“Chiếc lá cuối cùng”
Những ngày qua, cây Trôi cổ thụ ngàn năm tuổi tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã trút những chiếc lá cuối cùng khiến người dân địa phương tiếc nuối.
Những “huyền thoại” về cây thiêng từ lâu giống như một làn khói hư ảo bao phủ lên làng quê khiến không ít người thêu dệt thành những câu chuyện ly lỳ, khi là “cây thiêng”, khi là “cây giết người”… đầy bí ẩn.
Một cán bộ công tác tại Phòng Văn hóa huyện Tam Dương đã gửi thông tin về việc cây trôi đại thụ của làng Hợp Thịnh bị chết đến báo VietNamNet. Trong câu chuyện của anh, có sự tiếc nuối về một hình ảnh đẹp gắn bó với làng quê hàng ngàn năm, đã vĩnh viễn không còn.
Người chia sẻ thông tin đó là anh Nguyễn Ngọc Lân, cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tam Dương.
Theo anh Lân: cây Trôi cổ thụ này đã có tuổi đời hàng ngàn năm, là hình ảnh hiếm có cổ xưa còn sót lại, trải qua bao vật đổi sao dời đã chứng kiến bao biến thiên, dâu bể. Đối với người dân làng Hợp Thịnh, hình ảnh cây Trôi sừng sững tỏa bóng mát rượi che phủ cả một không gian lớn của làng đã trở thành hình ảnh quá đỗi gần gũi, thân quen, như là một dấu nhắc để người xa quê mỗi lần tìm về cố hương…
Ở những vùng quê Bắc Bộ, cây đa, bến nước, sân đình như mặc định vào tâm trí con người về một cuộc sống bình yên, giản dị, chân quê. Đối với bà con làng Hợp Thịnh, cây trôi cổ thụ là tài sản vô giá của cả dân làng.
Cây Trôi khổng lồ vừa trút chiếc lá cuối cùng.
Cây trôi thời điểm còn sống, chỗ cành gãy được bít bằng xi-măng.
Theo lời những người già trong làng: cây Trôi làng Hợp Thịnh (thuộc họ xoài, muỗm) có tuổi đời khoảng 900 năm và là một cây cổ thụ bậc nhất ở Vĩnh Phúc.
Cụ Phùng Đắc Tuyên, 88 tuổi, (thôn Thọ Khánh, xã Hợp Thịnh) cho biết: từ khi sinh ra cụ đã thấy cây Trôi như vậy, các cụ đời trước cũng khẳng định về tuổi đời của cây đại thụ. Ông Nguyễn Văn Tập (nhà ở gần cây Trôi) xót xa: Không bao giờ có cây như thế này nữa, tiếc quá, thật xót xa!
Trong lịch sử Đảng bộ xã Hợp Thịnh còn ghi: Năm 1945 khi Cách mạng tháng Tám thành công cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên ngọn Cây Trôi Hợp Thịnh. Cây Trôi Hợp Thịnh nhiều năm qua luôn được coi là biểu tượng của xã. Khi nhắc đến Hợp Thịnh là nhắc đến cây Trôi cổ thụ. Nhiều người nước ngoài khi đến Hợp Thịnh đều chụp ảnh lưu niệm với cây. Cây Trôi đã gắn bó với biết bao thế hệ người Hợp Thịnh cả khi sống và khi qua đời.
Những năm cây Trôi còn sum suê lá, chưa già cỗi và chưa có nguy cơ gãy cành, gốc cây là điểm dừng chân trốn nắng, che mưa cho bà con đi làm đồng; trẻ con leo trèo lên cây chơi đùa, hái quả… Khi có người qua đời, đám rước thường dừng lại ở gốc cây Trôi như là chặng nghỉ giữa đường trước khi đưa người quá cố về nơi an nghỉ.
Cây Trôi Hợp Thịnh có đường kính thân 3m, đường kính tán lá khoảng 30m, cao chừng 30m. Các cành to từng bị gãy có đường kính 60cm – 80cm. Sau khi bị gãy cành lần đầu, Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc đã báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện phương án làm rễ giả chống đỡ các cành còn lại và bắn thuốc kích thích cho bộ rễ cây phát triển. Tuy nhiên vì cây quá già cỗi nên đến nay cây không thể sống thêm nữa.
