Lão ông và 108 tiếng chuông Hòa Bình trên đỉnh Ngũ Phong

Thứ tư - 28/09/2011 22:09
Gần 5 năm đã trôi qua, hình ảnh ông Sơn với mái tóc bạc trắng, khoác chiếc áo nhà chùa vẫn hiện lên trong tâm trí mỗi du khách với tấm lòng biết ơn, mến phục. Dòng đời vẫn trôi với biết bao biến cố, thăng trầm nhưng trên đỉnh núi Ngũ Phong, ông lão Nguyễn Sơn vẫn ngày ngày đánh đủ 108 tiếng chuông để cầu nguyện cho thế giới luôn hòa bình, nhân loại luôn được hạnh phúc.

Không chỉ nhận nhiệm vụ trông coi, gìn giữ tháp chuông, mà ông Nguyễn Sơn (ngụ ở thôn Ngũ Tây, phường An Tây, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) còn như một hướng dẫn viên thực thụ hướng dẫn du khách thập phương mỗi lần tới thăm khu di tích đền Huyền Trân.

Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn đều đặn đi lên đi xuống bốn lần trên quãng đường hơn 250 bậc thang thẳng đứng mới tới được tháp chuông Hòa Bình trên đỉnh Ngũ Phong cao 108m. Công việc của ông là trông giữ và đánh đủ 108 tiếng chuông Hòa Bình mỗi ngày để cầu cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc...

Một ngày trèo đủ 432 bậc thang

Đi dọc theo con đường Thiên Thai, cách TP Huế chừng 10km về phía Tây Nam, chúng tôi tìm đến khu di tích đền thờ Huyền Trân công chúa. Vượt qua con đường bậc thang vừa dốc vừa hẹp, chúng tôi khó khăn lắm mới lên được đỉnh núi Ngũ Phong, nơi có tháp chuông Hòa Bình.

Ngày nào cũng vậy, 5h sáng ông Sơn với "hành trang" quen thuộc là chiếc túi xách đựng nhang và một chai nước lại trèo 108 bậc thang để lên với tháp chuông Hòa Bình.

Buổi trưa xuống núi ăn trưa, buổi chiều lại lên tháp. Cứ như vậy một ngày ông trèo đủ 432 bậc thang lên xuống. ông Sơn cho biết: "Khi khánh thành tháp chuông Hòa Bình (năm 2007), Ban quản lý khu di tích đền thờ Huyền Trân công chúa đã đi tìm người trông giữ và đánh chuông nhưng mãi vẫn không ai chịu làm nên tôi xin lên đây. Một phần vì tôi là con cháu nhà Phật, một phần vì đây là việc làm công đức có thể giúp ích cho xã hội nên tôi rất vui".

Chuông Hòa Bình nặng hơn 1,6 tấn, cao 2m, đường kính 1,16m, là một trong những chiếc chuông đồng lớn nhất Việt Nam. Trên thân chuông có khắc tám chữ "Thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc", đó cũng là ước nguyện của ông Sơn và những du khách đến cầu nguyện. Ông Sơn cho biết: "Chuông Hòa Bình được đúc vào ngày 13/3/2006 và được đưa lên tháp ngày 26/3/2007, nhờ vào sức lực của hơn 20 thanh niên vạm vỡ. Người ta dùng ròng rọc để di chuyển chuông và phải mất ba ngày mới đưa được chuông lên đỉnh".

Du khách đến đây đều hết sức tò mò và ai cũng muốn được cầu nguyện và tận tay đánh những tiếng chuông cầu mong cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc. ông Sơn còn cho biết thêm, mỗi vị khách chỉ được đánh 3 tiếng chuông: Tiếng thứ nhất là cầu cho hòa bình thế giới, nhân loại hạnh phúc. Tiếng thứ hai cầu cho quốc thái dân an và tiếng thứ ba cầu cho gia đình, bản thân người cầu nguyện.

Dù ngày nắng hay ngày mưa, ông Sơn vẫn đều đặn có mặt trên đỉnh tháp chuông Hòa Bình để đánh những hồi chuông cầu nguyện cho sự bình an của xã hội. Ông Sơn tâm sự: "Những ngày nắng ấm còn đỡ, còn vào những ngày mùa đông ở trên ni lạnh lắm, gió thổi rét như cắt da cắt thịt. Có những ngày rét quá không có du khách lên tháp chuông nên tôi phải ngồi một mình từ sớm đến tối mịt".


Ông Sơn đang đánh chuông cầu nguyện cho hòa bình thế giới, nhân loại hạnh phúc .

Ông còn cho biết thêm, mỗi ngày ông phải đánh đủ 108 tiếng chuông, không tính những lần du khách đánh. Cứ khoảng 5 phút ông lại đánh một tiếng chuông. Để không bị thừa hoặc thiếu thì mỗi tiếng chuông ông đọc một câu kinh, lúc nào đọc xong bài kinh dài 108 câu thì lúc đó đánh đủ tiếng chuông theo quan niệm nhà Phật.

Người hướng dẫn viên không lương

Lên thăm quan tháp chuông Hòa Bình, thuộc khu di tích đền thờ Huyền Trân Công Chúa, du khách không chỉ được đánh chuông cầu nguyện mà còn được nghe ông Sơn kể rất nhiều câu chuyện cảm động về bà Huyền Trân và những câu chuyện mở mang bờ cõi của vua Trần Nhân Tông...

Ông Sơn tâm sự: "Nhiều du khách lên đây không chỉ để đánh chuông nguyện cầu cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc mà họ còn rất tò mò muốn tìm hiểu về lịch sử, về bà Huyền Trân. Nên tôi phải tìm tòi và tra khảo nhiều tài liệu để có thêm nhiều thông tin về di tích đền thờ, về bà Huyền Trân cũng như các ông vua đóng đô ở cố đô Huế".

Rất nhiều đoàn du khách từ xa đến tham quan về khu di tích Huyền Trân cũng như tháp chuông Hòa Bình đều được ông giải thích và hướng dẫn rất tận tình. Nhiều khi Ban Quản lí khu di tích đền thờ Huyền Trân còn giao cho ông nhiệm vụ như một hướng dẫn viên đồng hành cùng du khách.

Mặc dù chưa qua một lớp đào tạo nào về nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch nhưng ông Sơn đã là một hướng dẫn viên thực thụ. Hầu như những du khách khi đến đây đều cảm thấy rất hài lòng. Bạn Phạm Văn Hào, sinh viên năm cuối Trường Đại học dân lập Phú Xuân cho biết: "Em rất thích tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, nhất là lịch sử về các vị vua, chúa. Đó cũng là lý do mà em thường xuyên lên đền Huyền Trân công chúa, bởi lên đây em được nghe rất nhiều câu chuyện lịch sử bổ ích do bác Sơn kể".

Khi được hỏi về tiền lương, ông Sơn chỉ cười và nói: "Tôi làm công việc này hoàn toàn là tự nguyện nên tôi không cần lương bổng chi mô. Làm vì công đức là chính các anh ạ".

Vậy là gần 5 năm đã trôi qua, hình ảnh ông Sơn với mái tóc bạc trắng, khoác chiếc áo nhà chùa vẫn hiện lên trong tâm trí mỗi du khách với tấm lòng đầy biết ơn, mến phục. Dòng đời vẫn trôi qua một cách lặng lẽ với biết bao biến cố, thăng trầm nhưng trên đỉnh núi Ngũ Phong, ông lão Nguyễn Sơn vẫn ngày ngày đánh đủ 108 tiếng chuông để cầu nguyện cho thế giới luôn được hòa bình, nhân loại luôn được hạnh phúc.

Nguồn tin: Vũ Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây