triều đình Huế, vua Khải Định biết đến lấy làm tôn trọng và mến mộ. Nhà vua đã cử Ngài giữ trọng trách Tăng Cang chùa Diệu Đế để xiển dương Đạo pháp. Tuy vậy, Ngài vẫn ở chùa Tây Thiên chuyên cần lo việc mở lớp giáo huấn các đệ tử xuất gia và tại gia.
Vào đại lễ Phật Ðản năm Giáp Tý (1924), Ngài đứng ra tổ chức trọng thể Đại giới đàn tại chùa Từ Hiếu trong bốn ngày: mồng 8, 9, 10, và 11 tháng Tư, Âm lịch. Trong Đại giới đàn này, Ngài làm Đàn đầu Hòa thượng, số giới tử thọ giới lên đến 450 vị, trong đó có 300 Tăng Ni thọ Đại giới.
Ngày 06 tháng 03 năm Mậu Thìn, Bảo Đại thứ 3 (1928), Ngài thị tịch. Ngài thuộc đời 41 dòng Lâm Tế, là Tổ khai sơn chùa Tây Thiên Di Đà; thọ 59 tuổi đời, 39 Hạ lạp. Ngài đã ra đi, nhưng hình ảnh của ngài còn mãi trong lòng Phật tử Việt Nam, nhất là Phật tử tại chốn Cố Đố Huế.