Với người dân Hợp Thịnh, cây Trôi cổ thụ là hình ảnh quen thuộc đã gắn bó với bao thế hệ. Đối với người tứ xứ, nó được gọi là “cây thiêng giết người” khi có thời điểm, Hợp Thịnh có hàng chục cái chết trẻ hoặc chết đột tử… khi một cành cây cổ thụ chỉa vào làng bị gãy…
Cây trôi lúc cành lá xanh tươi.
Những nhân chứng kể chuyện về “cây thiêng giết người”
Những cái chết nối tiếp nhau trong vòng chưa đầy một tháng khiến dân làng Hợp Thịnh hoang mang, nhất là khi cây Trôi bị chết một nửa thân, và một người dân này ra ý tưởng trồng một cây đa bên cạnh cây trôi.
Nhiều người suy đoán, cho rằng “thần cây trôi” nổi giận, vì đưa một cây đa “không tên tuổi” đứng cạnh cây thần, đó là một sự “phạm thượng”. Cây Trôi đại thụ đã nổi giận mà trừng phạt dân làng.
Và, những huyền thoại kỳ bí về “cây thiêng giết người” bắt đầu được lan tỏa…
Một tháng, cây thiêng “giết chết”… 12 người
Chúng tôi tìm về xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc để thực chứng câu chuyện “cây thần” bị chết. Và, trong sự nuối tiếc của người dân bản địa, có thêm cả câu chuyện rùng rợn về việc “cây thiêng” giết chết 12 người trong vòng một tháng.
Ở khu đất thoáng đãng nhất làng Hợp Thịnh, cây Trôi khổng lồ sừng sững hiện ra, và có thể nhận thấy ngay từ xa. Thân cây to lớn phải bốn, năm người mới kín vòng ôm, những cành cây chĩa thẳng lên trời, đồ sộ. Nếu như cây còn sống và xanh tốt, hẳn khu vực này đã bị che kín bởi những tán lá trùm phủ.
Hình ảnh cây Trôi bị chết khô vì lâu năm.
Cây tọa lạc ở bãi đất trống ngay đầu làng, một mé là cánh đồng, một bên là chiếc đài tưởng niệm của xã. Những cành cây khẳng khiu không một chiếc lá.
Dưới gốc cây, nhiều cành to bị gãy nằm lại, có lẽ đã trong một thời gian dài. Nhìn từ xa, cây bị lệch hẳn một phía. Khi lại gần, phần trống này là phần khuyết của một chiếc cành lớn, người dân địa phương cho biết nó bị gãy chừng 4 - 5 năm trước.
Chỗ cành gãy, người ta lấy xi-măng trít lại, giống như một thứ “thuốc” dùng để bôi lên bề mặt vết thương bị toác da.
Nửa còn lại của cây, những chiếc cành to lớn, khẳng khiu được đỡ bằng sáu chiếc cột chống. Đây là dự án do Sở VHTT đề xuất lên UBND tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ kinh phí, sau nhiều lần cây trôi bị gãy cành.
Thời điểm chiếc cành khổng lồ của cây trôi bị gãy, cũng là thời điểm những tin đồn về “cây trôi giết người” bắt đầu xuất hiện, khi ở xã Hợp Thịnh xuất hiện những cái chết kỳ lạ, ngẫu nhiên.
Sự việc xảy ra vào khoảng năm 2007, gắn với thời điểm cành cây chĩa vào làng bị gãy. Sau đó là việc cụ Thử xin xã cho trồng một cây đa ở khu vực gần cây Trôi. Nhiều người suy luận, việc làm này đã “phạm thượng” đến thần cây Trôi, vì “ai lại đặt một cái cây không tên tuổi bên cạnh một cái cây bề thế nhường ấy?”…
Bởi, nhiều cụ già nói, nếu tính theo tuổi trời đất, vật nào sống lâu đều có 'thần' cả. Cây trôi dễ đến vài ngàn năm tuổi, nó đã thẩm thấu sinh khí của trời đất nên thành 'thần' là lẽ đương nhiên.
Người dân vẫn thường chơi đùa dưới gốc cây Trôi cổ thụ khi nó còn sống.
Sau những sự việc “động trời” xảy đến đối với cây Trôi cổ thụ, bắt đầu có những sự lạ xảy đến với người dân làng Hợp Thịnh: hơn chục người dân Hợp Thịnh “nối nhau” ra đi, những cái chết bí ẩn, kỳ lạ cùng với một mùi lạ xuất hiện lúc xẩm tối ở khu vực cây Trôi đứng.
Một người dân Hợp Thịnh kể: Hồi ấy (năm 2007), chưa đầy một tháng mà xã chúng tôi có đến 12 người chết. Có đợt 4 ngày liên tiếp người làng đều phải đau xót tiễn người quá cố ra đồng, hầu hết đều là những người dưới độ tuổi 50 vẫn đang khỏe mạnh bình thường. Nhiều người chết đột tử, không biết lý do chết vì đâu.
Ngoài chuyện chết chóc, nhiều sự lạ khác cũng xuất hiện. Cả làng vẫn kể nhau câu chuyện anh Định làm nghề bốc thuốc nam ở xóm Lê Lợi, một buổi tối đi xe máy qua gốc cây trôi cổ thụ thì bị kéo xuống ao, mất mấy ngày trời hồn phách lang thang sau đó mới chịu về nhà.
Đến chuyện khu vực cây Trôi đứng bỗng nhiên xuất hiện mùi lạ: cứ từ 6h tối trở đi, từ cầu Guộc chỗ bãi Trai đi đến chỗ Giếng Chùa xuất hiện mùi lạ, khét lẹt, khi thì giống như ai đốt đống rác có dầu thực vật; lúc thì như mùi rau muống xào, không ai dám đi qua.
Nhiều người đồn đại, đấy là “gia đình nhà ma nấu cơm”!? Gốc cây Trôi là điểm các đám tang người làng đi qua đều dừng chân, nên vô hình chung, nhiều linh hồn đã trú ngụ trên cây trôi cổ thụ.
Giải oan cho “cây thần”
Sự việc “cây thiêng giết người” đã được nhiều tờ báo phản ánh, khiến người dân càng trở nên hoang mang hơn bao giờ hết. Nhiều thanh niên trong làng, không dám đi chơi khuya, chỉ chừng 10 đêm là đã bảo nhau về nhà hết, thành thử đường làng Hợp Thịnh, nhất là khu vực cây Trôi đứng bỗng nhiên trở nên hoang vắng, đầy mùi sợ hãi.
Anh Phùng Văn Định, người làm nghề bốc thuốc nam, là “nạn nhân” của thần cây Trôi bị kéo ngã xuống ao kể chuyện: Hôm ấy khoảng 12 giờ đêm, tôi đi xe máy từ trong khu vực ao nhà tôi ra ngoài đường. Lúc ấy, tôi hoàn toàn tỉnh táo, không uống rượu cũng như không có cảm giác mệt mỏi hay buồn ngủ. Đi đến chừng nửa đường ven ao thì tự nhiên tôi ngã vật xuống đường. Xe vẫn ở trên đường nhưng người thì lao xuống ao, ướt hết quần áo. Lúc đó tôi không hiểu vì sao mình ngã, cứ như có ai kéo xuống ao vậy.
Thêm câu chuyện về anh Quyền, trông coi trang trại cho nhà ông Hùng. Anh Quyền là một trai đinh rất khỏe mạnh, một buổi sáng người ta thấy anh chết cứng từ bao giờ; hay như ông Vụ, buổi tối vẫn khỏe mạnh bỗng sùi bọt mép, mắt trợn ngược, đưa lên đến bệnh viện cấp cứu thì mất.
Thời điểm người dân Hợp Thịnh hoang mang vì những tin đồn sợ hãi, chủ tịch UBND xã Lê Bình Dân khi đó giải thích: cây trôi cổ thụ đã sống cả nghìn năm nay, khi chúng tôi còn bé vẫn hay trèo lên cây ngồi chơi.
Ở giữa thân cây có một hõm rộng, mỗi khi mưa, nước mưa hay đọng ở đó gây mục ruỗng. Nhiều năm như thế, giờ thân cây đã bị rỗng giữa. Theo như khoa học, toàn bộ phần cây ở giữa đã chết.
Cây Trôi cổ thụ ở giai đoạn xanh tốt, cả làng vẫn ra đây làm nơi hóng mát, trẻ thả trâu vui chơi dưới tán cây xanh mát.
Có lần, một cháu bé ngồi chơi ở đó chẳng may làm rơi tàn lửa xuống hõm cây gây cháy. Xã đã gọi cứu hoả đến, một anh lính cứu hoả đã chui đựơc hẳn vào thân cây trôi xuống tận dưới gốc. Mà các cành cây đều rất to và nặng nên khi gặp gió to là khả năng bị gãy rụng rất cao. Cây trôi đã bị gãy cành hai lần là vì lý do đó.
Về sự việc một người dân trồng cây đa bên cạnh cây Trôi khiến nhiều người cả nghĩ đó là việc làm “xúc phạm” đến 'thần' cây Trôi, chủ tịch xã giải thích: “Chúng tôi đồng ý để các cụ cao tuổi trồng một cây đa nhỏ gần chỗ cây trôi để kế cận bóng mát cho người dân nếu cây trôi bị chết. Không có chuyện ma mãnh nào kéo người xuống ao cả!”.
Nhiều người phân tích, đoạn đường anh Định bị ngã xe là khúc cua khá hẹp. Sau đấy vài tháng, xã đã mở rộng và bê tông hoá đoạn đường, từ đó đến nay không còn trường hợp nào ngã xe ở đó.
Giải thích về mùi khét lẹt trên đoạn đường từ cầu Guộc chỗ bãi Trại đến Giếng Chùa (khu vực có cây trôi) khiến nhiều người đồn thổi là “ma nấu cỗ”, một thầy lang của làng lý giải: Đó là mùi cây phèn đen, dân gian vẫn cùng để nhuộm quần áo. Loại cây này có quả chín, lá giống nhưng nhỏ hơn lá khế, mọc tự nhiên rất nhiều ở các bờ rào và đặc biệt là toả ra mùi khét khi trời tối.
Đây cũng là một loại cây nằm trong danh mục cây thuốc nam mà trạm xá hay trồng.
Cụ Thử, người đích tay trồng cây đa bên cạnh cây Trôi thì khá bình thản: trồng cây đa kế cận để lấy bóng mát cho bà con, đó là việc nên làm, chả lẽ thần linh lại quở phạt vì điều đó hay sao?
Cán bộ trạm y tế xã Hợp Thịnh giải thích rõ về trường hợp một tháng có 12 người chết: trong khoảng thời gian từ 20/4 đến 20/5, toàn xã có 12 người mất, trong đó ba người mất vì tuổi già, 6 người mất vì bệnh nan y, 2 người mất vì xuất huyết não, một người mất vì đuối nước, một cháu bé bị viêm tắc ruột bẩm sinh mất khi mới được 20 ngày tuổi.
Bức màn bí ẩn về “cây thiêng giết người” đã thực sự được giải mã. Người dân không còn “đổ oan” cho cây Trôi ngàn năm tuổi của mình nữa, mà rất đỗi tự hào về cây cổ thụ thuộc dạng cực kỳ hiếm ở nhiều làng quê trên đất nước Việt Nam.
Khi cây Trôi cổ thụ bị chết héo vì tuổi già, do thân chính bị rỗng ruột và sâu đục thân từ lâu, người dân xã Hợp Thịnh đều tiếc nuối, vì hình ảnh gần gũi thân quen đã in sâu trong tâm trí của biết bao thế hệ đã không còn.
Với họ, cây Trôi cổ thụ là một di sản, và dẫu cây có linh thiêng đến độ “thành thần”, thì đó cũng là cùng là vị thần mang may mắn đến cho dân làng.
Nguồn tin: vietnamnet
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự